Ưu điểm loại hình Công ty cổ phần

Ưu điểm loại hình Công ty cổ phần

Trong số các loại hình doanh nghiệp  ở nước ta hiện nay, Công ty cổ phần (CTCP) là loại hình doanh nghiệp ra đời tương đối muộn nhưng lại chiếm nhiều ưu thế trên thị trường. Với thông điệp “hợp tác chính là nguồn gốc của sự phồn thịnh” CTCP đã và đang đem lại sự phát triển vượt bậc cho của nền kinh tế. Việc sở hữu nhiều lợi thế so với các loại hình doanh nghiệp khác như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty hợp danh tạo điều kiện cho sự phát triển bùng nổ của loại hình doanh nghiệp này ở nước ta.Vậy CTCP có những ưu điểm gì so với các loại hình khác? Kính mời quý khách hàng cùng Luật Phamlaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Công ty cổ phần là gì?

Luật Doanh nghiệp 2020 định nghĩa CTCP là doanh nghiệp, trong đó:

  • Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
  • Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
  • Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
  • Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127.

Trong công ty cổ phần, cổ phần không chỉ có 1 mà bao gồm nhiều loại khác nhau. Hệ quả là quyền và nghĩa vụ của các cổ đông sở hữu các loại cổ phần khác nhau cũng sẽ khác nhau.

Việc chia cổ phần làm nhiều loại khác nhau có nguyên nhân. Nguyên thủy ban đầu, trong công ty cổ phần chỉ có 1 loại cổ phần duy nhất, cũng như trong công ty TNHH chỉ có 1 loại vốn góp mà thôi. Theo đó các cổ đông sẽ có những quyền và nghĩa vụ như nhau. Nhưng theo thời gian, nhằm nâng cao khả năng thu hút vốn, cổ phần trong công ty đã được chia thành các loại khác nhau và có đặc điểm riêng cho mỗi loại. Kết quả trong công ty hình thành nên nhiều loại cổ phần khác nhau. Đây cũng là đặc điểm tiêu biểu và ưu điểm tuyệt vời cho loại hình công ty cổ phần trong việc huy động vốn cho các nhà đầu tư.

Ưu điểm khi thành lập Công ty cổ phần

Với định nghĩa được ghi nhận tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 như trên, có thể thấy rằng, khi thành lập CTCP, chủ sở hữu công ty có những lợi thế về những điểm sau:

1. Đối tượng được góp vốn vào CTCP tương đối rộng

Họ có thể là tổ chức, cá nhân. Số lượng tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa. Đây được đánh giá là một trong những ưu điểm nổi trội của hình thức CTCP. Nhờ đó, doanh nghiệp dễ dàng kêu gọi vốn và phát triển vững mạnh hơn. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể tham gia quản lý và góp vốn vào CTCP trừ một số đối tượng đặc biệt được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 như: Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp…; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước; Người chưa thành niên hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự…Có thể thấy, quy định như trên là hợp lý bởi vì đó là những trường hợp đặc thù nếu tham gia vào CTCP có thể ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của công ty cũng như xã hội. Như vậy, ngoài những trường hợp trên, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể là cổ đông của CTCP kể cả cá nhân đó là người Việt Nam hay người nước ngoài.

2. Cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp

Đây được xem là chế độ trách nhiệm hữu hạn. Với quy định trên thì khi công ty lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính và phát sinh các khoản nợ phải trả thì công ty chỉ có thể lấy số vốn trong phạm vi mà các cổ đông đã tiến hành góp để thực hiện các nghĩa vụ tài chính đó. Điều này xuất phát từ việc cổ đông chỉ nhận được phần cổ tức (nếu có) tương ứng với số vốn mà họ đã góp nên không có lý do nào mà họ phải chịu một phần nghĩa vụ lớn hơn phần lợi ích mà họ được hưởng.

Khi một tổ chức hay cá nhân mua cổ phần tức là họ đã chuyển dịch vốn của mình theo những phương thức nhất định vào CTCP và trở thành tài sản thuộc sở hữu của CTCP, nhưng cổ đông vẫn được hưởng các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ việc góp vốn. Vốn thuộc sở hữu công ty chính là giới hạn sự rủi ro tài chính của các cổ đông trên toàn bộ số vốn đã đầu tư vào công ty nên trách nhiệm của những cổ đông đối với các nghĩa vụ của công ty được hạn chế trong phạm vi số vốn mà họ đã đầu tư. Xét trong sự tách bạch về tài sản thì các cổ đông không có quyền đối với tài sản của CTCP nên họ không chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của CTCP; CTCP chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình. Cả CTCP lẫn chủ nợ của công ty đều không có quyền kiện đòi tài sản của cổ đông (trừ trường hợp cổ đông nợ công ty do chưa đóng đủ tiền góp vốn hoặc chưa thanh toán đủ cho CTCP số tiền mua cổ phiếu phát hành).

Xuất phát từ sự tồn tại độc lập của CTCP so với các cổ đông nên CTCP có các quyền và nghĩa vụ về tài sản riêng. Do đó, các rủi ro của cổ đông khi đầu tư vào CTCP chỉ giới hạn trong số lượng giá trị cổ phiếu mà cô đông đó đầu tư.

Khi đầu tư vào công ty hợp danh (nếu nhà đầu tư tham gia với tư cách thành viên hợp danh) hay doanh nghiệp tư nhân thì mức độ gánh chịu rủi ro là vô hạn. Tính chịu trách nhiệm hữu hạn là một công cụ phòng ngừa rủi do cho nhà đầu tư. Vì thế, mô hình trách nhiệm hữu hạn và CTCP đã là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư xem xét lựa chọn mô hình doanh nghiệp.

3. Dễ dàng chuyển nhượng vốn

Trong CTCP, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Đây là một quy định nhằm mở rộng quyền cho các cổ đông nếu như vì một lý do nào đó mà họ không muốn tiếp tục đầu tư vào công ty nữa. Ngoài ra, nhà đầu tư có khả năng điều chuyển vốn đầu tư từ nơi này sang nơi khác, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác dễ dàng thông qua hình thức chuyển nhượng, mua bán cổ phần.

Có thể thấy, phạm vi đối tượng được tham gia CTCP là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của CTCP (đối với công ty Đại chúng, công ty niêm yết trên Sàn chứng khoán thì chỉ có công ty cổ phần mới có quyền này).

4. Dễ dàng huy động vốn

Khoản 3 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn”. Một trong những ưu điểm nổi bật của CTCP đó là khả năng huy động vốn đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Trong quá trình hoạt động, CTCP có thể tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu để kêu gọi đầu tư, điều này ở các loại hình doanh nghiệp khác không có.

Việc dễ dàng huy động vốn giúp công ty có khả năng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đạt được những thành tựu đáng kể.

5. Có tư cách pháp nhân

CTCP có tính ổn định trong hoạt động kinh doanh vì CTCP có tư cách pháp nhân độc lập nên nếu có sự rút lui, phá sản của cổ đông thì công ty vẫn tồn tại mà không bị ảnh hưởng. Ưu điểm này bảo đảm cho sự hoạt động liên tục và ổn định của CTCP.

6. Tổ chức, quản lý nội bộ chặt chẽ

Đối với loại hình công ty cổ phần, để phát triển mạnh mẽ và trường tồn, vươn lên những tầm cao mới, doanh nghiệp phải sử dụng cả tiền của “thiên hạ” và bổ nhiệm cả người ngoài. Khi đó, loại hình doanh nghiệp này phải được quản trị chuyên nghiệp, muốn được như vậy phải phân địch rõ và tiến tới tách bạch về “quyền sở hữu công ty” và “quyền quản lý công ty”, từ quản trị cảm tính sang “Quản trị theo khoa học”, chuyển từ cách làm việc “gia đình trị” sang “cơ chế trị”. Chính bởi vậy, so với các loại hình doanh nghiệp khác thì CTCP có bộ máy quản trị tương đối hoàn thiện, thể hiện thông qua hệ thống cơ quan nội bộ của công ty đã có sự chuyên môn hóa giữa quản lý và sở hữu mang lại tính chủ động và hiệu quả cao trong hoạt động.

Tuy nhiên, bên cạnh Ưu điểm loại hình Công ty cổ phần nổi bật, CTCP còn tồn tại những hạn chế nhất định như sau:

+ Với bản chất là doanh nghiệp đối vốn nên với một số ngành nghề có tính chất đối nhân không đối vốn như tư vấn luật, dịch vụ kế toán…thì sẽ không được thành lập CTCP.

+ Do CTCP không hạn chế cổ đông do đó dễ có sự phân hóa các nhóm cổ đông đối kháng nhau về mặt lợi ích nên việc quản lý, điều hành công ty sẽ phức tạp hơn, bảo mật tài chính và kinh doanh bị hạn chế do công ty phải công khai và báo cáo với cổ đông.

+ Việc thành lập CTCP cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc bởi pháp luật về chế độ tài chính, kế toán.

+ CTCP sẽ khó khăn hơn các loại hình doanh nghiệp khác khi đưa ra một quyết định nào đó dù là về quản lý doanh nghiệp hay kinh doanh do phải thông qua Hội Đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông… Vậy nên rất dễ bỏ qua những cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

Như vậy, CTCP là mô hình kinh doanh khá lý tưởng cho những nhà đầu tư có ý định sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn. Trách nhiệm hữu hạn, dễ dàng chuyển nhượng vốn, và phát triển vô hạn là những lợi thế của CTCP, qua đó sẽ nâng cao khả năng huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu và IPO lên sàn chứng khoán để thu lợi nhuận

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw đối với nội dung về “Ưu điểm loại hình Công ty cổ phần”. Nếu Quý bạn đọc còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

xem thêm:

5/5 - (3 bình chọn)