Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự mới
Theo quy định pháp luật tố tụng dân sự thì Tòa án chỉ được thụ lý giải quyết vụ án dân sự khi có đơn khởi kiện của các chủ thể. Song các chủ thể khi nộp đơn khởi kiện cần phải tuân thủ các điều kiện về khởi kiện vụ án dân sự gì để đơn khởi kiện được Tòa án thụ lý?
Thứ nhất, chủ thể phải có quyền khởi kiện.
Theo Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Và Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“1. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
2. Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
4. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
5. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.”
So với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành đã mở rộng thêm về chủ thể có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của nhà nước. Việc mở rộng này nhằm đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể không có khả năng tự mình bảo vệ lợi ích của bản thân.
Theo đó, chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức đại diện, tổ chức xã hội… (Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015) đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định.
Đối với cá nhân khi khởi kiện phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Đối với cơ quan, tổ chức do người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng (Khoản 7 Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015) và người đại diện phải có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
Thêm vào đó, chủ thể khởi kiện là chủ thể có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp thì chủ thể khởi kiện là người đại diện hợp pháp của người có quyền và lợi ích bị xâm phạm hoặc chủ thể khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước theo quy định tại Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ hai, Tòa án chỉ thụ lý vụ án dân sự đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Cụ thể, vụ án khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 26, Điều 28, Điều 30 và Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (thẩm quyền theo vụ việc); Vụ án phải được khởi kiện đúng cấp Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (thẩm quyền theo cấp); Và phải đúng thẩm quyền theo lãnh thổ (Điều 39); Ngoài ra, nguyên đơn có thể lựa chọn Tòa án giải quyết (Điều 40).
Đối với những tranh chấp trong vụ án dân sự mà pháp luật có quy định phải yêu cầu cơ quan khác giải quyết trước thì chủ thể khởi kiện chỉ được khởi kiện vụ án ra tòa án khi cơ quan hữu quan đã giải quyết mà họ không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan đó.
Thứ ba, để tránh tình trạng một sự việc mà nhiều cơ quan giải quyết làm kéo dài thời gian tham gia tố tụng của các đương sự cũng như việc các đương sự lợi dụng để kéo dài thời gian thi hành quyết định hay bản án. Vì vậy, nếu một vụ án dân sự đã được giải quyết bằng một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền thì đương sự không được khởi kiện lại đối với vụ án đó nữa. Song có ngoại lệ tức là các đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp được quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: bản án, quyết định của Tòa án bác đơn xin ly hôn; Yêu cầu xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại;…
Thứ tư, vụ án dân sự vẫn còn thời hiệu khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện đối với những vụ án dân sự được quy định trong luật chung là Bộ luật dân sự năm 2015 (Các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự theo Điều 185 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015) và quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành như luật hôn nhân và gia đình, luật lao động,… Nếu hết thời hạn đó thì chủ thể mất quyền khởi kiện trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc quy định thời hạn để tiến hành việc khởi kiện vụ án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân không bị xâm phạm và đồng thời đảm bảo quá trình giải quyết vụ án được nhanh chóng đúng đắn và đảm bảo cho quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự khác được thuận lợi.
Trên đây là nội dung tư vấn Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự mới. Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của công ty TNHH tư vấn PhamLaw. Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.
Rất mong nhận được sự hợp tác của khách hàng!
Trân trọng!