Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt
Thưa Luật sư!
Theo như tôi được biết thì có những giao dịch doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt. Luật sư có thể cho tôi biết các trường hợp đó được không? Nếu doanh nghiệp vẫn cố ý sử dụng tiền mặt trong các giao dịch đó thì có bị xử phạt không? Mức phạt sẽ là bao nhiêu? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.
Cảm ơn Luật sư!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật doanh nghiệp 2020
Luật dân sự 2015
NỘI DUNG TƯ VẤN
Đối với câu hỏi của Quý khách hàng, trong bài viết này chúng tôi sẽ tập trung trả lời các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong Luật doanh nghiệp.
1. Giao dịch không dùng tiền mặt là gì?
Căn cứ tại Điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định như sau: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Và giao dịch dân sự có thể được thể hiện dưới các hình thức sau đây:
- Bằng lời nói;
- Bằng văn bản. Trong đó giao dịch thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử cũng được coi là giao dịch bằng văn bản;
- Bằng hành vi cụ thể.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 222/2013/NĐ-CP có quy định như sau: “Tiền mặt là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành”.
Theo đó, giao dịch dân sự không dùng tiền mặt được hiểu là những giao dịch đó không được thanh toán bằng tiền mặt.
Từ đây có thể hiểu thanh toán không dùng tiền mặt là quá trình thanh toán không có sự xuất hiện của tiền mặt mà chỉ là tiền ghi sổ, nghĩa là dựa trên số tiền tại tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng. Việc thanh toán được tiến hành bằng cách chích chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác hoặc thanh toán bù trừ lẫn nhau thông qua vai trò trung gian của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Phương thức này góp phần làm cho quá trình thanh toán trở nên an toàn, thuận tiện, nhanh chóng, chính xác, giúp tăng nhanh vòng quay của vốn; đồng thời làm giảm chi phí lưu thông do không phải vận chuyển tiền mặt từ nơi này đến nơi khác.
2. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt
Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến bao gồm: Internet banking, E-banking, Home banking, Phone banking, Mobile banking, ATM, thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, séc, chuyển tiền điện tử, uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu, thanh toán qua tài khoản cá nhân, thanh toán online, Mastercard, Visa card…
Ở Việt Nam hiện nay có các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến sau:
+ Séc thanh toán: séc chuyển khoản, séc được bảo chi, séc được bảo lãnh
+ Uỷ nhiệm chi
+ Uỷ nhiệm thu
+ Thẻ thanh toán
+ Thư tín dụng nội địa
Đây là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chủ yếu nhất ở Việt Nam hiện nay.
3. Những loại giao dịch nào doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt?
Không phải tất cả các giao dịch đều có thể sử dụng tiền mặt, có những loại giao dịch mà các Doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt bao gồm các giao dịch sau:
Thứ nhất, Giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC thì các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán các giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác .
Trong trường hợp này, doanh nghiệp sử dụng các hình thức thanh toán sau:
- Thanh toán bằng Séc;
- Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
- Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác.
Thứ hai, Các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau
Doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau (khoản 2 Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP), thay vào đó thanh toán bằng Séc, bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền hoặc hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác.
Thứ ba, Mua hàng hóa, dịch vụ từng lần từ 20 triệu đồng trở lên
Những hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (đã bao gồm thuế GTGT) thanh toán bằng tiền mặt không được tính vào chi phi được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (điểm c khoản 1 Điều 6 Văn bản hợp nhất 66/2019/VBHN-BTC).
Thứ tư, Giao dịch nộp tiền vào ngân sách Nhà nước
Các đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại ngân hàng nộp ngân sách Nhà nước (tiền thuế, phí, lệ phí, nộp phạt…) bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp tiền mặt tại ngân hàng để chuyển vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước (khoản 1 Điều 1 Văn bản hợp nhất 21/2019/VBHN-BTC).
Thứ năm, Giao dịch chứng khoán cho khách hàng của công ty chứng khoán
Giao dịch chứng khoán cho khách hàng của công ty chứng khoán được thực hiện qua ngân hàng thương mại.
Thứ bảy, Giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 222/2013/NĐ-CP thì Tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán. Nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán để thực hiện giao dịch chứng khoán trên Sở Giao dịch Chứng khoán và chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin nhận biết khách hàng khi mở tài khoản giao dịch.
Thứ tám, Giao dịch chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán
Căn cứ tại khoản 2 Điều 63 Luật Chứng khoán 2019 quy định: Thanh toán chứng khoán được thực hiện trên hệ thống tài khoản lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thanh toán tiền giao dịch chứng khoán được thực hiện qua ngân hàng thanh toán và phải tuân thủ nguyên tắc chuyển giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền.
Đồng thời, khoản 2 Điều 5 Nghị định 222/2013/NĐ-CP cũng quy định, tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.
4. Xử phạt khi vi phạm quy định về hoạt động thanh toán
Mức xử phạt vi phạm về hành vi sử dụng tiền mặt trong các giao dịch nêu trên:
Căn cứ tại Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động thanh toán như sau:
Thứ nhất, Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa không đúng quy định trên các phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Tiếp nhận, xử lý tra soát, khiếu nại của khách hàng không đúng quy định của pháp luật;
- Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán.
Thứ ba, Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời gian trong thanh toán, chuyển tiền, trừ các trường hợp thanh toán giữa tổ chức tín dụng với Ngân hàng Nhà nước;
- Vi phạm quy định về thông báo, niêm yết biểu phí dịch vụ thanh toán, biểu phí dịch vụ thẻ.
Thứ tư, Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;
- Ký duyệt lệnh thanh toán không đúng thẩm quyền hoặc sử dụng chữ ký điện tử của người khác;
- Mở, sử dụng và ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán.
Thứ năm, Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Cho thuê, cho mượn từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán;
- Làm giả chứng từ khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ sáu, Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;
- Cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên;
- Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ bảy, Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh;
- Sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch cho các mục đích lừa đảo, gian lận.
Thứ tám, Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định thanh toán bằng tiền mặt.
Theo đó tùy từng hành vi vi phạm cụ thể mà sẽ áp dụng mức xử phạt tương ứng. Bên cạnh đó sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
– Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, điểm b khoản 5 và điểm c, d khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP.
+ Không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c, d khoản 6 và khoản 8 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP.
Bài viết trên đây là các thông tin liên quan đến các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Xem thêm: