An sinh xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành
An sinh xã hội là gì ?
An sinh xã hội (ASXH) là hệ thống chính sách, các chương trình của Nhà nước và của các tổ chức xã hội nhằm trợ giúp, giúp đỡ toàn xã hội, các cá nhân gặp phải rủi ro hoặc biến cố xã hội để đảm bảo mức sống tối thiểu và nâng cao đời sống của họ.
An sinh xã hội là một trong những lĩnh vực có đối tượng thụ hưởng rất lớn liên quan đến quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân. Do vậy, an sinh xã hội góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội khi họ không may gặp phải những “rủi ro xã hội” hoặc các “biến cố xã hội” dẫn đến ngừng hoặc giảm thu nhập. Phương thức hoạt động của an sinh xã hội là thông qua các biện pháp công cộng tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội hướng tới sự hưng thịnh và hạnh phúc cho mọi người và cho xã hội.
Công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội là gì?
Công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội là nghĩa vụ của Nhà nước trong việc công bố, cung cấp thông tin chính sách, pháp luật về an sinh xã hội và việc thực hiện cho đối tượng thụ hưởng một cách chủ động, đầy đủ và rõ ràng để dân biết được, hiểu được; qua đó, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chính sách pháp luật về an sinh xã hội.
Biểu hiện của công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội
Việc phân tích hệ thống pháp luật quy định về hoạt động công khai, minh bạch trong lĩnh vực an sinh xã hội sẽ được thực hiện trên năm trụ cột của hệ thống an sinh xã hội:
Việc làm, thu nhập và giảm nghèo
Đây là trụ cột có tính chất phòng ngừa rủi ro, bảo đảm cuộc sống cho người dân thông qua các chính sách, pháp luật về đảm bảo quyền việc làm với tiền lương và thu nhập trên cơ sở thỏa thuận cho người lao động và gia đình, đảm bảo được sự hài hòa về mặt lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động; đào tạo nâng cao tay nghề để người lao động bước vào thị trường lao động; hỗ trợ giảm nghèo cho các hộ gia đình có thu nhập dưới chuẩn nghèo để phát triển sản xuất tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo quy định của pháp luật, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trực tiếp quản lý nhà nước về việc làm, tiền lương, giảm nghèo có trách nhiệm thường xuyên thực hiện công khai, minh bạch một cách rõ ràng, cụ thể, đầy đủ về các nội dung thông tin về việc làm (Cục Việc làm), về tiền lương và thu nhập (Cục Quan hệ lao động và Tiền lương), về phát triển kỹ năng nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) và hỗ trợ giảm nghèo bền vững tiếp cận phát triển đa chiều (Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo và các chủ thể khác có liên quan) và phân cấp theo quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng, giúp những đối tượng thụ hưởng hiểu rõ những quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Đối với thu nhập của người lao động, thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện (Khoản 3 Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019).
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Đây là trụ cột được quan tâm nhất, nên yêu cầu các cơ quan phải thực hiện công khai, minh bạch kịp thời những nội dung có liên quan về chính sách, pháp luật về BHXH theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Nội dung công khai, minh bạch gồm: chính sách, chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; BHXH một lần, chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (TNLĐ&BNN) khi bị TNLĐ&BNN…
Trợ giúp xã hội
Đây là lĩnh vực có đông đối tượng thụ hưởng như: người già, người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người bị nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bom mìn,… Các chủ thể theo luật định thực hiện công khai, minh bạch về các quy định trong chính sách, pháp luật, các chế độ và quy trình, thủ tục xác định đối tượng hưởng trợ cấp xã hội bằng tiền mặt hàng tháng tại cộng đồng, chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập, chính sách trợ giúp xã hội đột xuất khi gặp sự cố bất ngờ (Điều 3 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP; Điểm b khoản 4 Điều III Quyết định số 488/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”).
Bảo đảm mức tối thiểu một số dịch vụ xã hội cơ bản
Đây là trụ cột rất quan trọng liên quan đến phúc lợi xã hội mà người dân được hưởng, nhất là các đối tượng như: người nghèo, nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã tích cực thực hiện công khai, minh bạch các chính sách về nhà ở xã hội, các điều kiện, tiêu chuẩn và đối tượng để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, giúp cho các đối tượng được hỗ trợ nhà ở như những người có thu nhập nhấp, hộ nghèo, người có công với cách mạng biết được những thông tin đó, góp phần nâng cao, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần (Điều 20, khoản 3 Điều 30 Nghị định số 100/2015/ NĐ-CP).
Cung cấp dịch vụ công về ASXH thông qua công tác xã hội chuyên nghiệp
Hoạt động công khai, minh bạch về công tác xã hội được thực hiện bởi các cơ quan, đơn vị quản lý của ngành lao động, thương binh và xã hội một cách thường xuyên, liên tục và nghiêm túc (bảo trợ xã hội, trẻ em, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, giảm nghèo,…). Các cơ quan, đơn vị quản lý tập trung giải thích, làm rõ, cung cấp những thông tin liên quan về chính sách, pháp luật về công tác xã hội, nhất là việc cấp giấy phép hoạt động của các cơ sở công tác xã hội, giấy phép hành nghề công tác xã hội của nhân viên công tác xã hội, giá dịch vụ công tác xã hội, hay như việc miễn, giảm thuế đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội,… theo yêu cầu, đề nghị của các tổ chức, cá nhân (Điều 30, Điều 41 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP; Khoản 5 Điều 3, Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 01/2017/TT-BLĐTBXH).
Tóm lại, việc công khai, minh bạch trong lĩnh vực ASXH của các chủ thể có thẩm quyền thực hiện có trách nhiệm đã được quy định khá rõ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó, người dân được tiếp cận và hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp tốt hơn từ các chính sách, pháp luật về ASXH có tính nhân văn sâu sắc, tạo điều kiện và cơ hội cho người dân nâng cao khả năng phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro bởi những tác động tiêu cực, biến cố trong cuộc sống, vươn lên hoà nhập với cộng đồng chung, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững đất nước.
Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Xem thêm: