Kỷ luật là gì? Quy định pháp luật về kỷ luật lao động 

Kỷ luật là gì?

Trong thực tiễn chúng ta hẳn từng nghe về kỷ luật Đảng viên, kỷ luật quân đội, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, kỷ luật lao động, kỷ luật học sinh, sinh viên hay kỷ luật bản thân… tùy vào phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của kỷ luật mà tên gọi của nó cũng khác nhau.

Tìm hiểu Kỷ luật là gì trong luật lao động
Tìm hiểu Kỷ luật là gì trong luật lao động

Song hiểu một cách chung nhất thì “kỷ luật” là những quy tắc được xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật, đạo đức xã hội, do cơ quan, tổ chức đặt ra tạo khuôn khổ ứng xử chung trong một tập thể để duy trì sự ổn định, trật tự nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong quản lý, công tác, lao động, rèn luyện.

Kỷ luật cũng có thể do cá nhân tự đặt ra cho chính bản thân mình nhằm mục đích tạo những nguyên tắc rèn luyện, sinh hoạt, học tập của bản thân hướng tới mục tiêu đặt ra.

Dưới góc độ pháp lý, kỷ luật là một biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm của một cá nhân trong một tập thể, tổ chưc, cơ quan, doanh nghiệp.

Đặc điểm của kỷ luật 

– Kỷ luật được xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật và đạo đức xã hội

– Kỷ luật được đặt ra trong cơ quan, tổ chức mang tính bắt buộc đối với đối tượng chịu sự điều chỉnh;

– Kỷ luật trong các cơ quan, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau sẽ khác nhau;

– Kỷ luật chỉ có được thông qua ý thức và rèn luyện của cá nhân.

Hình thức biểu hiện của kỷ luật

Kỷ luật luôn phải được biểu hiện dưới dạng quy tắc ứng xử, tại các cơ quan đơn vị sẽ phải được thể hiện bằng văn bản và trình bày nội dung chi tiết.

Ví dụ: kỷ luật lao động được ban hành trong nội quy lao động của doanh nghiệp, trong đó xác định rõ các vấn đề về thời gian làm việc, công nghệ, quy trình điều hành quản lý, các hành vi vi phạm kỷ luật và hình thức xử phạt tương ứng.

Đối với cá nhân, kỷ luật có thể không cần phải được thể hiện bằng văn bản mà nó ở trong ý thức, tư duy, nguyên tắc sống, làm việc. Ví dụ: luôn làm việc có kế hoạch, tuân thủ theo đúng kế hoạch; luôn đúng giờ bằng cách sớm hơn; quản lý tốt thời gian của bản thân; Giữ thái độ tích cực, lạc quan.

Ý nghĩa của kỷ luật

Không nghiễm nhiên mà kỷ luật lại cần phải được đặt ra nếu như nó không mang lại những lợi ích, giá trị nhất định cho người đặt ra và người chịu điều chỉnh.

Một cá nhân có tính kỷ luật sẽ là một nhân tố quan trọng làm nên tính kỷ luật trong cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập. Song trong thực tiễn đời sống, không phải cá nhân nào cũng rèn luyện được cho mình tính kỷ luật. Do đó, khi cùng chung sống, làm việc để tạo nên một cộng đồng, một tổ chức, cơ quan có kỷ luật thì cần có kỷ luật chung đặt ra.

Kỷ luật là quy tắc chung được đặt ra nhằm đảm bảo những người chịu sự tác động của kỷ luật này sẽ không thực hiện hành vi vượt ra ngoài những quy định đã đặt ra làm ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả quản lý. Cùng với đó, người có hành vi vi phạm kỷ luật sẽ phải chấp hành những biện pháp xử lý đã được ấn định trước đó, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới công việc, tới thành tích, tới thu nhập của người vi phạm mà khiến người chịu sự điều chỉnh của kỷ luật sẽ có ý thức hơn trong việc chấp hành, thực hiện đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong công việc, trong công tác, trong học tập. Từ đó trật tự trong tổ chức, cơ quan, đơn vị được xác lập bền chặt.

Kỷ luật góp phần tạo nên thành công của tổ chức, tập thể và là tiền đề cho sự phát triển của xã hội nói chung. Cơ quan, tổ chức có kỷ luật sẽ là một môi trường làm việc văn minh, chuẩn mực, góp phần tạo nên Nhà nước kỷ luật, phát triển vững mạnh, ổn định giữ vững niềm tin trong nhân dân.

Có thể minh họa bằng kỷ luật lao động để bạn đọc hiểu rõ ý nghĩa của kỷ luật. Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định. Mỗi doanh nghiệp để ổn định và phát triển bền vững cần có nội quy lao động quy định về thời gian làm việc, công nghệ và điều hành sản xuất để người lao động theo đó mà thực hiện, cùng với đó ghi nhận các hành vi vi phạm kỷ luật và các biện pháp xử lý tương ứng để người lao động biết mà tránh vi phạm. Điều này có ý nghĩa không chỉ đối với doanh nghiệp mà có ý nghĩa cả với người lao động. Người lao động chấp hành tốt kỷ luật đặt ra luôn đạt được hiệu quả cao trong công việc, được khen thưởng, tăng thu nhập. Doanh nghiệp có những người lao động chấp hành tốt kỷ luật lao động sẽ vận hành một cách thuận lợi, đạt được mục tiêu sản xuất, kinh doanh, phát triển vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung trong nền kinh tế của quốc gia.

Quy định về kỷ luật lao động

Cơ sở pháp lý

Bộ luật Lao động 2019.

Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động 2019.

Kỷ luật lao động được pháp luật điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng cả người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Các hình thức kỷ luật lao động

Căn cứ Điều 124 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có thể bị xử lý kỷ luật lao động dưới các hình thức sau:

– Khiển trách.

– Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

– Cách chức.

– Sa thải.

Nguyên tắc khi xử lý kỷ luật lao động

– Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động. Trường hợp không chứng minh được thì sẽ không có căn cứ để xử lý kỷ luật đối với người lao động.

– Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động thuộc các đối tượng sau:

+ Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động.

+ Đang bị tạm giữ, tạm giam.

+ Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi phạm.

+ Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp… Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)