Trao đổi về thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam

Hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật tố tụng hình sự trong đó có thủ tục giám đốc thẩm nói riêng đang được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả áp dụng, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn để một mặt bảo vệ trật tự pháp luật, lợi ích của xã hội, mặt khác tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã xác định: “Từng bước hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng quy định chặt chẽ những căn cứ kháng nghị và quy định rõ trách nhiệm của người ra kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; khắc phục tình trạng kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ”[1]. Để đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử, những quan điểm nhận thức chưa chính xác về xét xử, cấp xét xử thể hiện trong quy định pháp luật tố tụng hình sự trước đây về cơ bản đã được BLTTHS năm 2003 khắc phục. Hiện nay, giám đốc thẩm không còn được coi là một cấp xét xử nữa mà chỉ là một thủ tục đặc biệt áp dụng để xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Các quy định của BLTTHS về giám đốc thẩm đã tương đối hoàn thiện và cụ thể giúp cho việc áp dụng dễ dàng trên thực tế. Mặc dù vậy, khi nghiên cứu các quy định của BLTTHS về giám đốc thẩm cũng như tham khảo thực tiễn áp dụng các quy định về giám đốc thẩm vẫn còn tồn tại không ít vướng mắc cần khắc phục. Qua việc tham khảo quy định về giám đốc thẩm của pháp luật tố tụng hình sự một số nước, trong bài viết này tác giả đề cập một số vấn đề cụ thể trong quy định của BLTTHS về giám đốc thẩm nhằm hoàn thiện các quy định của chế định này.

1. Về những người có quyền đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm

Theo Điều 274 BLTTHS Việt Nam thì: “Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 275 của Bộ luật này. Trong trường hợp phát hiện thấy những vi phạm pháp luật trong bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát, Tòa án phải thông báo cho người có quyền kháng nghị…”[2]. Qua nghiên cứu luật tố tụng hình sự của các nước thấy pháp luật của Việt Nam quy định quá rộng đối tượng có quyền phát hiện, đề xuất kháng nghị giám đốc thẩm. Theo Điều 203 BLTTHS Trung Quốc, chỉ có đương sự hoặc người đại diện hợp pháp theo pháp luật hoặc họ hàng thân thích của họ có thể nộp đơn đến Tòa án nhân dân hoặc Viện kiểm sát nhân dân yêu cầu xem xét lại tính pháp lý của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật[3]. Điều 402 BLTTHS Liên bang Nga quy định: Người bị kết án, người được Tòa án tuyên vô tội, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ cũng như Kiểm sát viên có quyền kháng cáo, kháng nghị về việc xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật[4]. Điều 56 BLTTHS Cộng hòa Pháp quy định: trong trường hợp quyết định của Tòa án điều tra phúc thẩm, bản án phúc thẩm, bản án chung thẩm về trọng tội, khinh tội hoặc tội vi cảnh có vi phạm pháp luật, thì Viện công tố hoặc các bên bị thiệt hại có thể kháng cáo, kháng nghị lên Tòa Phá án để xin hủy quyết định hoặc bản án đó[5]. Điều 216 BLTTHS Thái Lan quy định: Các bên có quyền kháng cáo DIKA đối với bản án hay quyết định phúc thẩm[6]. Điều 691 BLTTHS Canada chỉ quy định người bị kết án có quyền kháng cáo lên Tòa án tối cao Canada nếu bản án sơ thẩm vẫn được Tòa phúc thẩm giữ nguyên[7]. BLTTHS của Nhật Bản lại không quy định ai có quyền phát hiện, yêu cầu xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật[8].

Việc BLTTHS Việt Nam quy định quá rộng đối tượng có quyền phát hiện, đề xuất kháng nghị giám đốc thẩm, dẫn đến tình trạng quá tải đơn thư khiếu nại yêu cầu giám đốc thẩm như thời gian qua, làm cho Tòa án, Viện Kiểm sát cấp giám đốc thẩm phải rất vất vả, nhưng vẫn không giải quyết hết được. Tình trạng này không những gây lãng phí về công sức của cơ quan và người tiến hành tố tụng, lãng phí về tiền bạc của Nhà nước, mà việc giải quyết không kịp thời, tồn động nhiều đơn thư và làm giảm lòng tin của nhân dân vào cơ quan pháp luật. Do đó, tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài, có quy định hạn chế đối tượng có quyền làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm.

2. Về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

Một trong những căn cứ để kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại khoản 3 Điều 273 BLTTHS của Việt Nam như sau: “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử”. Theo chúng tôi, quy định này không cụ thể, rõ ràng. Nghiên cứu pháp luật tố tụng hình sự của một số nước cho thấy họ quy định rất cụ thể. Điển hình như quy định tại Điều 381 BLTTHS Liên Bang Nga: “Những căn cứ để Tòa án cấp trên hủy bỏ hoặc sửa bản án, quyết định của Tòa án là những vi phạm luật tố tụng hình sự bằng cách tước bỏ hoặc hạn chế các quyền của những người tham gia tố tụng được Bộ luật này bảo đảm, không tuân thủ thủ tục tố tụng hoặc bằng cách khác ảnh hưởng hoặc có thể ảnh hưởng đến việc ra bản án đúng pháp luật, có căn cứ và công bằng”[9]. Điều 592 BLTTHS của nước này quy định rõ những vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến bản án bị tuyên bố vô tội có thể là: Số lượng thẩm phán xét xử không theo đúng quy định của pháp luật hoặc có những Thẩm phán không tham gia tất cả các phiên tòa xét xử cùng một vụ án; nếu Tòa án ra quyết định mà không nghe Viện Công tố trình bày. Ngoài ra, nếu quyết định không được đưa ra tại phiên tòa công khai hoặc nếu việc xét hỏi, tranh luận không được tiến hành tại phiên tòa công khai thì quyết định sẽ bị vô hiệu, trừ những trường hợp ngoại lệ do pháp luật quy định[10].

So chiếu với BLTTHS của Việt Nam thấy rằng khoản 3 Điều 273 BLTTHS quy định rất chung chung là “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử”, nên thực tiễn xét xử gặp nhiều vướng mắc, việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Vì vậy, theo chúng tôi, cần tham khảo pháp luật tố tụng hình sự của các nước để quy định cụ thể các trường hợp vi phạm thủ tục tố tụng được coi là nghiêm trọng cần hủy án để điều tra lại.

3. Về thẩm quyền giám đốc thẩm

BLTTHS nước ta quy định có ba cấp giám đốc thẩm là Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu; Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự Trung ương; Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Nghiên cứu luật tố tụng hình sự của một số nước, tác giả nhận thấy, xu hướng chung của các nước là quy định chủ thể có quyền giám đốc thẩm rất hạn chế, hầu hết chỉ quy định một cấp Tòa án có quyền giám đốc thẩm, tập trung quyền này vào một tòa duy nhất là Tòa phá án hoặc Tòa án tối cao. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada đều quy định theo hướng này[11]. Luật tố tụng hình sự cộng hòa Pháp quy định thẩm quyền phá án thuộc tòa phá án[12]. Cũng có một số nước như Liên bang Nga, Trung Quốc, quy định ngoài Tòa án tối cao, một số Tòa án khác cũng có quyền giám đốc thẩm. Theo quy định tại Điều 403 BLTTHS Liên bang Nga, thẩm quyền giám đốc thẩm gồm có ba cấp như sau: Ủy ban thẩm phán của Tòa án tối cao nước Cộng hòa; Tòa án vùng, khu vực; Tòa án thành phố thuộc liên bang và Ủy ban thẩm phán Tòa án quân sự vùng, khu vực; Ủy ban thẩm phán về các vụ án hình sự và Ủy ban thẩm phán Tòa án quân sự thuộc Tòa án tối cao liên bang; Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao Liên bang Nga[13]. Do tổ chức nhà nước Liên bang Nga là nhà nước liên bang nên thẩm quyền giám đốc thẩm gồm nhiều cấp nhưng nếu xét trong phạm vi nước Cộng hòa thì chỉ có một cấp thuộc Tòa án tối cao nước Cộng hòa; còn ở liên bang có hai cấp thuộc Tòa án tối cao liên bang.

Theo quan điểm của tác giả thì BLTTHS Việt Nam quy định quá nhiều cấp giám đốc thẩm, đồng thời cũng chưa đảm bảo tính chuyên môn hóa trong hoạt động giám đốc thẩm ở Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao[14]. Mặt khác, việc quy định Hội đồng giám đốc thẩm ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh là Ủy ban thẩm phán sẽ không sử dụng được hết đội ngũ Thẩm phán của Tòa án này trong hoạt động giám đốc thẩm, vì Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh chỉ bao gồm một số Thẩm phán. Điều đó làm hạn chế hiệu quả hoạt động giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh. Một vấn đề nữa là với quy định hiện hành của BLTTHS về thẩm quyền giám đốc thẩm sẽ không tạo điều kiện để Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tập trung vào việc tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật[15].

4. Về thời hạn giám đốc thẩm

Thời hạn giám đốc thẩm được quy định tại Điều 283 BLTTHS là “Phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị”. Như vậy, điều luật quy định thời hạn xét xử chung cho các cấp giám đốc thẩm từ Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh đến Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đều là 4 tháng và không quy định gia hạn thời hạn xét xử giảm đốc thẩm.

Tham khảo luật tố tụng của một số nước cho thấy thời hạn giám đốc thẩm được quy định ngắn hơn ta rất nhiều. Theo quy định tại Điều 571 BLTTHS Cộng hòa Pháp “Tòa hình sự Tòa phá án phải xét xử trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày có quyết định của Chánh tòa về việc chấp nhận đơn kháng cáo, kháng nghị, phá án. Điều 406 BLTTHS Liên bang Nga quy định: trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm, Thẩm phán được phân công giải quyết phải ra được quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Trường hợp chấp nhận thì phải chuyển kháng cáo hoặc kháng nghị giám đốc thẩm cùng hồ sơ vụ án cho Tòa án giám đốc thẩm giải quyết. Theo Điều 407 của Bộ luật này, thì kháng cáo, kháng nghị giám đốc thẩm phải được Tòa án cấp giám đốc thẩm giải quyết tại phiên tòa trong thời hạn 15 ngày, đối với Tòa án tối cao Liên bang Nga không quá 30 ngày kể từ ngày có quyết định chấp nhận giải quyết kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Như vậy, tổng thời hạn giám đốc thẩm theo Luật tố tụng hình sự của Liên bang Nga tối thiểu là 45 ngày, tối đa là 60 ngày. Theo các điều 225 và 204 BLTTHS Thái Lan thì Tòa phúc thẩm DIKA phải mở phiên tòa công khai để nghe các bên tranh luận trong vòng 15 ngày; kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án. Nếu có lý do đặc biệt, Tòa có thể ấn định ngày nghe các bên tranh luận sau 15 ngày nhưng không được quá 2 tháng. Như vậy, theo pháp luật tố tụng Thái Lan, thời hạn giám đốc thẩm (Phúc thẩm DIKA) tối đa là 2 tháng. Theo điều 207 BLTTHS Trung Quốc, việc xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ra quyết định lấy vụ án lên trực tiếp xét xử, nếu cần gia hạn thì thời hạn trên không được quá 6 tháng. Luật tố tụng hình sự của một số nước khác cũng quy định thời hạn giám đốc thẩm ngắn…

So chiếu với thời hạn giám đốc thẩm của các nước khác như nêu ở phần trên thấy rằng thời hạn xét xử giám đốc thẩm qui định như BLTTHS Việt Nam là quá dài, cần được nghiên cứu rút ngắn lại.

5. Về quyền hạn của Hội đồng giám đốc thẩm

Về quyền hạn của Hội đồng giám đốc thẩm, BLTTHS nước ta cho phép Hội đồng giám đốc thẩm có quyền: 1/ Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, giữ nguyên bản án đã có hiệu lực pháp luật; 2/ Hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; 3/ Hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại. Đồng thời không cho phép Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại. Nghiên cứu pháp luật tố tụng hình sự một số nước cho thấy không có nước nào quy định về thẩm quyền hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại như luật tố tụng hình sự Việt Nam. Luật tố tụng hình sự Cộng hòa Pháp và luật tố tụng hình sự của Nhật Bản quy định hội đồng giám đốc thẩm có các quyền: không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, giữ nguyên bản án đã có hiệu lực pháp luật; Hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại[16]. Luật tố tụng hình sự Trung Quốc và Liên bang Nga quy định Tòa án cấp giám đốc thẩm có các quyền: không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án; hủy bản án, quyết định của Tòa án và đình chỉ tố tụng đối với vụ án; hủy bản án, quyết định của Tòa án và trả lại vụ án để xét xử lại; sửa bản án, quyết định của Tòa án[17].

Có thể thấy rằng pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định cho phép Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra là không khoa học. Bởi lẽ, vai trò, mục đích của thủ tục giám đốc thẩm chủ yếu là uốn nắn những phán quyết, quyết định sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới nên chỉ hủy để xét xử lại. Vì vậy, tác giả kiến nghị cần bỏ thẩm quyền này của Tòa án cấp giám đốc thẩm khi sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003.

Nguồn: Toaan.gov.vn

Rate this post