Tư vấn thừa kế thế vị theo Bộ Luật Dân sự mới 2015

Hỏi: Tư vấn thừa kế thế vị theo Bộ Luật Dân sự mới 2015

Xin chào Luật sư, mong Luật sư tư vấn giúp gia đình.

Ông bà nội tôi có 3 người con trai, trong đó bố tôi là con út. Bà nội tôi mất đã lâu. Tháng 5/2016, bố tôi đưa ông đi khám tại bệnh viện, trên đường về bị tai nạn giao thông, bố tôi và ông nội đã mất ngay lúc ấy. Ông nội tôi mất có để lại một thửa đất rộng 480m2, trong di chúc để lại có nói chia đều cho 3 anh em. Nay bố tôi đã mất, các bác tôi tự họp và tiến hành chia đất làm hai phần mà không chia cho mẹ con tôi. Xin hỏi Luật sư, các bác tôi làm như vậy có đúng không? Mẹ con tôi cần làm gì để được chia thừa kế đối với thửa đất ông để lại không?

Tôi xin chân thành cảm ơn.

(Câu hỏi được biên tập lại từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của PHAMLAW)

Tư vấn thừa kế thế vị theo Bộ Luật Dân sự mới 2015
Tư vấn thừa kế thế vị theo Bộ Luật Dân sự mới 2015

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Chào bạn,

Việc thừa kế theo di chúc hiện nay được Bộ luật dân sự 2015 quy định tại chương XXII. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, di chúc có thể chỉ có hiệu lực một phần, và số di sản còn lại được chia theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp của bạn, PHAMLAW xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc thừa kế theo di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Điều kiện có hiệu lực của di chúc được pháp luật quy định như sau:

Khoản 1 điều 630 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.”

Như vậy, nếu đáp ứng được các điều kiện trên, thì di chúc của ông bạn được coi là hơp pháp và việc phân chia di sản được chia theo di chúc.

Tuy nhiên, theo quy định tại điều 613 Bộ luật dân sự 2015: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.” Căn cứ vào quy định này, thì việc phân chia di sản của ông bạn cần xem xét các quy định về việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm.

Thứ hai, việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm

Điều 619 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi chung là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 của Bộ luật này.”

Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 về thừa kế thế vị: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Căn cứ vào 2 điều luật trên, thì trong trường hợp con của người để lại di sản chết cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu sẽ được thừa hưởng đối với phần di sản mà lẽ ra cha hoặc mẹ mình được hưởng nếu còn sống. Do đó, bạn vẫn có quyền hưởng thừa kế đối với quyền sử dụng thửa đất mà lẽ ra bố bạn được hưởng nếu còn sống.

Thứ ba, về việc hưởng di sản thừa kế trong trường hợp có thừa kế thế vị

Điều 656 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc họp mặt những người thừa kế như sau:

“1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây:

a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản.”

Căn cứ theo quy định này, thì sau khi có thông báo về việc mở thừa kế, thì những người thừa kế phải có mặt để chứng kiến và thực hiện các quyền của mình đối với việc phân chia di sản. Người thừa kế có thể là những đồng thừa kế theo hàng trong trường hợp thừa kế theo pháp luật; đối với trường hợp thừa kế theo di chúc, thì phải là những người có tên trong di chúc. Tuy nhiên, trong một số tình huống thực tế thừa kế theo di chúc như thừa kế thế vị, hoặc có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, thì cần sự có mặt của những người này tại cuộc họp mặt những người thừa kế. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

Như vậy, trường hợp của bạn, do bạn là người có quyền thừa kế thế vị, nên các bác bạn tiến hành họp mặt thừa kế mà không có mặt bạn là trái với quy định của pháp luật. Ông bạn mất vào tháng 5 năm 2016, đến nay vẫn còn thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế, bạn có thể tự mình khởi kiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình:

Trình tự, thủ tục khi khởi kiện tại Tòa án như sau:

–   Người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm gửi đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền. Nội dung đơn khởi kiện gồm có: ngày, tháng, năm khởi kiện; tên Tòa án nhận đơn khởi kiện; tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân; tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân; tên, nơi cư trú của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân; quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết; danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo.

–   Tòa án sẽ cử Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo. Trong trường hợp xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết thì Tòa án sẽ yêu cầu người nộp đơn đóng tạm ứng án phí và thụ lý vụ án; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.

Việc xác định Tòa án nhân dân có thẩm quyền được căn cứ vào loại việc, lãnh thổ, cấp tòa án. Căn cứ vào các điều luật sau trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

–   Khoản 5 điều 26: Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.

–   Điểm a khoản 1 điều 35: “Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tranh chấp về dân sự.”

–   Khoản 1 điều 36: Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Như vậy, đơn khởi kiện sẽ được gửi đến Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp huyện.

Trên đây là những ý kiến tư vấn của PHAMLAW về trường hợp “Tư vấn thừa kế thế vị theo Bộ Luật Dân sự mới 2015”. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với tổng đài tư vấn thủ tục hành chính hoặc bộ phận tư vấn pháp lý chuyên sâu 1900 của PHAMLAW. Để được tư vấn về tranh tụng; khai nhận di sản thừa kế;  lập di chúc… Quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

—————————————-

Phòng tư vấn pháp lý chuyên sâu – Phamlaw

> xem thêm:

 

 

Rate this post