Xác minh nơi cư trú của người bị kiện

Xác minh nơi cư trú của người bị kiện 

Hỏi: Kính gửi các luật sư công ty luật Phamlaw. Mong các luật sư giải đáp giúp tôi các căn cứ quy định về việc xác minh nơi cư trú của bị đơn khi nộp đơn khởi kiện ra Tòa án. Hiện nay, trong hồ sơ khởi kiện của tôi về tranh chấp hợp đồng Tòa án yêu cầu tôi bổ sung văn bản xác nhận của cảnh sát khu vực nơi thường trú của bị đơn (bị đơn đang tạm trú tại đó chứ không có hộ khẩu tại đó). Vậy, việc Tòa án yêu cầu cảnh sát khu vực phải xác nhận bằng văn bản việc tạm trú của bị đơn có đúng quy định hay không? Tôi rất mong các luật sư sớm phúc đáp.

Trân trọng cám ơn!

Trả lời: (Mang tính chất tham khảo)

Chào bạn, với câu hỏi xác minh nơi cư trú của bị đơn Phamlaw xin được tư vấn cho bạn như sau:

Tính hợp pháp trong việc Tòa án yêu cầu người khởi kiện xác minh nơi cư trú của Người bị kiện/Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi nộp Đơn khởi kiện

Hiện nay, có một thực tế xảy ra là khi nộp đơn khởi kiện, bộ phận nhận đơn của Tòa án tại một số địa phương đều yêu cầu Người khởi kiện nói chung phải đi xác minh địa chỉ cư trú của người bị kiện/Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Sau đây gọi chung là Người bị kiện)…. Tất nhiên, đây không phải là thực trạng mang tính chất phổ biến của ngành Tòa án tuy nhiên hiện hầu hết các tòa án trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra tình trạng này. Những tưởng yêu cầu nêu trên của Tòa án là đơn giản nhưng thực tế việc này gây nhiều khó khăn cho Người khởi kiện khi thực hiện như: Cảnh sát khu vực (CSKV) không hỗ trợ xác minh, khách hàng ở tại địa phương nhưng không đăng ký tạm trú dẫn tới CSKV không có căn cứ để xác nhận,…Việc người khởi kiện không thực hiện được thủ tục Xác minh nơi cư trú của Người bị kiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền khởi kiện của người khởi kiện.

Xác minh nơi cư trú của người bị kiện
Xác minh nơi cư trú của người bị kiện

Quy định pháp luật về vấn đề này như thế nào?

Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 189 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Đơn khởi kiện phải ghi rõ Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện. Nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP như sau: “Địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại điểm đ, e khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh“. Cũng theo Điều 5 nghị quyết này thì :”a) Nếu người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống thì nơi cư trú của họ là địa chỉ chỗ ở hợp pháp mà người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường trú hoặc tạm trú hoặc đang sinh sống theo quy định của Luật cư trú;

2. Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

3. Địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại điểm đ, e khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh.”

-> Như vậy trong mọi trường hợp khi khởi kiện, người khởi kiện chỉ cần cung cấp địa chỉ  nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện theo các hướng dẫn nêu trên, không có một quy định nào bắt buộc người khởi kiện khi khởi kiện phải liên hệ với CSKV của người bị kiện để đi xác minh địa chỉ của người bị kiện.

Việc tòa án từ chối nhận Đơn khởi kiện của người khởi kiện nếu không có xác nhận địa chỉ cư trú, trụ sở của Người bị kiện là chưa phù hợp với quy định pháp luật

Theo quy định tại Điều 189 Khoản 4 điểm i BLTTDS 2015 thì Người khởi kiện phải gửi kèm theo danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tòa án tiếp nhận đơn (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện), tiến hành vào sổ nhận đơn và trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)

Căn cứ vào các quy định nêu trên có thể thấy ngoài đơn khởi kiện, người khởi kiện cần nộp thêm các tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, Văn bản xác nhận địa chỉ cư trú hoặc trụ sở của người bị kiện không phải là chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.

Trong mọi trường hợp, Tòa án đều phải nhận đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo của người khởi kiện (không bắt buộc phải đủ tài liêu), nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì Tòa án có nghĩa vụ chuyển đơn cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền khác giải quyết và thông báo cho người khởi kiện biết. Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Về mặt pháp lý, có thể nhận định yêu cầu thực hiện thủ tục xác nhận địa chỉ cư trú của Người bị kiện của Tòa án tại một số địa phương là không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn.

Trong 1 số trường hợp thẩm quyền xác nhận nơi cư trú là công an khu vực. Họ có thể xác nhận có hay không 1 công dân đang cư trú tại địa phương ở thời điểm xin xác nhận.

Trên đây là câu trả lời của Phamlaw cho câu hỏi của bạn, nếu còn vướng mắc bạn vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu 1900 của Phamlaw để được hỗ trợ tư vấn.

Trân trọng./.

———————

Phòng tư vấn pháp lý chuyên sâu – Công ty Luật Phamlaw

 

 

 

 

3.7/5 - (6 bình chọn)