Trường hợp không cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP

Trường hợp không cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP

Thưa Luật sư!

Theo như tôi biết thì có những trường hợp không cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm? Vậy Luật sư có thể cho tôi biết đó là những trường hợp nào được không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Văn bản hợp nhất 09/2019/VBHN-BYT

Văn bản hợp nhất 02/2022/VBHN-BYT

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là gì?

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là một văn bản có giá trị pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cấp cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, sản xuất chế biến thực phẩm, các dịch vụ ăn uống. Trong đó, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm bao gồm rất nhiều những quy chuẩn kỹ thuật và những quy định khác đối với thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích bảo đảm thực phẩm an toàn đối với sức khỏe, tính mạng con người.

Đây là một loại giấy bắt buộc phải có do cơ quan có thẩm quyền cấp nếu cơ sở, doanh nghiệp sản xuất muốn kinh doanh sản phẩm, dịch vụ về thực phẩm nhằm chứng minh cho cơ sở, doanh nghiệp đó đã đáp ứng các điều kiện cần thiết về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Truong Hop Khong Can Xin Giay Chung Nhan Du Dieu Kien An Toan Thuc Pham (1)

2. Ý nghĩa của giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ nhất, Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là loại giấy chứng nhận được cấp khi có sự kiểm duyệt về y tế, xác minh nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm không ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Thứ hai, Một cơ sở được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm giống như lời cam kết, sự đảm bảo của đơn vị kinh doanh, sản xuất về vấn đề vệ sinh, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là loại giấy tờ rất quan trọng với các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Thứ ba, Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm tạo được niềm tin cho khách hàng, cộng đồng về chất lượng và sự an toàn của các sản phẩm/dịch vụ thực phẩm do doanh nghiệp cung cấp. Từ đó góp phần vào phát triển một thị trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát triển bền vững cả về mặt lợi ích kinh tế lẫn về mặt lợi ích xã hội.

3. Trường hợp không cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Văn bản hợp nhất 09/2019/VBHN-BYT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định như sau: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Văn bản này”

Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bao gồm:

– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

– Sơ chế nhỏ lẻ;

– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

– Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

– Nhà hàng trong khách sạn;

– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

– Kinh doanh thức ăn đường phố;

– Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 12 Văn bản hợp nhất 09/2019/VBHN-BYT phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.

Như vậy, không phải tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều cần có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định ở trên.

4. Thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm thì bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ quy định tại Điều 18 Văn bản hợp nhất 02/2022/VBHN-BYT quy định về xử phạt vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như sau::

  • Đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật như trên.
  • Đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
  • Đối với hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật thì bị Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Như vậy, đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đóng vai trò như cơ sở pháp lý, buộc các đơn vị kinh doanh, sản xuất phải minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc, vấn đề vệ sinh của thực phẩm. Từ đó sẽ đảm bảo quá trình kinh doanh, sản xuất đạt tiêu chuẩn, cung cấp mặt hàng sạch, chất lượng cho người tiêu dùng. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 của Phamlaw để được tư vấn chuyên sâu.

Trường hợp không cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP – Luật Phamlaw

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)