Quyền của người nhận thế chấp theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

Quyền của người nhận thế chấp theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

Trong các biện pháp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự, thế chấp được coi là một trong những biện pháp phổ biến nhất hiện nay. Tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật có thể là động sản, bất động sản hoặc những tài sản có giá trị khác. Việc nhận tài sản thế chấp là động sản hay bất động sản, bên nhận thế chấp bao giờ cũng dễ gặp phải rủi ro, xuất phát từ việc không xác định được nguồn gốc tài sản; tài sản là hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh dễ hỏng hóc, mất giá trị,… hoặc với tài sản là bất động sản thường gắn liền với tài sản trên đất mà không thể xử lý… Vì lẽ đó, chế định về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật 2015 đã có nhiều thay đổi và tiến bộ rất nhiều so với Bộ luật dân sự 2005 (sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2016 tới) đặc biệt, biện pháp thế chấp đã có nhiều thay đổi rõ nét, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ thế chấp. Bài viết dưới đây PHAMLAW chủ yếu đề cập đến những điểm mới trong việc bảo vệ quyền của bên nhận thế chấp cho Quý bạn đọc, Quý khách hàng có thể tham khảo.

Quyen Cua Nguoi Nhan The Chap Theo Quy Dinh Cua Bo Luat Dan Su 2015
Quyền của người nhận thế chấp theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

Mở rộng các trường hợp xử lý tài sản thế chấp

Bộ luật dân sự 2005 quy định căn cứ xử lý tài sản thế chấp tại điều 355, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Bộ luật dân sự 2015 quy định tại điều 299, theo đó, tài sản thế chấp bị xử lý trong các trường hợp:

  • Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;
  • Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật;
  • Trường hợp do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Luật mới đã mở rộng hơn các trường hợp xử lý tài sản thế chấp, trong đó cho phép các bên được thỏa thuận với nhau để thực hiện việc bảo đảm theo đúng tính chất của một giao dịch dân sự đồng nghĩa với nới rộng quyền của bên nhận thế chấp.

Về quyền xử lý tài sản bảo đảm

Như ở trên đã trình bày, thì Bộ luật dân sự 2005 đưa ra căn cứ xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc vào ý chí của bên bảo đảm, nghĩa là tài sản chỉ được xử lý khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thỏa thuận. Trong khi xử lý tài sản thế chấp đòi hỏi sự dịch chuyển quyền sở hữu tài sản từ bên thế chấp sang bên nhận thế chấp, nên trong nhiều trường hợp, bên thế chấp thiếu tinh thần hợp tác, không chịu giao tài sản.

Để khắc phục vấn đề này, Bộ luật dân sự 2015 đã có sự đổi mới đặc biệt khi quy định về quyền truy đòi tài sản bảo đảm và quyền ưu tiên thanh toán của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm. Cụ thể, tại điều 297 Bộ luật dân sự 2015:

“1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.

2. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Theo đó, hiệu lực đối kháng với người thứ ba phát sinh thông qua nắm giữ (hoặc chiếm giữ) tài sản bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm. Việc quy định như vậy là phù hợp với những nguyên tắc về chiếm hữu thực tế mà Bộ luật dân sự 2015 muốn làm rõ: chủ thể nào đang nắm giữ trực tiếp tài sản thì được suy đoán là chủ thể có quyền đối với tài sản được nắm giữ. Nguyên tắc này thể hiện tại điều 184, suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu: “Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh. Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền dó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền.”

Về đăng ký biện pháp bảo đảm

Bộ luật dân sự 2005 yêu cầu các bên phải tiến hành đăng ký giao dịch bảo đảm, được hướng dẫn theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm. Bản chất của đăng ký giao dịch bảo đảm là việc đăng ký với cơ quan nhà nước về hình thức các bên thỏa thuận về biện pháp bảo đảm, để Nhà nước thực hiện quản lý, kiểm soát các loại giao dịch và loại tài sản, xác định giao dịch có giá trị pháp lý với người thứ ba.

Trái với việc yêu cầu các bên đăng ký giao dịch bảo đảm, thì Bộ luật dân sự 2015 đi theo hướng “đăng ký biện pháp bảo đảm” được quy định tại điều 298: “1. Biện pháp bảo đảm được đăng ký theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật”. Ý nghĩa của đăng ký giao dịch bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảo là hoàn toàn khác nhau: biện pháp bảo đảm chỉ là là một phần trong giao dịch bảo đảm, và các bên trong giao dịch có thể tiến hành đăng ký biện pháp bảo đảm. Khi đó, biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, là căn cứ để bên nhận thế chấp có quyền truy đòi tài sản cũng như quyền ưu tiên thanh toán đối với tài sản thế chấp.

Về thế chấp quyền sử đụng đất

Bộ luật dân sự 2005 quy định về thế chấp quyền sử dụng đất tại một chương riêng, từ điều 715 đến điều 721, quy định về hợp đồng, phạm vi thế chấp, quyền, nghĩa vụ của các bên cũng như xử lý quyền sử dụng đất khi nghĩa vụ đến hạn. Khác với Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật dân sự 2015 không còn quy định riêng về thế chấp quyền sử dụng đất, mà chỉ ra các trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của bên thế chấp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất, theo điều 325 và điều 326.

Bộ luật dân sự 2015 chỉ quy định hai trường hợp như trên mà không tách riêng như bộ luật trước đó cũng là một sự thay đổi hợp lý, bởi đã có những quy định chung về giao dịch bảo đảm; quy định về thế chấp tài sản đã được nêu ra từ điều 317 đến điều 327, gồm: tài sản thế chấp; quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ thế chấp; chấm dứt tài sản thế chấp.

Mặt khác, trong thực tế, nhiều tình huống xảy ra khiến bên nhận thế chấp không thể xử lý quyền sử dụng đất do bên thế chấp có tài sản trên đất. Để giải quyết được, bên nhận thế chấp buộc phải khởi kiện ra Tòa án để đòi lại tài sản, gây mất thời gian, tốn kém tiền bạc, công sức. Vấn đề này sẽ được khắc phục theo Bộ luật dân sự 2015 sắp có hiệu lực tới đây, tài sản gắn liền với đất sẽ được xử lý cùng quyền sử dụng đất nếu thế chấp quyền sử dụng đất.

Nhìn chung, “Quyền của người nhận thế chấp theo quy định của Bộ luật dân sự 2015” đã có nhiều thay đổi theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên nhận thế chấp. Trong đó đáng chú ý nhất phải nhắc tới quyền truy đòi tài sản, ưu tiên thanh toán tài sản thế chấp; và sự thay đổi về quy định các trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất/tài sẳn gắn liền với đất. Quy định này tạo điều kiện cho người nhận thế chấp có quyền chủ động khi nghĩa vụ đến hạn.

 

 

 

Rate this post