Quy định về cổ phiếu và trái phiếu theo pháp luật hiện hành
Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, tôi đang có dự định tham gia vào thị trường chứng khoán, tuy nhiên tôi chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật về chứng khoán cho lắm. Theo tôi được biết thì cổ phiếu và trái phiếu là hai loại chứng khoán thông dụng nhất trên thị trường. Kính mong luật sư tư vấn giúp tôi về quy định của pháp luật liên quan đến hai loại chứng khoán này?
(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật chuyên sâu của Phamlaw)
Trả lời: (câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)
Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho Bộ phận tư vấn pháp luật chuyên sâu của Phamlaw. Về thắc mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ý kiến tư vấn qua bài viết dưới đây:
Quy định về cổ phiếu và trái phiếu theo pháp luật hiện hành
Quy định về cổ phiếu và trái phiếu chủ yếu do Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Chứng khoán 2019 điều chỉnh
Cổ phiếu
Khái niệm cổ phiếu
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định về cổ phiếu như sau:
Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Tại khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020 giải thích về cổ phiếu như sau:
Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Như vậy, cổ phiếu là một loại chứng khoán do tổ chức phát hành nhằm xác nhận quyền sở hữu đối với một số cổ phần của tổ chức đó.
Nội dung của cổ phiếu
Tại khoản 2 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cổ phiếu phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
– Số lượng cổ phần và loại cổ phần;
– Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;
– Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân;
Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
– Chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty;
– Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;
– Nội dung khác theo quy định tại các Điều 116, 117 và 118 Luật Doanh nghiệp 2020 đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.
Mệnh giá cổ phiếu
Tại Điều 13 Luật Chứng khoán 2019 quy định mệnh giá cổ phiếu như sau:
– Mệnh giá chứng khoán chào bán trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ghi bằng Đồng Việt Nam.
– Mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng là 10 nghìn đồng.
– Trường hợp giá chứng khoán của tổ chức phát hành trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, tổ chức phát hành được chào bán chứng khoán với giá thấp hơn mệnh giá.
Trái phiếu
Khái niệm trái phiếu
Trong Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định về khái niệm trái phiếu. Tuy nhiên tại khoản 3 Luật Chứng khoán 2019 có quy định như sau:
Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng
– Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
– Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm;
– Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;
– Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;
– Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
– Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
– Tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp sau:
+ Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận; hoặc
+ Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.- Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán;
– Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.
(Khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019, Điều 19 Nghị định 155/2020/NĐ-CP)
So sánh Cổ phiếu và Trái phiếu
Giống nhau:
– Trái phiếu và cổ phiếu đều là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành.
– Đều được coi là chứng khoán (Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019).
– Đều được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử
– Đều có thể trao đổi mua bán, chuyển nhượng cầm cố, thế chấp, thừa kế
– Đều được nhận lãi (cổ tức đối với cổ phiếu, trái tức đối với trái phiếu).
– Đều là phương tiện thu hút vốn của nhà phát hành.
– Đều có 2 loại: Ghi danh và vô danh.
– Trong nội dung của cổ phiếu và trái phiếu đều có ghi:
Tên, trụ sở chính của công ty phát hành;
Số và ngày cấp giấy chứng nhận ĐKKD;
Ngày phát hành;
Tên của người sở hữu (cổ đông).
Khác nhau:
Tiêu chí | Cổ phiếu | Trái phiếu |
Bản chất | Là chứng khoán vốn (người nắm giữ cổ phiếu là chủ sở hữu công ty), làm tăng vốn của chủ sở hữu công ty | Là chứng khoán nợ (người nắm giữ trái phiếu là chủ nợ của công ty), không làm tăng vốn của chủ sở hữu công ty |
Chủ thể phát hành | – Công tu cổ phần | – Công ty cổ phần, Công ty TNHH (Điều 2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP) |
Tư cách chủ sở hữu | Người sở hữu cổ phiếu được gọi là cổ đông | Người sở hữu trái phiếu không phải là thành viên hay cổ đông công ty, họ trở thành chủ nợ của công ty. |
Quyền của chủ sở hữu | Người sở hữu cổ phiếu của công ty cổ phần trở thành cổ đông của công ty và tùy thuộc vào loại cổ phần họ nắm giữ, họ có những quyền khác nhau trong công ty. Người sở hữu cổ phiếu của công ty cổ phần được chia lợi nhuận (hay còn gọi là cổ tức), tuy nhiên lợi nhuận này không ổn định mà phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Họ có quyền tham gia vào việc quản lý và điều hành hoạt động của công ty, tham gia biểu quyết các vấn đề của công ty, trừ cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại không được dự họp Đại hội đồng cổ đông và biểu quyết các vấn đề của công ty. | Người sở hữu trái phiếu do công ty phát hành được trả lãi định kì, lãi suất ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. |
Hưởng lợi nhuận | – Người sở hữu trái phiếu do công ty phát hành được trả lãi định kì. – Lãi suất ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty – Người sở hữu cổ phiếu của công ty cổ phần được chia lợi nhuận (hay còn gọi là cổ tức), – Lợi nhuận này không ổn định mà phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty | – Người sở hữu trái phiếu do công ty phát hành được trả lãi định kì. – Lãi suất ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty |
Trách nhiệm của người sở hữu | – Người sở hữu cổ phiếu chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp vào công ty | |
Thời gian sở hữu | Không có thời hạn cụ thể, nó phụ thuộc vào ý chí và quyết định của chủ sở hữu cổ phiếu. | Thời hạn được ghi cụ thể trong trái phiếu |
Thứ tự ưu tiên thanh toán khi công ty giải thể, phá sản | – Khi công ty bị giải thể hay phá sản thì chủ sở hữu trái phiếu được ưu tiên thanh toán gốc và lãi trái phiếu trước (cổ phiếu) chủ sở hữu cổ phần – Khi công ty bị giải thể hay phá sản sản thì cổ đông chỉ được trả lại phần vốn góp sau khi đã thanh toán hết mọi nghĩa vụ, mọi khoản nợ của công ty. | – Khi công ty bị giải thể hay phá sản thì chủ sở hữu trái phiếu được ưu tiên thanh toán gốc và lãi trái phiếu trước (cổ phiếu) chủ sở hữu cổ phần |
Hệ quả của việc phát hành | Kết quả của việc phát hành cổ phiếu sẽ làm tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần và làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông hiện hữu. | Kết quả của việc phát hành trái phiếu sẽ làm tăng vốn vay, nghĩa vụ trả nợ của công ty nhưng không làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông hiện hữu. |
Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp… Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Xem thêm: