Tố cáo lừa đảo qua mạng

Tố cáo lừa đảo qua mạng

Thưa các luật sư công ty luật Phamlaw. Ngày hôm qua, tôi có nhận được tin nhắn vay tiền khẩn cấp của chú ruột tôi qua tin nhắn facebook với số tiền 50 triệu, tôi đã gọi điện video call và xác nhận đó là chú ruột mình nên đã không ngần ngại chuyển khoản cho chú. Nhưng ngay sau đó tôi được mọi người thông báo rằng tài khoản chú đã bị hack, và kẻ gian đã dùng các kĩ thuật công nghệ cắt ghép video, hình ảnh nên khi tôi gọi xác minh thì không hề biết đó là hình ảnh chú tôi đã bị cắt ghép, tạo video giống như người chú thật nói chuyện với tôi, tạo niềm tin để tôi chuyển tiền. Ngay sau khi tôi biết bị lừa tiền, tôi có liên hệ ngân hàng để yêu cầu hỗ trợ nhưng phía ngân hàng không hỗ trợ được và có tư vấn tôi về làm đơn trình báo công an. Các luật sư tư vấn giúp tôi các hình thức lừa đảo mới nhất hiện nay để chúng tôi tuyên truyền phòng tránh và khi gửi đơn tố cáo thì chúng tôi gửi ở đâu? Rất mong được các luật sư tư vấn và hướng dẫn.

Trân trọng cảm ơn các luật sư!

Trả lời

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của Phamlaw. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được đưa ra nội dung tư vấn như sau:

To Cao Lua Dao Qua Mang
Tố cáo lừa đảo qua mạng

Hiện nay, hành vi lừa đảo qua mạng đang ngày càng phổ biến với nhiều hình thức rất tinh vi, chuyên nghiêp. Thông thường, những đối tượng thường sử dụng các hình thức sau để lừa đảo:

Các hình thức lừa đảo qua mạng

Thứ nhất: Giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để  nhận được tài sản đó phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp. Lợi dụng lòng tin của mọi người để khi họ đóng tiền vào nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc lại và chiếm đoạt số tiền đó.

Thứ hai: Giả danh công an gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Sau đó các đối tượng sẽ chặn liên hệ và và chiếm đoạt số tiền đó.

Thứ ba: Các đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook, zalo,… của bị hại, sau đó sử dụng tài khoản này để nhắn tin đề nghị người thân, bạn bè chủ tài khoản chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại theo hướng dẫn và bị chiếm đoạt.

Thứ tư: Gửi các đường link mà khi ấn vào đó, thông tin của người dùng sẽ bị đánh cắp và tài khoản bị trừ tiền.

Thứ năm: Đăng tin tuyển dụng trên Facebook và dụ dỗ nạn nhân trở thành cộng tác viên bán hàng, sau đó yêu cầu nạn nhân phải bỏ ra một số tiền nhất định để mua hàng trên các sàn thương mại như shopee, lazada,… Khi mua hàng, đánh giá sản phẩm, nạn nhân sẽ được thanh toán tiền hàng và trả thêm phần trăm hoa hồng. Tuy nhiên sau đó các đối tượng sẽ chiếm đoạt luôn số tiền mua hàng của nạn nhân, xóa liên hệ, hoặc chuyển một khoản tiền hoa hồng nhỏ để tạo niềm tin, sau những đơn hàng lớn hơn, chúng sẽ dần lấy tiền và xóa liên hệ.

Thứ sáu: Qua một số trang website, app hẹn hò trực tuyến, những đối tượng lừa đảo thường tạo cho mình vẻ bọc giầu có, si tình, đề nghị được gửi tiền hoặc vàng bạc, trang sức, vật dụng đắt đỏ cho nạn nhân. Sau đó nạn nhân sẽ được đồng bọn mạo danh là “nhân viên hải quan” hoặc nhân viên giao hàng, trung gian gửi quà, yêu cầu nạn nhân đóng 1 khoản thuế hoặc phí hải quan thậm chí là khoản phí phạt nhưng thấp hơn giá trị quà tặng để nhận được lô hàng. Cho đến nay, hàng chục người đã mắc bẫy bằng các thủ đoạn này hoặc các thủ đoạn gần tương tự.

Và có rất nhiều các hình thức lừa đảo khác mà Quý khách hàng cần phải hết sức lưu ý. Nếu nhận thấy các dấu hiệu và hình thức nêu trên, Quý khách hàng cần thông báo tới cơ quan công an gần nhất để được xử lý giải quyết.

Hồ sơ gửi đơn trình báo

Khi người bị hại muốn làm đơn tố giác gửi tới cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ cần thực hiện những hồ sơ cụ thể sau:

– Đơn trình báo.

– Chứng minh thư nhân dân/ Căn cước công dân của bị hại (bản sao công chứng).

– Chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh,…).

Nơi gửi đơn trình báo 

Việc bị lừa đảo qua không gian mạng với những chiêu thức tinh vi, người bị hại cả tin dễ dàng cung cấp thông tin mà chưa tìm hiểu kĩ về đối tượng, nhiều trường hợp không xác định được địa chỉ hoặc địa chỉ thông tin liên hệ với đối tượng lừa đảo cung cấp gian dối không thể xác định được, gây khó khăn cho việc đòi lại tài sản. Trong khi tố giác, trình báo tội phạm cần có bằng chứng cụ thể, rõ ràng, việc lừa đảo qua mạng thì cần các thông tin về giao dịch chuyển tiền, tin nhắn, cuộc gọi trao đổi, … Thông tin càng chi tiết thì việc giải quyết càng dễ dàng hơn.

Khi có thông tin, chứng cứ về việc bị lừa đảo qua mạng thì người bị hại có thể tố giác, trình báo tới cơ quan công an nơi đối tượng lừa đảo thường trú hoặc tạm trú hoặc nơi làm việc của người đó. nếu không xác định được địa chỉ thì có thể làm đơn kèm theo tài liệu, chứng cứ gửi đến cơ quan công an nơi bị hại đang cư trú và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, giải quyết.

Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

– Cơ quan điều tra, Viện Kiểm soát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

– Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Đội An ninh Công an cấp huyện).

Như vậy, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo qua mạng thì người bị hại cần đến cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc (cơ quan công an cấp quận/huyện nơi thường trú hoặc tạm trú) để trình báo, tố giác tội phạm.

Ngoài việc trình báo trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền, người bị hại còn có thể thông tin, trình báo lừa đảo qua đường dây nóng của cơ quan Công an:

– Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 09692194053 – Cục Cảnh sát Hình sự.

Những lưu ý hạn chế bị lừa đảo qua mạng

– Cẩn trọng khi nhận được các đường link hoặc file từ các trang mạng xã hội.

– Thường xuyên thay đổi mật khẩu cho các tài khoản mạng xã hội.

– Cẩn trọng trước những tin tuyển dụng làm cộng tác viên việc nhẹ lương cao.

Có lấy lại được tiền không? Thời gian lấy lại tiền là bao lâu?

Nếu đối tượng lừa đảo là cá nhân thì với những thông tin mà người bị hại cung cấp, cũng như bằng nghiệp vụ, chuyên môn của mình, cơ quan điều tra sẽ dễ dàng tìm ra kẻ phạm tội hơn so với trường hợp đối tượng phạm tội là tổ chức, thì thời gian truy tìm sẽ lâu hơn.

Vì vậy, số tiền bị lừa có thể trả lại cho người bị hại trong vòng vài tuần, hoặc thậm chí là vài tháng, vài năm, cho đến khi nào tìm thấy các đối tượng lừa đảo.

Xử lý với các đối tượng lừa đảo?

Về mức phạt hành chính

Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị phạt tiền lên đến 10.000.000 đồng.

Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự: thì sẽ bị truy cứu về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trên đây là câu trả lời chi tiết của Luật sư PhamLaw đã theo quy định của pháp luật hiện nay. Nếu quý bạn đọc còn vướng mắc vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn pháp luật để được hỗ trợ.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)