Quy định pháp luật về đặc xá

Quy định pháp luật về đặc xá

Đặc xá là gì?

Pháp luật Việt Nam tuy mang những quy định với tính chất răn đe để ngăn ngừa tội phạm và những hành vi vi phạm, tuy nhiên vẫn có những phạm trù thể hiện tính chất nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước đối với một số trường hợp phạm tội, giúp những người thực hiện hành vi phạm tội sớm có thể tái hòa nhập cộng đồng. Điều này được thể hiện qua các quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước. Vậy đặc xá là gì? Và đặc xá được quy định như thế nào trong pháp luật hiện nay?

Khái niệm đặc xá được quy định tại khoản 1, Điều 3, Luật Đặc xá năm 2018, theo đó: “Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”.

Như vậy:

Bản chất của đặc xá chính là việc miễn chấp hành hình phạt (tha tù trước thời hạn) cho chủ thể là người đang bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân để họ có thể được tha tù, không phải chấp hành hình phạt tù nữa, ra tù sớm hơn thời gian mà họ phải chấp hành theo bản án, quyết định của Tòa án. Việc đặc xá chỉ được thực hiện khi nhân những dịp lễ quan trọng của đất nước hoặc trường hợp đặc biệt với những điều kiện nhất định.

Quy Dinh Phap Luat Ve Dac Xa
Quy định pháp luật về đặc xá

Chủ thể có thẩm quyền đặc xá là: Chủ tịch nước.

Đối tương áp dụng đặc xá: người có hành vi phạm tội đã bị kết án và đang chấp hành các hình phạt: phạt tù có thời hạn, tù chung thân.

Hậu quả pháp lý của đặc xá: Người được đặc xá được miễn chấp hành hình phạt còn lại nhưng không được xóa án tích ngay và vẫn có tiền án trong lý lịch tư pháp. Họ chỉ phải tiếp tục chấp hành các hình phạt bổ sung theo bản án của Tòa án (nếu có).

Quy định pháp luật về đặc xá

Đặc xá được pháp luật điều chỉnh riêng bằng Luật Đặc xá, quy định đầy dủ về đối tượng được hưởng đặc xá, điều kiện đề nghị đặc xá, các trường hợp không được đề nghị đặc xá, trình tự, thủ tục đề nghị đặc xá,…

Cụ thế, Luật Đặc xá 2018 quy định: Các đối tượng được đặc xá là những người đang chấp hành phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Đặc biệt, ngoài những người đang được tạm đình chỉ ra, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

– Đã chấp hành án phạt tù ít nhất là một phần hai thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.

– Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí.

– Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng.

– Đã thi hành xong hoặc thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm không phải là tội phạm tham nhũng.

– Khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.

Tầm quan trọng của việc đặc xá

Thứ nhất, đặc xá thể hiện sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội có đủ điều kiện hưởng đặc xá, thể hiện sự nhân đạo theo đúng truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.

Thứ hai, đối với Nhà nước, đặc xá cũng chính là cách thể hiện, củng cố niềm tin của nhân dân vào tổ chức, đồng thời còn góp phần giảm áp lực cho các cơ sở giam giữ, tạo điều kiện cho các cơ sở giam giữ nâng cấp vật chất, tranh thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục cải tạo phạm nhân, chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng khi mãn hạn tù.

Thứ ba, với những đối tượng được hưởng đặc xá, đây chính là cơ hội để họ tái hòa nhập cộng đồng, được đoàn tụ với gia đình sớm hơn. Không những thế, đặc xá còn cho thấy sự nỗ lực cải tạo của những đối tượng này, bởi không phải ai cũng có thể đề nghị được đặc xá. Ngay trong quy định về điều kiện của người đề nghị đặc xá, việc các đối tượng này phải có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt cũng là một trong những bước đệm để xét đặc xá cho những đối tượng này. Đó cũng thể hiện được sự ghi nhận những cố gắng cải tạo, rèn luyện, chấp hành tốt những quy định mà các đối tượng này đang thực hiện.

Thứ tư, đối với những người chưa đủ điều kiện đề nghị đặc xá, đó sẽ là mục tiêu để họ phấn đấu để đủ điều kiện hưởng đặc xá. Bởi, khi chứng kiến người khác được hoàn lương, khát vọng được trả tự do của những đối tượng này cũng được nhen nhóm. Từ đó làm động lực để họ có thể được hưởng đặc xá trong những lần tiếp theo.

Thực tế thực hiện các quy định về đặc xá

Kể từ khi Luật đặc xá có hiệu lực, Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá cho rất nhiều người phạm tội đủ điều kiện được đặc xá tha thù trước thời hạn.

Thực tế đã cho thấy, ngày đặc xá, có những giọt nước mắt xen lẫn nụ cười đã hiển hiện trên gương mặt nhiều của nhiều người phạm tội. Bởi với họ, đây sẽ là cánh cửa để họ trở lại cuộc đời, về với người thân, về với những ước mơ đang dang dở.

Thế nhưng dù việc đặc xá mang nhiều ý nghĩa, những vẫn không tránh khỏi nhiều hạn chế trên thực tế. Bởi lẽ, tại nhiều địa phương vẫn còn xuất hiện tình trạng kỳ thị, xa lánh đối với những người vừa được hưởng đặc xá trở về quê hương. Cũng dễ hiểu với tâm lý của mọi người khi lo sợ các đối tượng chưa thực sự hối cái, sợ các đối tượng sẽ thực hiện các hành vi nguy hiểm thêm lần nữa. Tuy nhiên, chính sự kỳ thị này nhiều khi lại là nguyên nhân dồn những đối tượng vừa được hưởng đặc xá vào bước đường cùng. Vì họ không thể tiếp xúc với mọi người, không có cơ hội tìm kiếm việc làm, không có thu nhập ổn định, chịu điều ra tiếng vào từ dư luận xã hội,… nên nhiều khi họ không còn cách nào khác mà quay lại con đường phạm tội.

Thực tế này đòi hỏi các cơ sở chính quyền tại địa phương cần phối hợp với nhau để gắn kết họ với cộng đồng, động viên họ tham gia các hoạt động mà địa phương tổ chức. Không những thế, chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền cho người dân để họ thấu hiểu và giúp đỡ những con người đã từng lầm lỡ và đang cố gắng làm lại cuộc đời, đồng thời kêu gọi sự hợp tác của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội tham gia giúp đỡ người được đặc xá, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho họ nuôi sống gia đình và bản thân, ngăn ngừa tình trạng tái phạm do cuộc sống kinh tế bấp bênh.

Như vậy, đặc xá sẽ là sự khoan hồng tốt nhất nếu có sự chung tay của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương để giúp cho những đối tượng được đặc xá được hưởng trọn vẹn những quyền lợi vốn có của họ, giúp họ dễ dàng hòa nhập cộng đồng, làm điều có ích cho xã hội, chuộc lại lỗi lầm đã gây ra trong quá khứ.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)