Các luật sư cho tôi hỏi, chủ doanh nghiệp bị mất tích khỏi địa phương, không còn tài sản thì có được xóa nợ thuế không? Căn cứ vào các quy định nào ạ?
Xin cám ơn các luật sư Phạm Law!
Trả lời: (có tính chất tham khảo)
CƠ SỞ PHÁP LÝ
Luật doanh nghiệp 2020
Luật quản lý thuế năm 2019
Nghị định 126/2020/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
NỘI DUNG TƯ VẤN
Chủ doanh nghiệp mất tích được xóa nợ thuế không?
Nợ thuế vẫn đang là thách thức không nhỏ với ngành Thuế khi số nợ không có khả năng thu hồi vẫn tích tụ qua nhiều tháng năm gây lãng phí nhân sự quản lý và làm mất cân đối với cán cân thu ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, việc Luật Quản lý thuế 2019 đưa hẳn một chương về khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt sẽ được xem là cơ sở pháp lý quan trọng giải quyết dứt điểm những khoản nợ không có khả năng thu hồi, cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Quá trình khoanh nợ, xóa nợ thuế được thực hiện trên nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Đảm bảo công khai, minh bạch, thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và giám sát của người dân. Qua đó, nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ỳ, nợ thuế.
1. CÁC TRƯỜNG HỢP KHOANH NỢ THUẾ
1.1. Khoanh nợ thuế là gì ?
Khoanh nợ là tuyên bố của chủ nợ (thường là một tài khoản thẻ tín dụng) rằng một số nợ không có khả năng được thu hồi. Điều này xảy ra khi một người tiêu dùng trở nên quá hạn nghiêm trọng trên một khoản nợ. Theo truyền thống, các chủ nợ sẽ tuyên bố điều này tại thời điểm sáu tháng không có sự thanh toán. Tại Hoa Kỳ, các quy định Liên bang yêu cầu các chủ nợ khoanh nợ các cho vay trả góp sau 120 ngày kể từ ngày vi phạm, trong khi các tài khoản tín dụng tuần hoàn phải được khoanh nợ sau 180 ngày.
Mục đích của việc thực hiện một tuyên bố như vậy là để cung cấp cho các ngân hàng căn cứ để miễn trừ thuế trên khoản nợ.Tuy nhiên, khoanh nợ không giải phóng con nợ khỏi nghĩa vụ phải trả nợ.
1.2 Các trường hợp được khoanh tiền thuế nợ
Các trường hợp được khoanh tiền nợ thuế được quy định tại Điều 83 Luật Quản lý thuế năm 2019, cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Người nộp thuế là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày được cấp giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự.
Trường hợp 2: Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể.
Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh có thông báo về việc người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh.
Trường hợp 3: Người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày Tòa án có thẩm quyền thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc người nộp thuế đã gửi hồ sơ phá sản doanh nghiệp đến cơ quan quản lý thuế nhưng đang trong thời gian làm các thủ tục thanh toán, xử lý nợ theo quy định của Luật Phá sản.
Trường hợp 4: Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hiện diện tại địa bàn và thông báo trên toàn quốc về việc người nộp thuế hoặc đại diện theo pháp luật của người nộp thuế không hiện diện tại địa chỉ nơi người nộp thuế có trụ sở, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.
Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày cơ quan quản lý thuế có văn bản thông báo trên toàn quốc về việc người nộp thuế hoặc đại diện theo pháp luật của người nộp thuế không hiện diện tại địa chỉ kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.
Trường hợp 5: Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Thời gian khoanh nợ được tính từ ngày cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc từ ngày có hiệu lực của quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
2. CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC XÓA NỢ TIỀN THUẾ, TIỀN CHẬM NỘP, TIỀN PHẠT
Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã quy định cụ thể 04 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Tại Điều 85 Luật Quản lý thuế sửa đổi quy định trường hợp được xóa tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, cụ thể:
Thứ nhất, Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Thứ hai, Cá nhân đã chết được pháp luật coi là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.
Thứ ba, Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không còn khả năng thu hồi.
Thứ tư, Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp và đã được gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất, kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Như vậy, các trường hợp được xóa nợ nêu trên là người nộp thuế đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, kể cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế còn nợ; hoặc đã bị phá sản theo quyết định của tòa án và không còn tài sản để nộp; hoặc người nộp thuế đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh, cơ quan thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ nhưng người nộp thuế không còn tàu sản để nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp còn nợ và khoản nợ thuế thì đã quá 10 năm không có khả năng thu hồi.
Về Thẩm quyền xóa nợ thuế:
Đối với khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã không thuộc trường hợp bị tuyên bố phá sản và khoản nợ này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi, thì thẩm quyền xóa nợ quy định như sau:
- Khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt dưới 5 tỷ đồng giao chủ tịch UBND cấp tỉnh
- Khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 5 đến 10 tỷ đồng giao Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
- Khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 đến 15 tỷ đồng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính và trên 15 tỷ đồng giao Thủ tướng Chính phủ.
Đối với khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thì thẩm quyền xóa nợ giao chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định (không quy định khoản nợ phải quá 10 năm và cũng không quy định mức tiền xóa nợ, nghĩa là không giới hạn về mức tiền xóa nợ).
Như vậy, trường hợp chủ doanh nghiệp mất tích và không còn tài sản thì sẽ thuộc trường hợp được khoanh tiền thuế nợ quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật quản lý thuế 2019 đã nêu ở trên. Tuy nhiên, để có thể được khoanh tiền thuế nợ thì cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án;
– Văn bản xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi người bị tuyên bố mất tích cư trú về việc người mất tích không có tài sản.
Thời gian khoanh nợ đối với chủ doanh nghiệp mất tích được tính từ ngày có quyết định của Tòa án tuyên bố là mất tích.
Hệ quả của việc khoanh tiền nợ thuế đối với chủ doanh nghiệp mất tích: Nhằm cung cấp cho các ngân hàng căn cứ để miễn trừ thuế trên khoản nợ. Tuy nhiên, việc khoanh nợ thuế không giải phóng chủ doanh nghiệp khỏi nghĩa vụ phải trả nợ.
Trên đây là quan điểm của Phạm Law đối với trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.
Trân trọng./.
Các dịch vụ của Phamlaw:
– thủ tục giải thể doanh nghiệp
– dịch vụ giải thể công ty
– thủ tục thành lập công ty
Chủ doanh nghiệp mất tích được xóa nợ thuế – Luật Phamlaw