Ngân hàng xiết nợ, có thể bị truy cứu tội cướp; Cưỡng đoạt tài sản

Phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với các luật sư tại Hà Nội đối với hành vi này

Phóng viên: Thưa luật sư, khi đọc những thông tin về việc ngân hàng VPBank tổ chức “thu giữ tài sản đảm bảo” luật sư có bình luận gì?

Trả lời: Khi xem bài “Xiết nợ, niêm phong nhà dân” đăng trên báo Lao động ngày 18/3/2015 tôi thấy vụ việc giống như một buổi cưỡng chế thi hành án mà cơ quan thi hành án thường tiến hành để thi hành bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật.

Ở đây chỉ khác là lực lượng thi hành án lại là “cán bộ ngân hàng”. Theo quy định pháp luật hiện hành thì ngân hàng, cán bộ ngân hàng không có chức năng thi hành án, đồng thời việc cưỡng chế kê biên tài sản chỉ được cơ quan thi hành án thực hiện sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật (quy định của luật thi hành án dân sự).

Mặc dù phía ngân hàng có đưa ra văn biên bản có chữ ký của đại diện UBND, Công an, nhưng cán bộ ngân hàng không có chức năng thi hành án.

Phóng viên:  Vậy, doanh nghiệp cũng có quyền “cưỡng chế thu giữ tài sản” hay không?

ngan_hang_xiet_no

Trả lời: Theo quy định pháp luật hiện nay thì chỉ có cơ quan thi hành án dân sự mới có thẩm quyền cưỡng chế đối với các giao dịch dân sự mà một bên cố tình không thực hiện, đồng thời việc cưỡng chế này cũng chỉ được phép tiến hành sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Tới đây thì nhà nước mở rộng thẩm quyền cưỡng chế thi hành án cho tổ chức Thừa phát lại. Còn đối với Ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân thì không có chức năng “cưỡng chế”.

Việc tự ý dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc… nhằm thu hồi nợ thì có thể bị xử lý về tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS hoặc tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 BLHS.

Với hành vi đánh đuổi người khác ra khỏi nơi cư trú hợp pháp của họ thì có thể bị xử lý về tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo quy định tại Điều 124 BLHS.

Phóng Viên: Luật sư có nghĩ rằng có sự dễ dãi và thiếu hiểu biết pháp luật của một số ngân hàng trong việc “thu hồi tài sản” của con nợ?

Trả lời: Hợp đồng thế chấp tài sản là một trong các hợp đồng dân sự, được điều chỉnh bởi các quy định của bộ luật dân sự, luật đất đai, luật nhà ở, các quy định về giao dịch bảo đảm…

Theo đó, nếu hợp đồng không có tranh chấp thì các bên sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng, trong đó có cả nghĩa vụ bàn giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để thực hiện thủ tục phát mại tài sản…

Nhưng nếu có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thế chấp tài sản thì vụ việc phải được giải quyết tại tòa án thông qua thủ tục tố tụng dân sự. Nếu bản án của tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp đó vô hiệu thì ngân hàng phải trả lại giấy chứng nhận cho bên thế chấp, khoản nợ đó coi như khoản nợ không có bảo đảm.

Hiện nay có nhiều vụ việc rơi vào tình trạng này – hợp đồng thế chấp vô hiệu, bởi nhiều lý do khác nhau khiến các ngân hàng không thể xử lý được tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Nếu bản án có hiệu lực pháp luật xác định hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật, các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết thì khi đó ngân hàng mới có thể yêu cầu cơ quan thi hành án vào cuộc để cưỡng chế, buộc bên thế chấp phải thực hiện nghĩa vụ theo bản án.

Hiện nay, pháp luật quy định rất cụ thể, chặt chẽ chứ không phải là dễ dãi, không có quy định cho phép ngân hàng được quyền cưỡng chế thu hồi tài sản của người thế chấp khi chưa được giải quyết thông qua thủ tục tố tụng.

Phóng viên: Theo quy định của luật pháp, trình tự thu hồi tài sản thế chấp từ “con nợ” sẽ được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Nếu bên thế chấp tài sản và Ngân hàng (bên nhận thế chấp) không có tranh chấp, Bên thế chấp đồng ý tự nguyện giao tài sản cho Ngân hàng để thực hiện thủ tục bán đấu giá hoặc bên thế chấp tự liên hệ để bán nhà lấy tiền trả nợ thì hợp đồng thế chấp được thực hiện theo thỏa thuận của hai bên.

Nếu một trong hai bên có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của mình (hợp đồng có tranh chấp) thì ngân hàng hoặc bên có tài sản thế chấp phải khởi kiện tới tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Nếu bên ngân hàng thắng kiện, bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên bố ngân hàng được xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ thì ngân hàng có quyền gửi đơn tới cơ quan thi hành án để yêu cầu cưỡng chế thi hành án đối với bán án đã có hiệu lực pháp luật đó. Siết nợ đúng pháp luật cũng cần phải đúng pháp luật.

Xin cảm ơn luật sư!

Cùng quan điểm “ngân hàng không có chức năng thi hành án”, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư Tp HCM) chia sẻ:

Về mặt pháp lý, việc thu hồi tài sản để bảo đảm việc trả nợ phải tuân theo trình tự, thủ tục luật định. Các ngân hàng nói riêng và cá nhân, tổ tức khi thu hồi nợ nói chung thường có nhiều hành vi xiết nợ, thu hồi tài sản không đúng theo trình tự, thủ tục luật định và có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến tài sản của con nợ, thậm chí gây tổn hại tính mạng, sức khỏe cho con nợ và những người liên quan. Những hành vi này tùy tính chất, mức độ, mục đích mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại và thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Họ có quyền và được pháp luật bảo vệ nhưng họ đã không biết thực hiện quyền này cho đúng luật.

Khi vay nợ ngân hàng khách hàng thường phải thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay. Khi khách hàng không có khả năng chi trả hoặc không trả các khoản vay liên quan thì Ngân hàng được quyền xử lý các tài sản bảo đảm để thu hồi khoản tiền cho vay. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản và thu hồi tài sản này phải bảo đảm đúng trình tự thủ tục luật định. Trường hợp khách hàng không trả được nợ, ngân hàng có thể thương lượng với khách hàng để bán tài sản đó để thu hồi nợ. Nếu không thương lượng được ngân hàng có quyền khởi kiện đề nghị tòa án buộc khách hàng phải trả nợ, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật nếu khách hàng không trả nợ, thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thì hành án tiến hành cưỡng chế, kê biên phát mại tài sản thế chấp. Khi bán tài sản phải định giá lại tài sản thông qua tổ chức có chức năng về định giá, chứ ngân hàng không tự 1 mình định giá và bán đấu giá tài sản theo quy định pháp luật.

Cho dù ngân hàng có thực hiện nhiều biện pháp trước đó để nắm “đầu cán” để xử lý tài sản như yêu cầu khách hàng làm ủy quyền cho ngân hàng được toàn quyền xử lý tài sản…thì Ngân hàng cũng không có quyền thực hiện việc “cưỡng chế” như trường hợp của VPBank…

Thực tế luật đã quy định những trường hợp nào cơ quan có thẩm quyền được thu giữ tài sản của công dân hay của người vi phạm. Tuy nhiên, đối với các giao dịch về dân sự thì một tổ chức, cá nhân chỉ được quyền sở hữu về tài sản khi có quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền hoặc khi các tổ chức, cá nhận này đã thực hiện các giao dịch về tài sản này đúng theo quy định, thủ tục luật định. Các các nhân, tổ chức giao dịch với nhau khi có tranh chấp đều phải có quyết định hoặc bản án của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền mới định đoạt được tài sản của mình. Nếu thông tin báo chí đưa là đúng, VPBank xuống nhà khách hàng khóa cửa, không cho người nhà vào, không cho người làm thuê ra khỏi nhà… là có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo tôi, hiện nay, vấn đề vay và cho vay khá phức tạp, có khi con nợ chây ì không giao tài sản đảm bảo, bên cạnh đó, tín dụng đen hình thành nhiều, tình trạng cho vay lãi cao dẫn đến con nợ mất tài sản, nhà đất do bị “xử ép” ngày càng phức tạp. Do vậy, việc cần ban hành các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục xử lý tài sản vay thế chấp, cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý tài sản thế chấp… đồng thời cần có những chế tài cụ thể, nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân có hành vi “xiết nợ” không đúng trình tự, thủ tục luật định xâm hại đến quyền công dân, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Có 1 câu hỏi chung mà các khách hàng thường hay hỏi đến tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6284 :nợ bao nhiêu tiền thì bị truy tố?Chúng tôi xin được trả lời rằng: Hợp đồng vay nợ của Quý khách hàng với ngân hàng nếu không có dấu hiệu hình sự (lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm…)thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, phía ngân hàng có thể cho Quý khách vào danh sách nợ xấu, sau này quý khách hàng sẽ khó có thể vay lại một khoản vay khác tại ngân hàng đó hoặc bất kỳ một tổ chức tín dụng nào tại Việt Nam.

Nguồn: infonet.vn

Thủ tục giải thể doanh nghiệp

> có thể bạn quan tam:

 

1/5 - (1 bình chọn)