Quy định về lãi suất chậm trả theo Bộ Luật Dân sự 2015
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, vợ chồng tôi có một mảnh đất ở Bình Định. Ngày 19/8/2018, chúng tôi đã chuyển nhượng cho vợ chồng ông Trần Văn H. bằng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng dụng đất số 19/HĐ-CN, thủ tục chuyển nhượng thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Đến nay vợ chồng ông Trần Văn H đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo hợp đồng ngày 19/8/2016 thì vợ chồng ông H phải thanh toán cho chúng tôi số tiền 2.1 tỷ đồng trước ngày 01/12/2018. Nhưng đến nay chưa trả một đồng nào (ngày 20 tháng 11 năm 2019. Quá hạn 11 tháng). Vậy theo quy định pháp luật, vợ chồng ông H sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho chúng tôi như thế nào ?Và có quy định nào về lãi suất chậm trả đối với trường hợp của gia đình tôi hay không? Kinh mong các luật sư sớm phản hồi.
Trả lời: (câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)
Chào bạn, với những nội dung bạn hỏi, luật sư xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo các quy định của pháp luật, các bên tham gia phải thực hiện theo đúng thỏa thuận đã cam kết để đạt được mục đích khi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp một bên vi phạm các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng thì phải chịu các chế tài của pháp luật. Các chế tài xử phạt vi phạm nghĩa vụ này có thể do các bên thỏa thuận trong hợp đồng; nếu không có trong hợp đồng, các bên có thể căn cứ vào các quy định của pháp luật để yêu cầu bên vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ. Đối với trường hợp của vợ chồng bạn, PHAMLAW xin đưa ra ý kiến như sau:
Theo quy định tại điều 167 Luật đất đai 2013 về Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất, điều 179 về Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, thì vợ chồng bạn có quyền chuyển nhượng cho người khác quyền sử dụng đất. Căn cứ vào điểm a khoản 3 điều 167 Luật đất đai, thì Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Khi hợp đồng chuyển nhượng có giá trị pháp lý, các bên trong quan hệ hợp đồng có trách nhiệm thực hiện theo đúng những gì đã ghi trong hợp đồng.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng là một giao dịch dân sự, do đó cần tuân theo các quy định của pháp luật dân sự. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia, pháp luật dân sự hiện hành cũng quy định chế tài đối với việc chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ có lỗi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp việc không thực hiện được nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người có quyền.
Nghĩa vụ trả tiền được quy định tại điều 440 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.
2. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.”
Như vậy, theo quy định, thì việc thanh toán tiền được tiến hành đúng như các bên đã thỏa thuận với nhau. Nếu bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo điều 357 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể về quy định về lãi chậm trả như dưới đây:
“1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 468 của Bộ luật này.”
Mức lãi suất được quy định tại khoản 1 điều 468 là mức lãi suất do các bên thỏa thuận. Theo đó, nếu các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan (như Luật thương mại,… ) quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn 20%/năm nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Khoản 2 điều 468 quy định: nếu các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn tại khoản 1 điều 468 nêu trên tại thời điểm trả nợ.
Căn cứ vào các điều luật trên, thì nếu nghĩa vụ phải thực hiện là việc thanh toán tiền thì các bên có thể thỏa thuận tước về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ; nếu không thỏa thuận thì bên chậm trả tiền phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính sau cũng với lãi chậm trả như sau:
- Trả đủ số tiền nợ gốc;
- Trả tiền lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất các bên đã thỏa thuận; nếu không thỏa thuận thì số tiền lãi tính bằng 50% mức lãi suất giới hạn tại khoản 1 điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
Đối với trường hợp của vợ chồng bạn, do không nói rõ là có thỏa thuận về lãi suất hay không, mà chỉ nói đến việc thanh toán tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 2.1 tỷ đồng, do vậy, theo quy định của pháp luật thì ông H sẽ phải thanh toán cho vợ chồng bạn những khoản sau:
- Trả đủ số tiền nợ gốc là 2.1 tỷ đồng;
- Nếu trong hợp đồng có điều khoản thỏa thuận về trả tiền lãi do chậm thanh toán, thì vợ chồng ông H sẽ phải thanh toán cho vợ chồng bạn số tiền lãi theo thỏa thuận;
- Nếu trong hợp đồng không có điều khoản thỏa thuận về trả tiền lãi do chậm thanh toán, thì vợ chồng ông H phải thanh toán cho vợ chồng bạn số tiền lãi là 50% mức lãi suất giới hạn 20%/năm của 2.1 tỷ đồng.
- Số tiền phải trả sẽ được tính theo công thức: Lãi chậm trả = Số tiền chậm thực hiện nghĩa vụ x thời gian chậm trả x Lãi suất chậm trả.
Trên đây là những ý kiến tư vấn của PHAMLAW về nghĩa vụ trả lãi khi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết về: lãi suất chậm thanh toán; quy định về lãi suất chậm trả; lãi suất chậm thanh toán theo hợp đồng… xin hãy liên hệ với tổng đài tư vấn pháp lý chuyên sâu 1900 6284 của PHAMLAW. Để được tư vấn dịch vụ, Quý khách hàng vui lòng kết nói tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
——————————–
Phòng tư vấn pháp lý chuyên sâu – Phamlaw
> xem thêm: