Thanh lý tài sản khi giải thể doanh nghiệp

Tóm tắt câu hỏi: Thanh lý tài sản khi giải thể doanh nghiệp

 (gửi từ bạn có mail: nguyendung.hlt@….)

Xin chào Luật sư Phạm Law! Tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn như sau: Công ty của tôi là công ty TNHH một thành viên. Sắp tới tôi định giải thể công ty, tuy nhiên, tôi không hiểu thanh lý tài sản của công ty bằng cách nào, tài sản công ty toàn bộ là do tiền công ty mua (100% phần vốn góp là do tôi bỏ vốn) thì có đương nhiên thuộc quyền sở hữu của tôi không. Vậy nhờ Luật sư tư vấn cho tôi biết tài sản của công ty có đương nhiên thuộc quyền sở hữu của tôi không? Nếu không, tôi có thể thanh lý tài sản khi giải thể doanh nghiệp bằng cách mua lại tài sản công ty không? Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư!

Thanh lý tài sản khi giải thể doanh nghiệp
Thanh lý tài sản khi giải thể doanh nghiệp

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn pháp luật của công ty Luật Phạm Law. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thanh lý tài sản là gì?

Thanh lý tài sản được hiểu là thủ tục giải quyết bán hoặc huỷ bỏ những tài sản bị hao mòn qua quá trình sử dụng đã cũ. Trong thương mại, thuật ngữ này thường được dùng trong thanh lý tài sản cố định. Khi đó, kế toán phải tiến hành làm các thủ tục: lập biên bản, theo dõi chi phí và thu nhập trong thanh lý, quyết toán và ghi kết quả thanh lý (thu nhập hoặc tổn thất về thanh lí) vào sổ (tài khoản) theo quy định.

Theo như dữ liệu bạn cung cấp, công ty của bạn là Công ty TNHH một thành viên, do vậy vấn đề tài sản của công ty bạn theo khoản 3 Điều 77 Luật Doanh nghiệp 2020 “Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.”. Chính vì vậy, tài sản của công ty bạn dù do bạn bỏ vốn 100% nhưng dưới danh nghĩa của công ty thì là tài sản của công ty. Tài sản này sẽ phải được tách biệt với tài sản, chi tiêu cá nhân và gia đình của chủ bạn.

Căn cứ khoản 1 điều 38 Văn bản hợp nhất 04/2020/VBHN-BTC quy định:

“Đối với các tài sản cố định (TSCĐ) đã khấu hao hết (đã thu hồi đủ vốn), nhưng vẫn còn sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì không được tiếp tục trích khấu hao”.

Các TSCĐ chưa tính đủ khấu hao (chưa thu hồi đủ vốn) mà đã hư hỏng, cần thanh lý, thì phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý bồi thường và phần giá trị còn lại của TSCĐ chưa thu hồi, không được bồi thường phải được bù đắp bằng số thu do thanh lý của chính TSCĐ đó, số tiền bồi thường do lãnh đạo doanh nghiệp quyết định.

Hồ sơ thanh lý tài sản

  • Biên bản họp Hội đồng thanh lý tài sản;
  • Quyết định Thanh lý tài sản;
  • Biên bản kiêm kê tài sản cố định
  • Biên bản đánh giá lại tài sản;
  • Biên bản thanh lý tài sản;
  • Hợp đồng kinh tế bán tài sản được thanh lý.
  • Hóa đơn bán tài sản;
  • Biên bản giao nhận tài sản;
  • Biên bản hủy tài sản;
  • Thanh lý hợp đồng kinh tế bán TSCĐ.

Tiến hành thanh lý tài sản

Đầu tiên, nếu tài sản thanh lý có giá trị lớn, phức tạp, căn cứ Điều lệ công ty, Giám đốc doanh nghiệp cần xác định phân cấp xử lý tài sản sau đó xin ý kiến của chủ sở hữu doanh nghiệp về việc thanh lý tài sản. Đặc biệt, với những doanh nghiệp có vốn Nhà nước, cần tham khảo ý kiến chủ sở hữu thông qua đại diện tại doanh nghiệp; nếu là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, ý kiến thanh lý tài sản phải là của cơ quan được giao quản lý vốn Nhà nước: Bộ Tài chính; UBND tỉnh dưới hình thức bằng văn bản.

Quy trình thủ tục thanh lý tài sản được thực hiện theo trình tự quy định tại điểm c khoản 3.2 Điều 35 Văn bản hợp nhất 04/2020/VBHN-BTC gồm: Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản; sau đó, Hội đồng thanh lý tài sản sẽ đánh giá chất lượng, giá trị còn lại của tài sản sau thời gian doanh nghiệp sử dụng; quyết định thanh lý tài sản theo hình thức bán hoặc bán đấu giá tài sản; và lập Biên bản thanh lý tài sản sau khi tiến hành thanh lý. Cụ thể:

Bước 1: Đề nghị thanh lý tài sản

Căn cứ kết quả kiểm kê tài sản, quá trình theo dõi sử dụng, bộ phận quản lý tài sản của công ty sẽ làm đề nghị thanh lý tài sản gửi người có thẩm quyền (giám đốc công ty, giám đốc chi nhánh).

Đặc biệt, với những doanh nghiệp có vốn Nhà nước, cần tham khảo ý kiến chủ sở hữu thông qua đại diện tại doanh nghiệp; nếu là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, ý kiến thanh lý tài sản phải là của cơ quan được giao quản lý vốn Nhà nước: Bộ Tài chính; UBND tỉnh dưới hình thức bằng văn bản.

Bước 2: Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản.

Giám đốc công ty TNHH một thành viên ra quyết định thanh lý tài sản công ty, trong đó thành lập hội đồng thanh lý tài sản, bao gồm các thành viên trong công ty và trường hợp cần thiết cần có cán bộ kỹ thuật có chuyên môn liên quan đến tài sản cần thanh lý.

Hội đồng thanh lý tài sản có nhiệm vụ thống kê lại số lượng, phân loại tài sản, thu thập các giấy tờ, hồ sơ kỹ thuật có liên quan đến tài sản; đồng thời, kiểm tra đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, từ đó xác định giá trị tài sản. Và tổ chức, thực hiện việc thanh lý tài sản.

Bước 3: Kiểm tra, đánh giá chất lượng và giá trị còn lại của tài sản

Để đánh giá chất lượng còn lại của tài sản, hội đồng thanh lý có thể dựa trên các yếu tố như: sổ theo dõi chế độ bảo hành, những hỏng hóc gặp phải trong quá trình sử dụng và số lần bảo trì, sửa chữa tài sản; mức độ tiêu hao nhiên liệu; và mức độ cần thiết của tài sản đó.

Dựa trên đánh giá chất lượng còn lại, Hội đồng thanh lý cần xác định giá trị còn lại của tài sản. Sau đó, lựa chọn hình thức thanh lý đối với từng loại tài sản.

Trường hợp việc xác định giá trị tài sản quá phức tạp, Hội đồng thanh lý không đủ khả năng hoặc thời gian để thực hiện thì có thể thuê tổ chức thẩm định giá tài sản thực hiện việc thẩm định giá tài sản.

Hình thức thanh lý có thể lựa chọn một trong ba hình thức sau tùy thuộc loại hình doanh nghiệp, nguồn vốn chủ sở hữu, và nguồn vốn tạo lập tài sản:

  • Bán chỉ định, hoặc thông báo bán công khai;
  • Bán đấu giá tài sản.

Bước 4: Bán tài sản

Tùy từng loại tài sản cũng như hình thức bán tài sản cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật tương ứng: luật doanh nghiệp, luật dân sự, luật thương mại và luật đấu giá tài sản. Hội đồng thanh lý tài sản có thể thành tập tổ bán tài sản, hoặc thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trường hợp thực hiện bán đấu giá tài sản.

Lưu ý: Việc mua bán tài sản doanh nghiệp cần phải được lập thành hợp đồng mua bán, và có xuất hóa đơn.

Sau khi hoàn tất việc bán tài sản, khoản thu từ hoạt động thanh lý tài sản sẽ được dùng để thực hiện thanh toán khoản nợ và nghĩa vụ tài chính còn lại của doanh nghiệp giải thể (nếu có). Phần còn lại sau khi thực hiện xong nghĩa vụ và hoàn tất thanh toán khoản nợ, sẽ được chia cho các thành viên công ty theo tỷ lệ phần vốn góp.

Trên đây là tư vấn của công ty TNHH tư vấn PhamLaw về Thanh lý tài sản khi giải thể doanh nghiệp. Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của công ty TNHH tư vấn PhamLaw. Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.

Xem thêm:

4.3/5 - (11 bình chọn)