Điểm mới về tranh chấp trong Bộ luật Lao động năm 2019

Điểm mới về tranh chấp trong Bộ luật Lao động năm 2019

Sắp tới, ngày 01/01/2021 Bộ luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực thay thế cho Bộ luật Lao động năm 2012. Với nhiều điểm mới tiến bộ, Bộ luật lao động năm 2019 được kỳ vọng đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động. Thể hiện rõ nhất sự kỳ vọng này có thể kể đến đó là sự đổi mới trong gaiir quyết tranh chấp lao động. Để cung cấp cho khách hàng những đổi mới liên quan đến tranh chấp lao động, Luật Phamlaw xin giới thiệu đến quý đọc giả bài viết Điểm mới về tranh chấp trong Bộ luật Lao động năm 2019 dưới đây:

Diem Moi Ve Tranh Chap Trong Bo Luat Lao Dong Nam 2019
Điểm mới về tranh chấp trong Bộ luật Lao động năm 2019

1. Khái niệm tranh chấp lao động

Bộ luật lao động năm 2012 có định nghĩa tranh chấp lao động là: Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động (khoản 7 Điều 3).

Khi đó, Bộ luật lao động năm 2019 quy định: Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động (khoản 1 Điều 179).

Ta có thể thấy rõ được sự khác biệt giữa hai bộ luật, nhờ đó thể hiện Bộ luật lao động năm 2019 đề cao việc nhận thức về tranh chấp lao động hơn luật cũ. Cụ thể bộ luật mới đã đưa việc giải thích tranh chấp lao động vào một điều luật riêng biệt chứ không phải là các khoản trong một điều luật như trước.

Bên cạnh đó bộ luật mới cũng định nghĩa cụ thể hơn về các loại tranh chấp được cho là tranh chấp lao động. Điều này xuất phát từ thực tiễn để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động vì một khi xác định càng rõ các dấu hiệu tranh chấp lao động thì càng bảo vệ được tốt hơn người lao động- chủ thể yếu thế trong quan hệ lao động.

2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động – Điểm mới về tranh chấp trong Bộ luật Lao động năm 2019

Bộ luật mới có sự thay đổi đáng kể trong việc nhận thức để giải quyết tranh chấp lao động. Trong khi bộ luật cũ quy định sáu nguyên tắc, bộ luật mới chỉ quy định năm nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động (Bỏ nguyên tắc: Việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội). Điều này là hợp lý vì bộ luật mới đã lồng tinh thần của nguyên tắc trên trong các nguyên tắc còn lại, nếu như vẫn giữ nguyên nguyên tắc này thì sẽ dẫn đến sự trùng lặp.

Bộ luật mới có thay đổi câu chữ trong các nguyên tắc, cụ thể:

Thay đổi từ “Tôn trọng, bảo đảm để các bên tự thương lượng, quyết định trong giải quyết tranh chấp lao động” thành “Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động”.

Thay đổi từ “Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi một trong hai bên có đơn yêu cầu do một trong hai bên từ chối thương lượng, thương lượng nhưng không thành hoặc thương lượng thành nhưng một trong hai bên không thực hiện” thành “Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý”.

Từ đó có thể thấy, bộ luật mới đề cao sự tự thỏa thuận, tự định đoạt và hướng đến sự đảm bảo toàn vẹn nhất quyền, lợi ích các bên, giải quyết mâu thuẫn được nhanh nhất và tránh các chi phí không đáng có.

3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp – Điểm mới về tranh chấp trong Bộ luật Lao động năm 2019

Bộ luật mới cũng giống với bộ luật cũ về việc ghi nhận tranh chấp lao động gồm tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Trong tranh chấp lao động tập thể có tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Về từng loại tranh chấp thì bộ luật mới lại có những đổi mới. Cụ thể:

Đối với tranh chấp lao động cá nhân: Bộ luật mới bổ sung thêm một chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Hội đồng trọng tài lao động (khoản 2 Điều 187 Bộ luật Lao động 2019). Ngoài ra, bộ luật mới còn bổ sung thêm các tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động về bảo hiểm. Cụ thể ngoài tranh chấp về “bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế” bổ sung thêm “bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động” (điểm d khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019). Đồng thời bổ sung thêm một tranh chấp lao động mới không qua thủ tục hòa giải là: tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại (điểm e khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động 2019).

Đối với tranh chấp lao động tập thể: Bộ luật thay thế thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thành Hội đồng trọng tài lao động. Bên cạnh đó, bộ luật mới có sự đổi mới so với bộ luật cũ về tranh chấp lao động tập thể về quyền khi một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành, hoặc hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, hoặc trường hợp hòa giải không thành (không thỏa thuận được, không chấp nhận phương án hà giải hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng) thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

Vậy có thể thấy, Bộ luật lao động năm 2019 đã được đổi mới với sự đề cao phương pháp hòa giải, tự thỏa thuận, tự định đoạt của các bên để giúp các bên tháo gỡ được những mâu thuẫn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng loại hình tranh chấp mà sự cần thiết của hòa giải lại khác nhau và thẩm quyền giải quyết tranh chấp cũng sẽ khác nhau.

Trên đây là quan điểm của chúng tôi về “Điểm mới về tranh chấp trong Bộ luật Lao động năm 2019”

Xem thêm: >>> Dịch vụ tư vấn pháp luật lao động qua tổng đài

Hỗ trợ dịch vụ và tư vấn tranh chấp lao động trong doanh nghiệp- Tổng đài 1900 6284

5/5 - (1 bình chọn)