Lương, thưởng của người lao động theo Bộ luật Lao động mới
Là người lao động là người làm công ăn lương trong quan hệ lao động. Có thể nói vấn đề mà người lao động quan tâm hàng đầu trong quá trình lao động là vấn đề lương, thưởng. Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thay thế cho Bộ luật Lao động năm 2012 có nhiều thay đổi trong các quy định về chế độ lương thưởng của người lao động. Những thay đổi này theo hướng bảo đảm hiệu quả hơn quyền và lợi ích của người lao động. Vì vậy người lao động nên cập nhật các thông tin thay đổi để có thể bảo vệ được quyền và lợi cíh của mình. Để làm rõ hơn vấn đề này, Luật Phamlaw giới thiệu tới quý khách hàng bài viết sau đây:
1. Điểm mới về nghỉ hưởng nguyên lương
Sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Lao động năm 2019 về các trường hợp người lao động nghỉ việc và được hưởng nguyên lương như sau:
– Nghỉ lễ, tết (khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019): Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
Tết Âm lịch: 05 ngày;
Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Trong trường hợp nghỉ lễ, tết mà hưởng nguyên lương, Bộ luật Lao động đã tăng ngày nghỉ quốc khánh từ 01 ngày lên 02 ngày. Theo đó đến ngày Quốc khánh người lao động được nghỉ 02 ngày và được hưởng nguyên lương 02 ngày đó.
– Nghỉ việc riêng (khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019): Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Trong trường hợp này, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có quy định khác so với Bộ luật Lao động năm 2012 về cách dùng thuật ngữ. Cụ thể quy định rõ “con” trong Bộ luật Lao động năm 2012 thành “con đẻ, con nuôi” trong Bộ luật Lao động năm 2019.
Mặt khác, Bộ luật Lao động năm 2019 còn bổ sung thêm trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì người lao động được nghỉ 3 ngày và hưởng nguyên lương.
2. Điểm mới về trường hợp trả lương không đúng hạn
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định trong trường hợp người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước với người sử dụng lao động ( điểm b khoản 2 Điều 35). Điều này trái ngược hoàn toàn với Bộ luật Lao động năm 2012 khi bộ luật này quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không trả lương đúng hạn thì người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động biết.
Trường hợp tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không báo trước trong Bộ luật Lao động năm 2019 này có trường hợp ngoài lệ đó chính là:
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương. (khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019)
3. Điểm mới về bảo vệ thai sản cho phụ nữ mang thai
Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định cụ thể hơn về trường hợp người lao động nữ mang thai được chuyển công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc mỗi ngày những vẫn hưởng đủ lương, cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 137:
Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trong khi Bộ luật Lao động năm 2012 quy định chế độ này chỉ áp dụng với lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07 (khảon 2 Điều 155).
Qua đó có thể thấy Bộ luật Lao động đã có những thay đổi mang tính nhân văn cao khi chú trọng tới việc bảo vệ đời sống sức khỏe, vật chất và tinh thần cho người lao động nữ khi mang thai.
4. Điểm mới về nguyên tắc trả lương
Khoản 2 Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định về việc người sử dụng lao động không được ép người lao động dùng lương mua hàng hóa, dịch vụ của mình hay đơn vị khác, cụ thể:
Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
5. Điểm mới về thưởng
Bộ luật Lao động năm 2019 đã có sự đổi mới trong các hình thức thưởng cụ thể tại Điều 104:
Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Vậy, người sử dụng lao động có thể sử dụng nhiều hình thức để thưởng cho người lao động: có thể là tiền, có thể là tài sản, có thể là hình thức khác. Mà không phải chỉ thưởng bằng tiền như quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012.
Xem thêm: >>> Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc theo Bộ luật Lao động mới