Tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Thực tiễn xét xử các Toà án cũng thường áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đối với bị cáo khi quyết định hình phạt. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào Toà án cũng áp dụng đúng với nội dung của tình tiết giảm nhẹ này, mà không ít trường hợp do nhận thức hoặc do đánh giá không thống nhất nên khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ này không đúng pháp luật, không có tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.

Quy định của luật về Tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”

Phạm tội lần đầu

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, việc xác định thế nào là phạm tội lần đầu cũng có nhiều ý kiến khác nhau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, phạm tội lần đầu là lần đầu bị đưa ra xét xử, vì chỉ có Toà án mới có thẩm quyền quyết định hình phạt, một người chỉ bị Toà án đưa ra xét xử thì mới có việc quyết định hình phạt và chỉ khi quyết định hình phạt thì Toà án mới căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ (Điều 45 Bộ luật hình sự). Nếu người phạm tội đã có nhiều lần phạm tội nhưng chưa có lần nào bị Toà án kết án thì vẫn được coi là phạm tội lần đầu.

Ý kiến thứ hai cho rằng, phạm tội lần đầu cũng là trường hợp lần đầu bị đưa ra xét xử hoặc tuy đã bị đưa ra xét xử nhiều lần, nhưng trước khi bị đưa ra xét xử lần này, nếu hành vi phạm tội trước đó đã được xoá án tích hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn được coi là phạm tội lần đầu.

Ý kiến thứ ba cho rằng, phạm tội lần đầu là trường hợp một người thực hiện một hoặc một số hành vi phạm tội nhưng chưa bị xử lý hoặc bị xét xử lần nào lần đưa ra xét xử này là lần đầu tiên.

Ý kiến thứ tư cho rằng, phạm tội lần đầu là từ trước tới nay chưa phạm tội lần nào. Nếu các lần phạm tội trước đó đã bị xử lý hành chính, đã bị kết án chưa được xoá án hoặc đã được xoá án, hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì lần phạm tội mới này vẫn không được coi là phạm tội lần đầu. Theo quan điểm này thì ba ví dụ nêu trên đều không được coi là “phạm tội lần đầu”, chỉ coi là “phạm tội lần đầu” khi bị xét xử người phạm tội chưa một lần nào có hành vi phạm tội và lần phạm tội này cũng chỉ bị truy trách nhiệm hình sự về một tội và tội đó thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Nếu người phạm tội tuy trước đó chưa phạm tội lần nào nhưng lần bị đưc ra xét xử lần này lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội khác nhau thì cũng không được coi là “phạm tội lần đầu”.

Về tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”
Tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”

Từ những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, TANDTC đã ban hành công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 giải đáp “một số vấn đề nghiệp vụ”, đã giải thích tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” như sau:

“Phạm tội lần đầu” là:

– Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào.

– Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích thì không được coi là phạm tội lần đầu;

– Chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu TNHS nay phạm tội khác thì cũng không xem là phạm tội lần đầu;

– Chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu TNHS trong cùng lần phạm tội sau thì không được coi là phạm tội lần đầu.

Thuộc trường hợp ít nghiêm trọng

“Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

– Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy là đến 3 năm tù;

– Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.

Như vậy, Tòa án chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 khi có đủ hai yếu tố “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà không phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc ngược lại phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng lần phạm tội này không phải là phạm tội lần đầu thì không áp dụng điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Các quan điểm khi áp dụng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Kể từ ngày có công văn giải thích “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” việc hiểu và áp dụng được thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết án. Tuy nhiên, thực tiễn việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS này trong từng vụ án cụ thể còn có những quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giữa những người tiến hành tố tụng, dẫn đến việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” không chính xác, nên quyết định hình phạt chưa đạt được mục đích của hình phạt.

Có quan điểm cho rằng: BLHS quy định “các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”. Nghĩa là, nếu các tình tiết giảm nhẹ đã là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, còn nếu không thuộc dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì áp dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS nếu có. Như vậy, nếu bị cáo phạm tội lần đầu (yếu tố thứ nhất như công văn hướng dẫn) và gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến 3 năm tù (yếu tố thứ hai) thì phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cho bị cáo không phân biệt bị cáo phạm tội gì.

Cũng có quan điểm cho rằng: Công văn số 01/2017 đã giải thích rất rõ thế nào là “phạm tội lần đầu” và “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, nhưng không phải bị cáo phạm bất kỳ tội gì nếu bị cáo có đủ 2 yếu tố nêu trên thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Cần phải xem xét đánh giá các yếu tố khác. Bởi lẽ, có rất nhiều điều trong BLHS quy định khoản 1 có khung hình phạt cao nhất đến 3 năm tù, nếu hành vi phạm tội kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự trị an xã hội; đối tượng phạm tội được xã hội quan tâm, bảo vệ; hành vi phạm tội của bị can, bị cáo có tính chất côn đồ, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; hành vi của bị can, bị cáo vi phạm đạo đức bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ… thì mặc dù bị cáo có đủ hai yếu tố như hướng dẫn của công văn nhưng không áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cho bị cáo khi quyết định hình phạt.

Đối với tội trộm cắp tài sản. Ví dụ: Nguyễn Văn B 7 lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, trong khoảng thời gian 1 tháng tại một địa phương. Trong đó, có 6 lần trộm cắp tài sản dưới 2.000.000đ (những lần này chưa bị xử phạt hành chính), một lần trộm cắp tài sản có giá trị 40.000.000đ. Tổng tài sản chiếm đoạt là 47.000.000đ và đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn tại địa phương. Như vậy, B đã phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 BLHS. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn B thực hiện hành vi trộm cắp được xác định là “phạm tội lần đầu” và có khung hình phạt cao nhất đến 3 năm tù “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, nhưng B đã nhiều lần trộm cắp tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vì vậy Nguyễn Văn B không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ ‘‘Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng’’.

Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

4/5 - (4 bình chọn)