Tập quán theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành
Tập quán là gì?
Tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 có định nghĩa về tập quán như sau:
Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
Cũng theo Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Nguyên tắc áp dụng tập quán theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015
Nguyên tắc áp dụng tập quán theo quy định của BLDS 2015 là những tư tưởng cơ bản chỉ đạo hoạt động áp dụng tập quán trong điều chỉnh các quan hệ dân sự. Những nguyên tắc này được quy định tại Điều 5 BLDS 2015. Cụ thể như sau:
“ 1. Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
2. Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.
Trong Bộ luật Dân sự 2015 quy định một số nội dung liên quan đến việc áp dụng tập quán. Cụ thể:
– Trường hợp áp dụng tập quán để xác định họ của con (Điều 26) đã ghi nhận:
“2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán.”
– Trường hợp áp dụng tập quán để xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29) ghi nhận:
2. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
– Trường hợp áp dụng tập quán để bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và thừa kế, cụ thể tại Khoản 4, Điều 603 về việc quy định bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:
“Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.
– Trường hợp áp dụng tập quán để xác định ranh giới giữa các bất động sản (Điều 175):
“1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.”
– Tập quán trong xác lập quyền sở hữu chung (Điều 208)
Quyền sở hữu chung được xác lập theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.
– Tập quán trong sở hữu chung của cộng đồng (Điều 211).
Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
– Tập quán trong xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc (Điều 231).
Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.
– Tập quán trong hụi (Điều 471).
Họ, hụi, biêu, phường là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
– Trả tiền thuê trong hợp đồng thuê tài sản (Điều 481).
Bên thuê phải trả đủ tiền thuê đúng thời hạn đã thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả tiền thuê thì thời hạn trả tiền thuê được xác định theo tập quán nơi trả tiền; nếu không thể xác định được thời hạn theo tập quán thì bên thuê phải trả tiền khi trả lại tài sản thuê.
– Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 603).
Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Áp dụng tập quán như thế nào?
Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lầu trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự. Tập quán là nguồn áp dụng của luật dân sự.
Áp dụng tập quán được hiểu là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào tập quán của địa phương hoặc tập quán của một dân tộc để giải quyết các tranh chấp phát sinh tại địa phương hoặc dân tộc theo cách ứng xử của tập quán đó nếu trong pháp luật dân sự chưa có sẵn quy phạm để áp dụng trực tiếp. Hiện nay, trên cả nước ta, ở mỗi địa phương, vùng miền tồn tại nhiều tập quán từ xa xưa khác nhau. Những tập quán này là nguồn áp dụng quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các bên.
Điều kiện áp dụng tập quán
Thứ nhất, phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự. Các quan hệ này là những quan hệ nhân thân hoặc quan hệ tài sản hình thành trên cơ sở bình đẳng địa vị pháp lý, chủ thể tham gia hoàn toàn tự do, tự nguyện, các chủ thể tự chịu trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm nghĩa vụ.
Thứ hai, pháp luật không quy định riêng và các bên không thoả thuận. Trong nguyên tắc áp dụng thì trước tiên quy định của pháp luật được ưu tiên áp dụng giải quyết. Bên cạnh đó, luật dân sự cũng ghi nhận cho các chủ thể trong vụ việc dân sự được thỏa thuận để giải quyết vụ việc với điều kiện thỏa thuận không được vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Do đó, khi tranh chấp xảy ra mà đã có luật để giải quyết thì cần áp dụng luật hoặc nếu các bên có thỏa thuận thì giải quyết theo sự thống nhất của các bên chủ thể.
Thứ ba, có tập quán được áp dụng trong một địa phương, vùng, miền. Đây là điều kiện quan trọng để áp dụng tập quán bởi không phải vụ việc dân sự nào hay tranh chấp dân sự nào phát sinh cũng có tập quán tương thích để giải quyết.
Thứ tư, tập quán không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Khi áp dụng tập quán để giải quyết các tranh chấp xảy ra cần lưu ý một số trường hợp sau đây:
Một là, nếu các bên tranh chấp là người ở các địa phương khác nhau mà mỗi địa phương đều có tập quán về vấn đề đang tranh chấp trong khi tranh chấp đó lại xảy ra tại một địa phương khác không có tập quán thì không được áp dụng tập quán này.
Hai là, nếu các bên tranh chấp là người ở các địa phương khác nhau mà mỗi địa phương đều có tập quán về vấn đề đang tranh chấp trong khi tranh chấp đó lại xảy ra tại một địa phương khác cũng có tập quán thì áp dụng tập quán tại nơi xảy ra tranh chấp để giải quyết.
Trên đây là câu trả lời chi tiết của Luật sư PhamLaw đã theo quy định của pháp luật hiện nay. Nếu quý bạn đọc còn vướng mắc ở bất kỳ chỗ nào vui lòng kết nối đến số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được tư vấn luật nhanh chóng nhất!
Xem thêm: