Những quy định của pháp luật hiện hành về bên đại diện là tổ chức

Những quy định của pháp luật hiện hành về bên đại diện là tổ chức

Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, tôi thường xuyên theo dõi các bài viết tư vấn của Quý luật sư trên website phamlaw.com, đặc biệt là ở lĩnh vực doanh nghiệp. Qua đó tôi được biết thương nhân và doanh nghiệp có thể có người đại diện là cá nhân. Vậy thì có trường hợp nào một tổ chức có thể làm đại diện được không? Kính mong được Quý luật sư tư vấn.

Trân trọng cảm ơn!

(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw)

Những quy định của pháp luật hiện hành về bên đại diện là tổ chức
Những quy định của pháp luật hiện hành về bên đại diện là tổ chức

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã quan tâm theo dõi và gửi câu hỏi đến cho Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw. Về vướng mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn của mình qua bài viết dưới đây.

Quy định của pháp luật hiện hành về bên đại diện là tổ chức

Ngoài việc ủy quyền cho cá nhân, doanh nghiệp hay thương nhân có thể ủy quyền cho một tổ chức để đại diện cho mình trong quan hệ với bên thứ ba. Trên thực tế viêc ủy quyền như vậy thường là một doanh nghiệp phân phối hàng hóa ủy quyền cho các doanh nghiệp khác thực hiện công việc như tiếp thị hay bán hàng cho mình; một trường hợp khác nữa là một ngân hàng ủy quyền cho một ngân hàng hoặc tổ chức khác nhân danh mình làm đại lý thu hồi nợ hoặc đại lý nhận tài sản bảo đảm.

*Bên đại diện cho thương nhân

Bên đại diện cho thương nhân được pháp luật quy định tại Luật thương mại 2005. Theo đó tại khoản 1 Điều 141 Luật thương mại 2005 thì: “Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện”. Như vậy đại diện cho thương nhân có ba đặc tính là:

  • Bên đại diện là thương nhân;
  • Để thực hiện các hoạt động thương mại cho bên được đại diện là thương nhân khác;
  • Có thù lao.

Về định nghĩa thương nhân có thể được hiểu theo khoản 1 Điều 6 Luật thương mại 2005“bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”. Như vậy thương nhân sẽ bao gồm các “tổ chức kinh tế” và các cá nhân có “đăng ký kinh doanh”. Khi một thương nhân đại diện cho doanh nghiệp để thực hiện quan hệ thương mại và có thù lao, như vậy quan hệ này sẽ được xem là quan hệ đại diện cho thương nhân do Luật thương mại 2005 điều chỉnh. Bên đại diện cho thương nhân có thể là tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc tổ chức không có tư cách pháp nhân.

Tại khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005 có quy định: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Có thể thấy trên thực tế phần lớn các hợp đồng hoặc giao dịch của doanh nghiệp có mục đích sinh lợi đều liên quan đến hoạt động thương mại đồng nghĩa với việc quan hệ đại diện của doanh nghiệp đều liên quan đến hoạt động thương mại.

Đối với thương nhân thì bên đại diên bao giờ cũng thực hiện công việc đại diện có thù lao. Tuy nhiên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì thực hiện công việc không trên cơ sở thù lao bởi lẽ việc đại diện nằm trong phạm vi công việc tương ứng với chức vụ của người đó. Vì vậy người đại diện theo pháp luật nhận lương thưởng trong phạm vi chức vụ của mình chứ không có thù lao riêng cho việc đại diện.

*Bên đại diện là pháp nhân

Bên đại diện là pháp nhân được quy định và điều chỉnh trong Bộ luật dân sự 2015. Theo đó tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Bộ luật dân sự 2015 đã cho phép doanh nghiệp chị định pháp nhân làm bên đại diện. Đây là sự thay đổi quan trọng trong quy định của pháp luật về vấn đề này. Khi Bộ luật dân sự 2015 chưa được ban hành, Bộ luật dân sự 2005 có hai chế định riêng biệt liên quan đến “đại diện” và “hợp đồng ủy quyền”. Theo đó Bộ luật dân sự 2005 cho phép người đại diện theo pháp luật được ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền để đại diện cho doanh nghiệp trong quan hệ, giao dịch với bên thứ ba. Trong trường hợp này, người đại diện theo ủy quyền chỉ có thể là cá nhân. Tuy nhiên với hợp đồng ủy quyền thì có thể ký kết giữa bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào và không quy định bắt buộc bên được ủy quyền phải là cá nhân trong Bộ luật dân sự 2005.

Có quan điểm cho rằng hợp đồng ủy quyền chính là một hình thức văn bản ủy quyền theo quy định về đại diện, bên được ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền chính là người đại diện theo ủy quyền và là cá nhân. Hợp đồng ủy quyền được sử dụng trong các trường hợp liên quan đến quyền sử dụng đất và bất động sản phải được công chứng. Trên thực tiễn áp dụng thì có nhiều văn phòng công chứng hoạt động theo quan điểm trên và từ chối công chứng nếu bên được ủy quyền là tổ chức.

Bộ luật dân sự 2015 ra đời đã giải quyết cơ bản vấn đề trên khi quy định pháp nhân có thể là bên đại diện của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp muốn ủy quyền cho tổ chức không có tư cách pháp nhân thì doanh nghiệp cần phải ủy quyền cho một thành viên của tổ chức đó (phải là một cá nhân hoặc pháp nhân).

Có thể thấy có sự khác biệt giữa quy định của Luật thương mại 2005 và Bộ luật dân sự 2015. Trong khi theo quy định của Luật thương mại 2005 thì bên đại diện có thể là tổ chức không có tư cách pháp nhân thì Bộ luật dân sự 2015 chỉ có tổ chức có tư cách pháp nhân mới được làm công việc đại diện.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw về thắc mắc của Quý khách liên quan đến Những quy định của pháp luật hiện hành về bên đại diện là tổ chức. Nếu Quý khách còn có vướng mắc hay muốn biết thêm thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực doanh nghiệp như thành lập doanh nghiệp, thay đổi thông tịn đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp,… xin vui lòng liên hệ với Tổng đài Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw, số hotline 1900. Để sử dụng dịch vụ, Quý khách vui lòng kết nối tới Số hotline: 0973938866.

——————————

Phòng tư vấn Doanh nghiệp

 > Xem thêm:

 

 

 

Rate this post