Quyền thừa kế di sản của con riêng theo Bộ Luật Dân sự 2015

Câu hỏi: Quyền thừa kế di sản của con riêng theo Bộ Luật Dân sự 2015

Xin chào Luật sư,

Trước đây tôi sống cùng với mẹ kế. Mẹ đẻ của tôi bỏ nhà đi từ khi tôi còn bé, sau đó bố tôi lấy mẹ hai, 2 người không có con chung. Năm 2005 bố tôi mất, tôi và mẹ hai sống với nhau đến bây giờ trong căn nhà đứng tên mẹ có từ trước khi lấy bố. Tháng 7/2016, mẹ tôi mất không để lại di chúc, cũng không có người thân nào khác. Tôi ở trong căn nhà đó đến nay thì được biết sắp có dự án xây dựng khu kinh tế, sắp tiến hành thu hồi đất. Vậy xin Luật sư tra lời cho tôi biết:

Thứ nhất: Tôi có được thừa kế thửa đất của mẹ kế hay không?

Thứ hai: Nếu có thì phải thực hiện các thủ tục trên như thế nào? và nếu tôi không được hưởng di sản trên thì căn cứ vào đâu?

Thứ ba: Khi Nhà nước thu hồi đất thì tôi có được bồi thường không?

Tôi xin chân thành cảm ơn các luật sư đã tư vấn giúp và chúc luật sư năm mới sức khỏe, an khang.

Quyền thừa kế di sản của con riêng theo Bộ Luật Dân sự 2015
Quyền thừa kế di sản của con riêng theo Bộ Luật Dân sự 2015

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Chào bạn, cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật sư Phamlaw, đối với trường hợp của bạn, Phamlaw xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc xác định quan hệ thừa kế của con riêng với mẹ kế

Các trường hợp thừa kế theo pháp luật được pháp luật về dân sự quy định tại điều 650 Bộ luật dân sự 2015. Trong đó có trường hợp người chết không để lại di chúc. Hàng thừa kế được quy định tại khoản 1 điều 651 Bộ luật dân sự 2015, gồm ba hàng thừa kế. Theo đó, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau; và những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Trong quy định về các hàng thừa kế không bao gồm con riêng của chồng. Tuy nhiên, tại điều 654 Bộ luật này có quy định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế cụ thể: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.”

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, thì bạn có quyền được hưởng thừa kế đối với căn nhà của mẹ kế, do có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như mẹ con. Song, chưa có quy định cụ thể về việc chứng minh quan hệ trên ra sao trong thực tế, do đó bạn có thể đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cung cấp thêm thông tin.

Thứ hai, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do thừa kế

Do mẹ kế của bạn không còn người thân nào khác, mà bố mẹ bạn không có con chung, nên bạn là người thừa kế duy nhất. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo điều 57, điều 58 Luật công chứng 2014 và điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP ngày 15/03/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng 2014 như sau:

–     Những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó đến và yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản tại Phòng công chứng nơi có đất;

–     Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định;

–     Việc thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.

Sau khi nhận được bản niêm yết thừa kế có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã không có tranh chấp, khiếu kiện, Công chứng viên tiến hành ký kết văn bản khai nhận di sản. Sau khi có văn bản này, những người thừa kế tiến hành thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất.

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm: Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK được ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 về hồ sơ địa chính; Giấy chứng nhận đã cấp; Văn bản khai nhận di sản.

Trình tự thực hiện qua các bước:

  • Chuẩn bị hồ sơ;
  • Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai – Sở tài nguyên và môi trường, nhận giấy hẹn;
  • Lấy kết quả.

Thứ ba, về việc bồi thường khi thu hồi đất

Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo khoản  1 điều 75 Luật đất đai 2013:

  • Đất đang sử dụng không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm;
  • Người sử dụng đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận;

Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Như đã trình bày ở trên, thì bạn vẫn được thừa kế quyền sử dụng đất, do đó trong trường hợp thu hồi đất, thì sẽ được Nhà nước bồi thường theo các nguyên tắc trên.

Trên đây là những quan điểm của PHAMLAW về Quyền thừa kế di sản của con riêng theo Bộ Luật Dân sự 2015. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của PHAMLAW. Để được tư vấn các thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục khai nhận di sản thừa kế,… Quý khách hàng vui lòng kết nói tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

—————————————

Phòng tư vấn pháp lý chuyên sâu – Phamlaw

 > xem thêm:

 

Rate this post