Đòi lại quyền sử dụng đất đã tặng cho theo quy định mới

Câu hỏi: Đòi lại quyền sử dụng đất đã tặng cho theo quy định mới

Xin chào Luật sư,

Ông nội tôi có mua một mảnh đất có nhà và vườn, rộng 240 m2 từ năm 1999, đã có tên trong sổ địa chính xã và nộp thuế từ ngày ấy đến giờ. Ông tôi có 2 người con trai, bố tôi là út, bác cả làm ăn khó khăn, nên có ý muốn ông cho một phần đất. Tháng 8 năm 2016, ông cắt cho bác 70m2 đất vườn mà chưa làm hợp đồng tặng cho. Nhưng khi xây nhà, bác lại cố ý lấn đất, còn muốn chiếm cả thửa đất của ông. Xin Luật sư tư vấn hướng giải quyết trong trường hợp này, liệu ông tôi có thể đòi lại phần đất đã cho bác hay không?

Tôi xin chân thành cảm ơn.

(Câu hỏi được biên tập lại từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn cả PHAMLAW)

Đòi lại quyền sử dụng đất đã tặng cho theo quy định mới
Đòi lại quyền sử dụng đất đã tặng cho theo quy định mới

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Chào bạn,

Hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất có quyền tặng cho lại người khác quyền sử dụng đất của mình. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, thì hợp đồng tặng cho phải được thực hiện đúng về việc công chứng, chứng thực để có hiệu lực. Đối với trường hợp của bạn, PHAMLAW xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc công nhận quyền sử dụng đất của ông bạn với thửa đất 240m2

Khoản 2 điều 101 Luật đất đai 2013 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất: “2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

Thửa đất mà ông bạn mua từ năm 1984, đã có tên trên bản đồ địa chính của xã, nay nếu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Sau khi đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông bạn có đầy đủ các quyền của người sử dụng đất, bao gồm quyền được Nhà nước bảo hộ khi bị các bên xâm phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình.

Thứ hai, về việc tặng cho quyền sử dụng đất

Khoản 1, điểm a khoản 3 điều 167 Luật đất đai 2013 quy định: “1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;…”

Như vậy, việc tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông và bác bạn chỉ là nói miệng mà chưa được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực, nên chưa có hiệu lực. Ông bạn vẫn có thể đòi lại đất bằng cách yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp.

Thứ ba, về việc giải quyết tranh chấp đất đai

Khoản 5 điều 166 Luật đất đai 2013 về quyền chung của người sử dụng đất, theo đó, người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình. Trong trường hợp có tranh chấp về đất đai, theo Luật đất đai 2013, trước hết giải quyết thông qua hòa giải: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Việc hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã được tiến hành theo quy định tại khoản 1 điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2013 như sau:

Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

– Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;

– Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải.

– Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

Nếu việc hòa giải thành, thì các bên sẽ thực hiện như đã thỏa thuận trong biên bản hòa giải. Nếu hòa giải không thành, tùy thuộc vào việc người sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa thì tranh chấp sẽ do Tòa án nhân dân giải quyết hoặc nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo điều 203 Luật đất đai 2013 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:

“Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;”

Trên đây là những quan điểm của PHAMLAW về Đòi lại quyền sử dụng đất đã tặng cho theo quy định mới. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của PHAMLAW. Để được tư vấn các thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai…, Quý khách hàng vui lòng kết nói tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ./

—————————–

Phòng tư vấn Đất đai – Phamlaw

 > Xem thêm:

 

 

Rate this post