Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc theo Bộ luật Lao động mới
Để đảm bảo đời sống sinh hoạt của người lao đống sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, pháp luật lao động quy định người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc. Theo đó, trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Nhưng không phải trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động nào người lao động cũng được trả trợ cấp thôi việc mà người lao động phải đáp ứng các điều kiện hưởng nhất định.
Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 thay thế cho Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định cụ thể về điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc của người lao động. Các điều kiện này được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể:
Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2019.
Theo đó có thể thấy, để được hưởng trợ cấp thôi việc theo Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất. Thuộc các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật.
Các trường hợp này được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể:
– Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật Lao động năm 2019.
– Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
– Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
– Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
– Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
– Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật Lao động năm 2019.
– Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2019.
Đây đều là những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật và chấm dứt theo các lý do tự nguyện. Pháp luật có quy định các trường hợp khác cũng là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật nhưng lại không được trợ cấp thôi việc vì những trường hợp này chấm dứt vì quan hệ lao động không thể tiếp tục được do vi phạm hoặc được hưởng một trợ cấp khác, cụ thể:
– Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
– Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật Lao động năm 2019.
– Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật Lao động năm 2019.
– Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
Thứ hai. Làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.
Thứ ba. Không thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc.
Các trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc bao gồm:
– Trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp này, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật và được hưởng lương hưu. Lúc này người lao động đã đưởng hưởng lương hưu rồi nên không được trả trợ cấp thôi việc nữa.
– Trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2019: Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên. Trong trường hợp này, người lao động đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên không có lý do gì để người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.
Xem thêm: >>> Trợ cấp thôi việc khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng