Tù chung thân là gì?

Tù chung thân theo quy định của pháp luật hiện hành

Tù chung thân là gì?

Theo Điều 39 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.

Cụ thể, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. (Khoản 4 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017))

Tu Chung Than La Gi
Tù chung thân là gì?

Ngoài ra, người dưới 18 tuổi phạm tội thì sẽ không áp dụng hình phạt tù chung thân.

Quy định về tù chung thân

Với tính chất là một hình phạt nặng hơn tù có thời hạn và nhẹ hơn hình phạt tử hình, tù chung thân giúp cho việc thực hiện đường lối xử lý tội phạm được sát hợp với thực tế phức tạp và đa dạng của tình hình tội phạm. Thông thường trong thực tiễn, hình phạt tù chung thân được áp dụng đối với những trường hợp mà nếu áp dụng tù có thời hanh (dù ở mức tối đa – hai mươi năm) vẫn còn nhẹ nhưng nếu phạt tử hình thì chưa thật cần thiết.

Về mặt luật định, giữa hình phạt tù chung thân và tử hình không có ranh giới rõ ràng về điều kiện áp dụng. Điều 39 Bộ luật Hình sự quy định điều kiện áp dụng tù chung thân dưới một dạng tổng quát là: “…được áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình”. Đối với đa số các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Bộ luật Hình sự thường quy định cả tù chung thân và tử hình trong cùng chế tài để Toà án lựa chọn áp dụng vào những trường hợp phạm tội cụ thể.

Vì vậy, việc áp dụng đúng đắn hình phạt tù chung thân đòi hỏi Toà án phải phân tích vụ án một cách cụ thể, vận dụng đường lối xử lý phù hợp với chính sách hình sự của Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung.

Theo Điều 63 Bộ luật Hình sự 2015, người bị kết án phạt tù chung thân nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Trong đó:

– Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 12 năm đối với tù chung thân.

– Một người có thể được giảm nhiều lần. Trong đó, người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

– Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.

Như vậy, người bị kết án tù chung thân nếu cải tạo tốt và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự thì có thể xem xét giảm án xuống tù có thời hạn. Tuy nhiên, họ vẫn phải chấp hành đủ 20 hoặc 25 năm tù thì mới được về đoàn tụ với gia đình.

Để được giảm thời gian chấp hành án, người bị kết án tù chung thân phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Điều kiện thời gian:

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 12 năm đối với tù chung thân

– Có nhiều tiến bộ

– Đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự

Các trường hợp hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân

Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) sau đây thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân:

– Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

– Người đủ 75 tuổi trở lên;

– Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu người bị kết án tử hình được ân giảm thì người chịu hình phạt tử hình cũng được chuyển thành tù chung thân.

(Khoản 4 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017))

Các trường hợp được giảm mức hình phạt tù chung thân

Người bị kết án phạt tù chung thân sẽ được giảm mức hình phạt đã tuyên án nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

(1) Người bị kết án phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

(2) Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

(3) Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.

(4) Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại mục (3).

Ngoài ra, người bị kết án tù chung thân nếu có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Tòa án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định ở trên.

(Điều 63, 64 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017))

Tù chung thân có thể được đặc xá

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá 2018, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Trong đó, người được đặc xá được miễn chấp hành hình phạt còn lại nhưng không được xóa án tích ngay và vẫn có tiền án trong lý lịch tư pháp.

Để được đặc xá, người đề nghị phải có đơn đề nghị đặc xá gửi đến Chủ tịch nước và đáp ứng được điều kiện quy định tại Điều 11 Luật Đặc xá như:

– Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự;

– Đã chấp hành án phạt tù được ít nhất là 14 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Người bị kết án về tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội; tội phá hoại chính sách đoàn kết; các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm… đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Trường hợp sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.

– Khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự…

Tóm lại: Nếu cải tạo tốt và đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật, người bị tuyên án tù chung thân có thể được giảm án, tha tù trước thời hạn hoặc đặc xá mà không phải đi tù suốt đời.

Trên đây là câu trả lời chi tiết của Luật sư PhamLaw đã theo quy định của pháp luật hiện nay. Nếu quý bạn đọc còn vướng mắc ở bất kỳ chỗ nào vui lòng kết nối đến số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được tư vấn luật nhanh chóng nhất!

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)