Mã số doanh nghiệp và nghĩa vụ sau khi thành lập

Phamlaw- Mã số doanh nghiệp và nghĩa vụ sau khi thành lập

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp mới sẽ được cấp một mã số doanh nghiệp và đây cũng là mã số được dùng để thực hiện các nghĩa vụ về thuế (còn gọi là mã số thuế), các thủ tục hành chính và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp. Trong suất quá trình hoạt động, kể từ khi thành lập cho đến khi kết thúc hoạt động, mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế được sử dụng để kê khai và nộp thuế cho các loại thuế phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp mà doanh nghiệp buộc phải có nghĩa vụ nộp theo quy định.

Mã số doanh nghiệp là mã số được cấp riêng cho từng doanh nghiệp nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suất quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại, cấp trùng cho doanh nghiệp khác. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp cũng sẽ chấm dứt hiệu lực và không được sử dụng lại. Mã số này được lưu trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và được ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Luật doanh nghiệp 2020, Điều 29)

> Xem thêm: hồ sơ giải thể doanh nghiệp

Mã số doanh nghiệp và nghĩa vụ sau khi thành lập
Mã số doanh nghiệp và nghĩa vụ sau khi thành lập

Một số nghĩa vụ cơ bản của doanh nghiệp sau khi thành lập theo Luật Doanh nghiệp 2020.

Thứ nhất: Đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh khi hoạt động trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trước khi hoạt động kinh doanh phải đảm bảo duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó và đảm bảo duy trì các điều kiện bắt buộc đó trong suất quá trình hoạt đồng kinh doanh (Luật Doanh nghiệp 2020, Điều 8.1). Điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện chủ yếu nhất là giấy phép kinh doanh. Ngoài ra còn có một số các điều kiện kinh doanh khác như (i) giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, (ii) chứng chỉ hành nghề, (iii) giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, (iv) yêu cầu về vốn pháp định, (v) văn bản chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, (vi) yêu cầu khác theo quy định (tham khảo bảng 6-1).

Thứ hai: Tuân thủ quy định về kế toán và nộp báo cáo tài chính đầy đủ, đúng hạn và chính xác. Doanh nghiệp phải có kế toán riêng hay các phòng ban kế toán để thực hiện các công việc liên quan đến nghiệp vụ kế toán cho doanh nghiệp. Các công việc cụ thể như: Báo cáo tháng, báo cáo quý và báo cáo khi kết thúc năm tài chính trung thực, chính xác. Nghĩa vụ thuế quan trọng nhất của doanh nghiệp là nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và Việt Nam đang áp dụng một thuế suất tiêu chuẩn chung cho mọi loại hình doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế suất khi hoạt động trong ngành nghề được ưu đãi đầu tư kinh doanh). Việc không tuân thủ các nghĩa vụ trên có thể là căn cứ để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thứ ba: Đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động là một nghĩa vụ của doanh nghiệp. Nghĩa vụ này bao gồm việc doanh nghiệp (i) không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp, (ii) không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, (iii) hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và (iv) thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các loại bảo hiểm khác theo quy định.

> tìm hiểu thêm: Thủ tục giải thể công ty cổ phần

Thứ tư: Thực hiện nghĩa vụ đăng ký doanh nghiệp, báo cáo và công bố thông tin. Doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần có trách nhiệm lập sổ đăng ký thành viên và sổ cổ đông. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thông báo công khai thông tin doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nội dung công bố bao gồm các nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin liên quan đến (i) ngành nghề kinh doanh,(ii) danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần và (iii) mẫu con dấu.

Doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế nếu ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm. Doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thông báo khi ngừng kinh doanh trong một năm có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Thứ năm: Chịu mọi trách nhiệm về thông tin đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các nội dung thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo. Trường hợp phát hiện các thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì doanh nghiệp phải kịp thời sửa đổi và bổ sung các thông tin đó.

Thứ sáu: Các nghĩa vụ khác: Ngoài các nghĩa vụ kể trên, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ chung như: Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh; thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh về đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng; bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.

————————-

Phòng biên tập công ty luật-PHAMLAW 

Thông tin trên được sưu tầm và biên soạn lại theo quan điểm của chúng tôi mang tính chất tham khảo. Mọi yêu cầu, thắc mắc của Quý bạn đọc, Quý khách hàng với nội dung “Mã số doanh nghiệp và nghĩa vụ sau khi thành lập” hoặc nội dung pháp lý khác vui lòng gửi mail hoặc kết nối đến tổng đài tư vấn 1900 của Phamlaw để được giải đáp.

 > Xem thêm: thủ tục giải thể công ty tnhh

 

5/5 - (1 bình chọn)