Pháp luật trong quản lý nội bộ doanh nghiệp

Pháp luật trong quản lý nội bộ doanh nghiệp 

Khái quát chung về tư vấn pháp luật trong quản lý nội bộ doanh nghiệp

  1. Thếnào là quản lý nội bộ doanh nghiệp?

Quản lý nội bộ doanh nghiệp thường được hiểu là cách thức cơ cấu bộ máy quản lý doanh nghiệp, việc phân chia quyền lực trong doanh nghiệp với mục đích bảo đảm quyền lợi của các nhóm người tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả chính sách đối với người lao động, trong đó “sự hình thành ý chí của các cổ đông (thông qua đại hội đồng cổ đông) và thể hiện ý chí đó thông qua người đại diện (thường là giám đốc công ty)” là nội dung chính trong quản lý nội bộ doanh nghiệp. Quản lý nội bộ doanh nghiệp còn là cơ chế điều chỉnh các mối quan hệ của các chủ thể tham gia trong doanh nghiệp như các cổ đông, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Giám đốc, người lao động hoặc những người có liên quan khác và các biện pháp để những người này thực hiện lợi ích của họ. Dưới góc độ pháp lý, quản lý nội bộ doanh nghiệp là một hệ thống các thiết chế, chính sách, luật lệ nhằm định hướng, vận hành và kiểm soát doanh nghiệp.

> Xem thêm về thủ tục giải thể công ty tnhh mtv

    2. Phân biệt quản lý nội bộ doanh nghiệp và quản lý/quản trị doanh nghiệp

Quản lý doanh nghiệp thường được hiểu như một khái niệm trong quản trị kinh doanh trong những năm gần đây. Quản lý hay quản trị điều hành trong doanh nghiệp nói chung là hành động đưa các cá nhân trong tổ chức làm việc cùng nhau để thực hiện, hoàn thành mục tiêu chung. Phương pháp tổ chức này cho phép người quản lý chia toàn bộ hoạt động của một bộ phận hay doanh nghiệp thành nhiều giai đoạn. Khia chia chức năng hoạt động thành từng phần cho phép việc quản lý có được một bức tranh rõ ràng về các mục tiêu của bộ phận đang hướng tới và làm thế nào để thực hiện được mục tiêu đó một cách hiệu quả nhất. Từ đó, cho phép các nhà quản lý xử lý nhanh chóng các yếu tố ảnh hưởng đến sự mong đợi bên trong hoặc bên ngoài của công ty. Quản trị là một quá trình nhằm đạt đến các mục tiêu đề ra bằng việc phối hợp hữu hiệu các nguồn lực của doanh nghiệp. Theo quan điểm hệ thống, quản trị còn là việc thực hiện những hoạt động trong mỗi tổ chức một cách có ý thức và liên tục. Quản trị trong một doanh nghiệp tồn tại trong một hệ thống bao gồm các khâu, các phần, các bộ phận có mỗi liên hệ khăng khít với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và thúc đẩy nhau phát triển.

Pháp luật trong quản lý nội bộ doanh nghiệp
Pháp luật trong quản lý nội bộ doanh nghiệp

Quản trị doanh nghiệp xử lý mối quan hệ giữa nhiều bên, không chỉ trong nội bộ doanh nghiệp như các cổ đông, thành viên công ty, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, mà còn cả những bên có lợi ích liên quan bên ngoài doanh nghiệp như: Cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác kinh doanh và cả cộng đồng, xã hội. Mối quan hệ này được xác định bởi một phần luật pháp, lịch sử, văn hóa của quốc gia nơi công ty đặt trụ sở. Sự sụp đổ của một số công ty lớn trên thế giới như Enron, WorldCom…hay các vụ bê bối ở các doanh nghiệp nhà nước  ở Việt Nam do hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ đều có nguyên nhân sâu xa từ việc thực hiện quản trị doanh nghiệp không tốt. Các quy định của quản trị doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến Hội đồng quản trị, các thành viên Hội đồng quản trị và Ban giám đốc, chứ không liên quan đến việc điều hành công ty hằng ngày của công ty. Quản trị doanh nghiệp tốt sẽ có tác dụng làm cho các quyết định và hành động của ban giám đốc thể hiện đúng ý chí và bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, cổ đông và những người có lợi ích liên quan. Quản trị doanh nghiệp là mô hình cân bằng và kiềm chế quyền lực giữa các bên liên quan của công ty, nhằm vào sự phát triển dài hạn của công ty.

Như vậy, quản lý nội bộ doanh nghiệp là một dạng của hoạt động quản lý, một phần của hoạt động quản lý và là “một trong các yếu tố quản trị công ty”.

> Tham khảo thêm về hồ sơ giải thể doanh nghiệp

   3. Tư vấn pháp luật trong quản lý nội bộ doanh nghiệp

Tư vấn pháp luật trong quản lý nội bộ doanh nghiệp là giải đáp pháp luật, hướng dẫn doanh nghiệp ứng xử đúng  pháp luật với mục đích điều chỉnh mối quan hệ của các chủ thể tham gia trong doanh nghiệp như các cổ đông, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Giám đốc, người lao động hoặc những người có liên quan khác và các biện pháp để những người này thực hiện được lợi ích của họ, đồng thời điều chỉnh mối quan hệ của các doanh nghiệp thành viên/ công ty con trong tập đoàn kinh tế hoặc nhóm công ty.

Tư vấn trong quản lý nội bộ doanh nghiệp phải đạt được các yêu cầu sau:

Thứ nhất: Bộ máy quản lý của doanh nghiệp phải gọn nhẹ, linh hoạt để giảm thiểu chi phí công ty: Bộ máy gọn nhẹ không những làm giảm chi phí của doanh nghiệp mà còn làm cho các hoạt động của doanh nghiệp linh hoạt, việc đưa ra các quyết định nhanh và kịp thời với các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai: Tổ chức quản lý nội bộ doanh nghiệp phải bảo đảm khả năng tham gia của chủ sỡ hữu doanh nghiệp phải bảo đảm khả năng tham gia của các chủ sở hữu doanh nghiệp và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của họ: Các cơ chế quản lý nội bộ trong doanh nghiệp cần bảo đảm tối đa quyền của các chủ sở hữu bằng cách cho họ các khả năng quản lý doanh nghiệp thông qua cơ chế trực tiếp và gián tiếp. Các chủ sở hữu trực tiếp đưa ra các quyết định quan trọng nhất của doanh nghiệp trong các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng thành viên hằng năm, đồng thời ủy quyền cho các thành viên Hội đồng quản trị/Hội đồng thanh viên thay mặt mình đứng ra quản lý doanh nghiệp giữa 2 kỳ đại hội. Bảo vệ quyền lợi cổ đông còn có ý nghĩa là bảo đảm lợi ích của các cổ đông thiểu số trong doanh nghiệp bên cạnh lợi ích của các cổ đông lớn hầu như nắm giữ quyền quyết định chủ chốt cho doanh nghiệp. Nhiệm vụ của quản lý doanh nghiệp là tăng tối đa khả năng quản trị của các chủ sở hữu thông qua các chế định về quản trị điều hành được quy định trong luật doanh nghiệp, đồng thời tăng cường khả năng tự chủ trong điều hành của bộ máy điều hành doanh nghiệp.

Thứ ba: Tổ chức quản lý nội bộ doanh nghiệp phải bảo đảm sự tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền quản lý, điều hành công ty. Quản lý nội bộ được đặt trên cơ sở của sự tách bạch giữa quản lý và sở hữu doanh nghiệp. Công ty là của các chủ sỡ hữu (Nhà đầu tư; cổ đông; người góp vốn…), nhưng công ty tồn tại và phát triển được phải có sự dẫn dắt của Hội đồng quản trị, sự điều hành của ban giám đốc và sự đóng góp của người lao động, mà những người này không phải lúc nào cũng có chung ý chí và quyền lợi. Rõ ràng, cần phải có một cơ chế điều hành và kiểm soát để nhà đầu tư, cổ đông, người góp vốn kiểm soát việc điều hành công ty nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.  Quản lý nội bộ doanh nghiệp tập chung xử lý các vấn đề thường phát sinh trong mối quan hệ ủy quyền. Hội đồng quản trị là nơi tập chung quyền lực quản lý của các công ty cổ phần. Hội đồng quản trị có trách nhiệm giám sát Bam giám đốc và phải bảo đảm rằng Ban giám đốc đang tạo ra giá trị được thị trường công nhận. Trong loại hình công ty cổ phần, Ban giám đốc được xem là có tính tư lợi cao nhất. Quản lý tích cực được coi là cần thiết để kiềm chế khả năng lạm quyền của Ban giám đốc cũng như bảo đảm sự gắn kết hiệu quả lợi ích của Ban giám đốc và lợi ích của cổ đông. Bởi vậy, nhiều văn bản pháp luật và các quy định mới đang được soạn thảo nhằm cải cách việc quản lý các công ty cổ phần, trong đó những văn bản pháp luật này được soạn ra để tăng cường sự độc lập của Hội đồng quản trị và tăng trách nhiệm của họ.

Thứ tư: Hội đồng quản trị điều hành phải bảo đảm vai trò độc lập theo chế độ một thủ trưởng với vai trò trung tâm của giám đốc điều hành.  Giám đốc doanh nghiệp là người được chủ sở hữu doanh nghiệp giao cho quyền điều hành doanh nghiệp theo chế độ một thủ trưởng, chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về mọi hoạt động của doanh nghiệp cũng như kết quả của các hoạt động đó; đồng thời được hưởng thù lao tương xứng với kết quả mang lại. Trong ba cấp quản trị doanh nghiệp, Giám đốc là quản trị viên hàng đầu, là thủ trưởng cấp cao nhất trong doanh nghiệp. Giám đốc có quyền ra chỉ thị, mệnh lệnh và mọi người buộc phải tuân thủ. Vì vậy mỗi quyết định của giám đốc có ảnh hưởng rất lớn trong phạm vi hoạt động doanh nghiệp. Bởi vậy, Giám đốc phải là người tập chung được tất cả trí tuệ của mỗi người lao động trong doanh nghiệp, bảo đảm cho các quyết định đứng đắn để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Về tải chính, Giám đốc là người quản lý, là chủ tài khoản của hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay Giám đốc phải có trách nhiệm về bảo toàn và phát triển vốn, một quyết định sai lầm có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp về kinh tế. Như vậy để thấy rằng, nếu doanh nghiệp là con tầu thì giám đốc doanh nghiệp chính là người thuyền trưởng chèo lái con tầu đó. Cơ chế quản lý nội bộ doanh nghiệp bảo đảm vai trò giám sát của Hội đồng quản trị và chế độ một thủ trưởng với vai trò trung tâm phát huy hết khả năng của Giám đốc điều hành là một cơ chế thành công cho sự phát triển vững bước của doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung tham khảo cho các doanh nghiệp đã, đang hay sắp  bắt đầu khởi nghiệp đầy thử thách. Chúc Quý khách hàng thành công với lựa chọn của mình.

Bài viết “Pháp luật trong quản lý nội bộ doanh nghiệp” trên có tham khảo trong giáo trình tư vấn pháp luật doanh nghiệp phần chuyên sâu của Nhà xuất bản tư pháp. Quý khách hàng muốn được hỗ trợ, tìm hiểu thêm vui lòng kết nối đến số tư vấn hotline 1900 của Phamlaw để được trợ giúp.

————————–

Phòng biên tập công ty luật Phamlaw

> xem thêm tại Thủ tục giải thể công ty

 

5/5 - (1 bình chọn)