Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo Bộ luật tố tụng dân sự

Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo Bộ luật tố tụng dân sự

Các đương sự khi tham gia vào tố tụng dân sự sẽ có những quyền và nghĩa vụ nhất định được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật liên quan nhằm bảo đảm cho đương sự được bảo vệ về quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước tòa án. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khác nhau, mà đương sự không thể tiếp tục tham gia vào quá trình tố tụng dân sự thì cần có người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng. Vì vậy, Tòa án phải ra quyết định tác động đến quá trình tố tụng dân sự, nhằm bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của đương sự, kể cả những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng. Để hiểu rõ hơn về việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo Bộ luật tố tụng dân sự, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Kế thừa quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự là gì?

Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Khi tham gia vào quá trình tố tụng dân sự, các đương sự có quyền định đoạt quyền lợi của mình. Vậy nếu đương sự đang tham gia tố tụng mà chết thì xử lý như thế nào?

Kế thừa quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự được Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đặt ra với hai nhóm chủ thể là cá nhân và cơ quan, tổ chức. Có thể hiểu một cách khái quát, tất cả quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự được chủ thể kế thừa tiếp nối và thực hiện, người kế thừa tố tụng đó không nhân danh chính mình mà nhân danh đương sự đã chết (đối với đương sự là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức).

2. Các trường hợp kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng

Thứ nhất, Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.

Sau khi thụ lý vụ án dân sự, đương sự là cá nhân chết thì quyền và nghĩa vụ của họ được xác định theo hai trường hợp. Thứ nhất, nếu quyền và nghĩa vụ của họ trong vụ án là quyền, nghĩa vụ về nhân thân thì không thể chuyển giao cho người khác nên không đặt ra việc kế thừa quyền, nghĩa vụ của đương sự chết đó, Tòa án không tiếp tục giải quyết quyền, nghĩa vụ của họ. Thứ hai, nếu quyền, nghĩa vụ của họ là quyền, nghĩa vụ về tài sản được thừa kế thì cần phải có người thừa kế quyền, nghĩa vụ cho đương sự đã chết đó và trong trường hợp này người thừa kế sẽ tham gia tố tụng, Tòa án sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết quyền, nghĩa vụ của đương sự đó. Người thừa kế của đương sự đã chết được xác định theo pháp luật về thừa kế.

Thứ hai, Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức đó được xác định như sau:

– Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng;

– Trường hợp cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó hoặc đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức tiếp nhận các quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng;

– Trường hợp tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân, tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng.

Thứ ba, Trường hợp thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và có việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho chủ sở hữu mới thì chủ sở hữu mới kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.

Thứ tư, Trường hợp tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự thì tổ chức đó kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.

Thứ năm, Trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng chết thì tổ chức đó phải cử người khác làm đại diện để tham gia tố tụng; nếu không cử được người đại diện hoặc tổ chức đó phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể thì các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng.

Sau khi thụ lý vụ án dân sự, đương sự là cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức đó được xác định theo ba trường hợp. Thứ nhất, tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì người thừa kế quyền, nghĩa vụ tham gia tố tụng là cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc người đại diện của họ. Thứ hai, cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp nhà nước thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó hoặc đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức tiếp nhận các quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng. Thứ ba, nếu tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân, tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng.

Kế thừa quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự còn được đặt ra trong trường hợp thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và có việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho chủ sở hữu mới thì chủ sở hữu mới kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hay trường hợp tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự thì tổ chức độ kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.

Riêng với trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng chết thì tổ chức đó phải cử người khác làm đại diện để tham gia tố tụng; nếu không cử được người đại diện hoặc tổ chức đó phải chấm dứt hoạt động bị giải thể thì các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng.

Luật Phamlaw hy vọng rằng bài viết trên đây sẽ giúp Quý bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo Bộ luật tố tụng dân sự. Để biết thêm các thông tin chi tiết về nội dung này, Quý bạn đọc vui lòng kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)