Những lưu ý trong Điều lệ công ty theo Luật Doanh nghiệp 2020
Bên cạnh các quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các quy định pháp luật khác, việc thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, tổ chức lại và giải thể của các doanh nghiệp còn được điều chỉnh bởi điều lệ và các tài liệu nội bộ khác (bao gồm các quy chế quản lý nội bộ và các sổ đăng ký).
Tự do thỏa thuận là nguyên tắc cơ bản áp dụng với điều lệ và các tài liệu nội bộ khác. Phụ thuộc vào các quy định bắt buộc của pháp luật, các thành viên hoặc cổ đông của công ty TNHH và Công ty CP có quyền tự do thỏa thuận nội dung của các văn bản trên.
Trong quá trình kinh doanh, các cổ đông, thành viên trong công ty cần lưu ý đến hai nội dung:
- Các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa các cổ đông, thành viên với nhau: Đây là nội dung chủ yếu của Điều lệ. Vì suy cho cùng, trước hết Điều lệ là các thỏa thuận giữa các cổ đông/thành viên hoặc giữa cổ đông/thành viên sáng lập với các thành viên/cổ đông còn lại trong công ty. Khác với doanh nghiệp tư nhân là loại doanh nghiệp một chủ, các công ty với đặc thù là mối liên kết kinh doanh của nhiều người( ngoại trừ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và doanh nghiệp nhà nước) có các mối quan hệ rất phức tạp. Do đó, giữa những người cùng kinh doanh chung này phải xác định mối quan hệ giữa họ với nhau sẽ được xác lập dựa trên vốn hay nhân thân, và xác định cách thức quyết định các vấn đề trong công ty.
- Quản trị trong công ty: Khi đã xác định các mối quan hệ, các thành viên, cổ đông phải xác định công ty do họ thành lập nên được quản lý nhưu thế nào, cách thức mà các cơ quan trong công ty vận hành cũng như tương quan giữa các cơ quan này với nhau và quyền và lợi ích mà những người quản lý công ty được hưởng như thế nào.
Trong một số vấn đề mà những người sáng lập quan tâm, đi sâu hơn, chi tiết hơn Luật Doanh nghiệp, các cổ đông sáng lập còn ký kết với nhau hợp đồng góp vốn trước khi ký bản Điều lệ, bởi vì, có những điều họ muốn nhưng không thể ghi vào bản Điều lệ.
Ví dụ: A,B,C góp vốn, họ đồng ý là A sẽ luôn luôn là Chủ tịch. Trong bản Điều lệ, theo Luật Doanh nghiệp, họ chỉ có thể ghi” Hội đồng thành viên bầu một thành viên làm Chủ tịch” chứ không thể ghi một cách thẳng thắn là A được bầu làm chủ doanh nghiệp được.
Điều lệ của công ty được ghi nhận tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cần có những nội dung cơ bản sau đây:
– Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
– Ngành, nghề kinh doanh;
– Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
– Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập;
– Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;
– Cơ cấu tổ chức quản lý;
– Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;
– Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
– Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên;
– Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;
– Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
– Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
– Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
Lưu ý:
- Về tên địa chỉ, trụ sở chính của công ty; tên, dịa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện. Tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện không phải ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng vẫn phải ghi trong điều lệ công ty.
- Về ngành nghề kinh doanh. Ngành nghề kinh doanh là vấn đề phải được cơ quan cao nhất của doanh nghiệp quyết định. Vì vậy, nếu ngành nghề kinh doanh nào chưa được ghi nhận trong Điều lệ thì sẽ chưa đủ điều kiện để làm thủ tục đăng ký kinh doanh ngành nghề đó.
- Về vốn điều lệ. Riêng đối vưới việc tăng vốn cổ phần thì có thể lựa chọn một trong hai cách, ghi số cổ phần chào bán hoặc chỉ ghi số cổ phần đã bán.
- Về thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ. Cẳng hạn thông qua bằng cách giơ tay( nếu xác định được số phiếu biểu quyết), giơ phiếu biểu quyết hoặc bỏ phiếu. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ, nếu không có quy định thêm như chuyển qua cấp nào, ai tham gia giải quyết thì theo 4 nguyên tắc chung của pháp luật là: thương lượng, hòa giải, Tòa án và trọng tài.
Ngoài 13 nội dung bắt buộc phải có, các thành viên hoặc cổ đông có thể tự do thỏa thuận và quy định các nội dung khác trong điều lệ nhưng các nội dung khác này không được trái với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 nói riêng và quy định pháp luật về doanh nghiệp nói chung.
Điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên phải được ký bởi thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức. Điều lệ của công ty TNHH một thành viên phải được ký bởi chủ sở hữu là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức. Khi bổ sung hoặc sửa đổi Điều lệ, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không yêu cầu có chữ ký của tất cả các thành viên công ty TNHH hoặc cổ dông sáng lập của công ty CP, mà họ chỉ cần có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH và công ty CP. Riêng đối với công ty TNHH một thành viên, ngoài người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH một thành viên, điều lệ sửa đổi hoặc bổ sung có thể được ký bởi thành viên là chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật của thành viên là chủ sở hữu.
Trên đây là tư vấn của công ty TNHH tư vấn PhamLaw về Những lưu ý trong Điều lệ công ty theo Luật Doanh nghiệp 2020. Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn doanh nghiệp 1900 6284 của PhamLaw. Để được tư vấn các dịch vụ: tư vấn Thành lập doanh nghiệp, soạn thảo, tư vấn về Điều lệ doanh nghiệp, Tư vấn, soạn thảo quy chế nội bộ doanh nghiệp… Quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866; 091 611 0508 chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Xem thêm: