Tư vấn về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa

Tư vấn về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa

Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, tôi có một chút thắc mắc trong việc mua bán hàng hóa, kính mong được Quý luật sư tư vấn giúp tôi. Công ty tôi chuyên về lĩnh vực mua bán hàng hóa. Hiện tại chúng tôi đang có giao dịch với một bên khác trong việc xuất hàng. Theo đó thì chúng tôi sẽ bán cho họ một lô hàng, trong hợp đồng thì có một điều khoản đó là trong khoảng thời gian mà hàng hóa được vận chuyển, nếu hàng hóa có vấn đề gì thì trách nhiệm vẫn thuộc về bên công ty tôi. Tôi cho rằng điều này không hợp lý, vì khi công ty tôi đã ký hợp đồng giao hàng cho công ty họ thì họ phải là bên chịu trách nhiệm. Kính mong được Quý luật sư tư vấn giúp tôi về vấn đề này cũng như làm rõ giúp tôi vào thời điểm nào thì công ty tôi sẽ được coi là chấm dứt trách nhiệm với hàng hóa xuất ra.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Phamlaw)

Tư vấn về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa
Tư vấn về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa

Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã gửi câu hỏi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Phamlaw. Về thắc mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn của mình để Quý khách tham khảo như sau:

Trong một hợp đồng mua bán hàng hóa, việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa có ý nghĩa rất quan trọng. Thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa sẽ làm phát sinh các vấn đề pháp lý không chỉ với bên mua hay bên bán mà còn có thể tác động tới bên thứ ba. Bởi lẽ sau thời điểm chuyển quyền sở hữu, bên bán sẽ chấm dứt quyền định đoạt đối với hàng hóa, đổi lại bên mua sẽ có được quyền của người chủ sở hữu đối với số hàng hóa đó, như vậy sau thời điểm này, bên mua sẽ có thể bán lại hàng hóa cho một bên thứ ba, thế chấp, cầm cố hàng hóa,… cũng như chịu trách nhiệm trước bên thứ ba về những tổn thất do hàng hóa gây ra.

Chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa có thể hiểu là việc bên bán chuyển quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt đối với hàng hóa cho bên mua. Với việc xác định quyền sở hữu đối với hàng hóa sẽ có ảnh hưởng đến việc xác định tài sản của doanh nghiệp, thực hiện thủ tục phá sản cũng như xác định trách nhiệm về rủi ro đối với hàng hóa.

Trên thực tế, các quy định của Nhà nước được đặt ra trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, tức là các bên trong hợp đồng mua bán có quyền tự do thỏa thuận thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hóa là đối tượng của hợp đồng đó. Pháp luật chỉ can thiệp khi hai bên không đạt được thỏa thuận.

Theo đó, pháp luật đã có quy định về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa tại Điều 62 Luật thương mại 2005 đó là: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.”. Tuy nhiên Luật thương mại 2005 lại chưa quy định rõ thời điểm mà hàng hóa được chuyển giao là thời điểm nào? Chuyển giao về mặt pháp lý hay chuyển giao trên thực tế? Do vậy, qua thực tiễn thực hiện, thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa được xác định theo từng trường hợp, vì câu hỏi của Quý khách chưa nói rõ về mặt hàng mà công ty Quý khách buôn bán, nên chúng tôi xin được chỉ ra theo từng đối tượng của hợp đồng mua bán như sau:

Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng mua bán là hàng hóa mà khi giao nhận được dịch chuyển về mặt cơ học như động sản nói chung thì quyền sở hữu của bên mua được phát sinh kể từ khi bên bán hoàn thành nghĩa vụ giao hàng.

Đối với trường hợp đối tượng của hợp đồng là bất động sản như nhà ở và các tài sản gắn liền với đất đai thì thời điểm chuyển giao quyền sở hữu được xác định thông qua việc giao nhận chứng từ về hàng hóa. Khi hai bên hoàn tất về việc chuyển giao các chứng từ này thì quyền sở hữu hàng hóa sẽ thuộc về bên mua.

Trường hợp hàng hóa không thể dịch chuyển khi giao nhận cũng như không có chứng từ về hàng hóa thì thời gian hợp đồng có hiệu lực được xác nhận là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu.

Một số loại hàng hóa đặc biệt được pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu như xe máy, ô tô, máy bay, tàu thủy,… thì thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu chính là thời điểm phát sinh quyền sở hữu của bên mua đối với hàng hóa đó.

Trường hợp hàng hóa được mua theo phương thức trả góp thì quyền sở hữu sẽ thuộc về bên bán đến khi bên mua hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.

Đặc biệt là đối với các hàng hóa được mua theo phương thức mua sau dùng thử thì trong thời gian dùng thử quyền sở hữu hàng hóa vẫn thuộc về bên bán. Dù vậy bên bán không thể bán, tặng cho, cho thuê,… trong thời gian dùng thử nên quyền này sẽ bị hạn chế. Chỉ khi bên mua đồng ý mua hàng hóa thì mới có thể xác định thời điểm phát sinh quyền sở hữu hàng hóa của bên mua.

Trên thực tiễn về thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa, việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa trở nên phức tạp hơn nhiều. Tuy vậy vấn đề này lại gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc xử lý rủi ro về hư hỏng, mất mát hàng hóa, về quyền được đảm bảo thanh toán tiền hàng, quyền định đoạt hàng hóa của bên bán khi bên mua gặp vấn đề về tài chính,… Chính vì vậy khi giao kết hợp đồng mua bán, các bên cần thận trọng khi thỏa thuận về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa để tránh gặp rủi ro, thiệt hại không đáng có.

Trên đây là ý kiến của Phamlaw về vướng mắc của Quý khách liên quan đến Tư vấn về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa. Nếu Quý khách còn vướng mắc, xin vui lòng liên hệ với Bộ phận tư vấn pháp luật của Phamlaw, số hotline 1900. Để sử dụng dịch vụ trong việc rà soát hay soạn thảo hợp đồng, Quý khách vui lòng kết nối tới Số hotline: 0973938866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

———————————–

Bộ phận tư vấn pháp lý chuyên sâu – Phamlaw

> Xem thêm: thủ tục giải thể công ty tnhh mtv

 

 

2/5 - (2 bình chọn)