Pháp luật về tảo hôn

Pháp luật về tảo hôn

Tảo hôn là gì?

Trong thời gian gần đây, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại và có chiều hướng gia tăng tại các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa,… để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cá nhân, gia đình và xã hội và đồng thời còn vi phạm đến các quy định của pháp luật.

Khái niệm về tảo hôn được quy định tại khoản 8, Điều 3, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 với nội dung như sau: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014”, theo đó độ tuổi kết hôn mà luật quy định như sau:

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên…

Tảo hôn cũng là một trong những hành vi mà Luật Hôn nhân gia đình 2014 cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình (theo điểm b, khoản 2, Điều 5, Luật Hôn nhân và gia đình 2014).

Như vậy có thể hiểu, việc nam chưa đủ 20 tuổi trở lên mà lấy vợ hoặc nữ chưa đủ 18 tuổi trở lên mà lấy chồng hoặc vợ chồng kết hôn mà chồng chưa đủ 20 tuổi, vợ chưa đủ 18 tuổi thì sẽ bị coi là tảo hôn, điều này vi phạm quy định của pháp luật.

Ví dụ: M năm nay 17 nhưng đã có vợ là T năm nay cũng chỉ mới 16 tuổi. Việc kết hôn của M và T chính là tảo hôn, và là hành vi bất hợp pháp, vì cả hai đều chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Phap Luat Ve Tao Hon.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn

Thứ nhất, xuất phát từ trình độ dân trí và sự hiểu biết pháp luật của một bộ phận người ở vùng sâu vùng xa, những người dân tộc thiểu số,… Cuộc sống của họ khó khăn, lại sống xa, thậm chí gần như tách biệt với cuộc sống hiện đại khiến cho vốn hiểu biết của họ còn hạn chế.

Thứ hai, do những hủ tục lạc hậu của một vài dân tộc ít người vẫn còn tồn tại, và nhiều khi nó không còn đúng trong xã hội hiện nay.

Thứ ba, do hoàn cảnh khó khăn khiến một số học sinh phải bỏ dở việc học để lấy vợ, lấy chồng, đi làm kinh tế.

Thứ tư, một phần nguyên nhân từ việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi người chưa được tốt, hoặc không xử lý triệt để đối với những trường hợp vi phạm.

Hậu quả của việc tảo hôn

Hậu quả trên thực tế:

Tảo hôn để lại hậu quả rất nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ em, nhất là đối với những em nữ khi kết hôn và mang thai quá sớm. Bởi lẽ, việc kết hôn khi chưa trưởng thành và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên – lúc cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và chưa sẵn sàng tâm lý sẽ gây ảnh hưởng lớn đến bản thân người mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, bị Down, dị tật, thường xuyên đau ốm, yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở một số vùng đặc biệt, và cũng là nguyên nhân làm gia tăng dân số nhanh nhưng lại giảm chất lượng, từ đó trở thành gánh nặng cho xã hội.

Tảo hôn khiến trẻ em mất đi cơ hội đến trường học tập, khiến trình độ dân trí ngày càng tụt giảm. Không những thế, việc nghỉ học qua sớm khiến cho các em mất đi rất nhiều thứ: về kiến thức, về cơ hội phát triển,… các em không được sống đúng với lứa tuổi của mình, phải đối mặt với nhiều gánh nặng trong cuộc sống như: cơm, áo, gạo, tiền.

Tảo hôn cũng là một trong những hành vi tạo ra khoảng cách đối với sự phát triển của các vùng miền.

Tảo hôn cũng khiến cho nền kinh tế chung của đát nước bị ảnh hưởng, khi những cặp vợ chồng còn quá nhỏ để có được một công ăn việc làm ổn định để nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình, từ đó dẫn đến tình trạng nghèo nàn, lạc hậu.

Hậu quả pháp lý của tảo hôn 

Do tảo hôn là hành vi mà Luật Hôn nhân gia đình nghiêm cấm, nên những người tảo hôn sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý do hành vi này gây ra. Cụ thể:

+ Sẽ bị hủy kết hôn trái pháp luật. Việc hủy kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và pháp luật về tố tụng dân sự. Khi việc tảo hôn bị hủy, hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

Tuy nhiên, tại thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật do tảo hôn mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định và cả hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó.

+ Bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

+ Ngoài ra, người tổ chức tảo hôn cũng có thể chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa dổi, bổ sung năm 2017 về Tội tổ chức tảo hôn như sau: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”.

Nhìn chung, tảo hôn là hành vi bị pháp luật cấm và gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt trong xã hội. Chính vì thế cần có những biện pháp xử lý triệt để hành vi này để đảm bảo quyền lợi cho chính những nạn nhân của những cuộc tảo hôn và góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về Pháp luật về tảo hôn theo quy định hiện hành. Nếu còn vướng mắc, quý khách hàng có thể kết nối tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu để được hỗ trợ.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)