Cảnh giác với hành vi mua bán thông tin
Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ bạn có email Anhthu…@gmail.com với nội dung câu hỏi như sau:
Hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều người rao bán công khai thông tin cá nhân của người khác. Tôi thấy hành vi này đang xâm phạm đến quyền cơ bản của công dân và bảo vệ thông tin cá nhân. Tôi muốn hỏi là pháp luật hiện nay đã có những chế tài xử lý đối với hành vi này chưa? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi. Cảm ơn Luật sư!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Bộ luật dân sự 2015
Văn bản hợp nhất 08/2022/VBHN-BTTTT
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Hành vi mua bán thông tin là gì?
Hành vi mua bán thông tin khách hàng là việc cá nhân, tổ chức mua, bán dữ liệu khách hàng của mình cho một bên thứ ba khác nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận.
Thủ đoạn hoạt động phạm tội nổi lên của các đối tượng là:
Một, Lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) và sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền để đánh cắp thông tin cá nhân của người dân.
Hai, Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đối tượng đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân (có thể trả cho người dân từ 100.000₫ – 300.000₫ trên mỗi căn cước công dân, chứng minh nhân dân được chụp), hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân.
Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, các đối tượng bán thông tin cho các đối tượng khác để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như: Làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ Công an, Toà án, Viện kiểm sát, hải quan, thuế… gọi điện đe doạ yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Đây là các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc… ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương.
2. Chế tài áp dụng đối với hành vi mua bán thông tin khách hàng
Thời gian qua, hoạt động thu thập, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, chứng minh nhân dân của người dân diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bên cạnh các quy định về quyền và nghĩa vụ của người chủ dữ liệu, người thu thập, xử lý dữ liệu, pháp luật Việt Nam còn quy định những chế tài xử phạt đối với các hành vi phát tán, chia sẻ thông tin cá nhân, tùy theo mức độ, hành vi mà tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
2.1 Xử phạt hành chính
Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 84 Văn bản hợp nhất 08/2022/VBHN-BTTTT quy định về vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân như sau:
Thứ nhất, Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
- Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.
Thứ hai, Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
- Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;
- Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm trên
Và căn cứ theo điểm a khoản 5, khoản 8, khoản 9 Điều 102 Văn bản hợp nhất 08/2022/VBHN-BTTTT quy định về vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin như sau: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông;
Hình thức xử phạt bổ sung:
- Tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm trên
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trên
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trên
- Buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông do thực hiện hành vi vi phạm trên
- Buộc thu hồi tên miền do thực hiện hành vi vi phạm trên
Và các mức phạt này áp dụng đối với tổ chức trong trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
2.2 Xử lý hình sự
Căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông như sau:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;
- Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
- Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Như vậy, pháp luật Việt Nam cũng đã có các chế tài khá nghiêm khắc với các đối tượng thu thập, sử dụng trái phép các thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Tùy vào mức độ vi phạm của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 46 hoặc theo điều 102 Văn bản hợp nhất 08/2022/VBHN-BTTTT. Người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự đến 7 năm tù về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).
3. Biện pháp ngăn chặn hành vi mua bán thông tin
Trước diễn biến phức tạp của tình hình trên, để phòng tránh tội phạm và những hệ lụy có liên quan, Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo:
Thứ nhất, Tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua căn cước công dân (chứng minh nhân dân) hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng.
Thứ hai, Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.
Thứ ba, Trường hợp bị mất căn cước công dân, chứng minh nhân dân, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của căn cước công dân, chứng minh nhân dân không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất căn cước công dân, chứng minh nhân dân; đồng thời phòng ngừa trường hợp số căn cước của công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật.
Thứ tư, Khi bị các đối tượng xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin căn cước công dân, chứng minh nhân dân để tiến hành các hoạt động phi pháp, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ. Trường hợp nghi ngờ/ phát hiện số căn cước công dân/ chứng minh nhân dân của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký thuê bao trả sau, cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao.
Thứ năm, Trong trường hợp phát hiện đối tượng mượn, chụp, thuê căn cước công dân hay chứng minh nhân dân; mời chào cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng đề nghị người dân tố giác và cung cấp ngay tài liệu, chứng cứ đến cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu biết đối tượng sử dụng căn cước công dân, tài khoản ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật, phạm tội nhưng bao che hoặc vẫn bán, cho thuê, cho mượn thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm./.
Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp người dân cảnh giác hơn đối với hành vi mua bán thông tin. Để bảo vệ hiệu quả thông tin, dữ liệu cá nhân, nhà nước cần tăng chế tài và có biện pháp xử lý mạnh hơn để răn đe những đối tượng có hành vi mua bán thông tin cá nhân trái phép. Nếu còn thắc mắc về nội dung, Quý khách hàng có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu.