Người khởi kiện cần biết khi xét xử phúc thẩm

Người khởi kiện cần biết khi xét xử phúc thẩm

Căn cứ theo Điều 203 Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị”. Theo đó, chúng ta hiểu rằng việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính diễn ra khi và chỉ khi thỏa mãn hai điều kiện sau: Thứ nhất, bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật. Thứ hai, bản án, quyết định của Tòa án bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Tuy nhiên, việc kháng cáo hay kháng nghị vẫn phải đáp ứng những điều kiện về chủ thể, thời hạn… Vì kháng nghị thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nên trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến kháng cáo của đương sự.

Từ trước đến nay, đại đa số chúng ta vẫn sử dụng thuật ngữ kháng cáo, tuy nhiên trong phần giải thích từ ngữ của các văn bản luật lại thường không nêu cụ thể khái niệm này. Theo từ điển tiếng Việt  thì “kháng cáo là chống án lên Tòa án cấp trên yêu cầu xét xử lại”. Đây là một định nghĩa rất sát với những gì chúng ta ngầm hiểu. Tuy nhiên, định nghĩa này chưa chỉ ra được những đặc trưng về chủ thể, đối tượng, thời hạn… trong hoạt động kháng cáo.

Trong lĩnh vực pháp lý, cũng tồn tại khá nhiều khái niệm của các nhà nghiên cứu đưa ra, tựu chung lại ta có thể định nghĩa: Kháng  cáo  là  quyền  theo  luật  định  của  những  người  tham  gia  tố  tụng được đề nghị Tòa án cấp trên trực tiếp xét lại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đang còn trong thời gian kháng cáo.

1. Ai được quyền kháng cáo?

Căn cứ theo Điều 204 Luật TTHC 2015: “Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”.

Đương sự ở đây bao gồm bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân. Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, danh sách cử tri bị khởi kiện. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án nhân dân chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Người đại diện hợp pháp của đương sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện theo pháp luật có thể là một trong những người sau (trừ khi họ bị hạn chế quyền đại diện: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ; người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đứng đầu cơ quan, tổ chức do được bổ nhiệm hoặc bầu theo quy định của pháp luật; những người khác theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.

Trước khi đưa ra quyết định kháng cáo, các chủ thể tìm hiểu kỹ các vấn đề liên quan để tránh mất thời gian, tiền bạc không đáng có. Ví dụ, đối với người khởi kiện:

  • Họ cần biết họ tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm trong trường hợp nào, từ đó chuẩn bị những kỹ năng, tài liệu chứng cứ… cần thiết để bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cụ thể, trong trường hợp mà người khởi kiện là người kháng cáo thì họ cần phải xem xét kỹ những kết luận trong bản án sơ thẩm của Tòa án xem vì sao Tòa án lại kết luận như vậy và kết luận đó có cơ sở không? Từ đó để chuẩn bị cho mình những tài liệu, chứng cứ thuyết phục hơn để Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét.
  • Trường hợp người bị kiện kháng cáo, người khởi kiện không nên chủ quan cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xử cho mình thắng kiện nghĩa là chứng cứ và lý lẽ của họ đã đủ thuyết phục và họ chắc chắn nắm lợi thế trong phiên tòa phúc thẩm. Trong nhiều trường hợp, sau phiên tòa sơ thẩm, bên bị kiện phát hiện ra những điểm còn “yếu” trong luận cứ của bên khởi kiện nên họ quyết định kháng cáo để “đánh” vào những điểm yếu ấy. Do đó, người khởi kiện cần biết bên bị kiện kháng cáo những phần nào để chuẩn bị cho mình những cơ sở vững chắc nhất nhằm bác bỏ những luận điểm trong kháng cáo của bên bị kiện.
  • Tương tự với trường hợp viện kiểm sát có kháng nghị thì người khởi kiện cũng cần tìm hiểu lí do kháng nghị và chuẩn bị những phương án tốt nhất để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Làm sao để biết được những điều đó? Cách tốt nhất là sau khi nhận được thông báo kháng cáo, kháng nghị của Tòa án, người khởi kiện nên trực tiếp đến Tòa án cấp phúc thẩm để xin được xem, ghi chép, sao chụp lại những nội dung mà mình quan tâm (Điều 49, 50 Luật TTHC 2015).

2. Thời hạn kháng cáo?

Đối với mỗi đối tượng khác nhau, thời hạn kháng cáo cũng khác nhau. Theo quy định tại Điều 206 Luật TTHC 2015 thì:

  • Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo kể từ ngày tuyên án.
  • Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở trong trường hợp người có quyền kháng cáo là cơ quan, tổ chức.
  • Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giữ hoặc bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày làm đơn kháng cáo theo xác nhận của người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Ngoài ra, Luật TTHC 2015 còn có quy định kháng cáo quá hạn đối với những trường hợp có lý do khách quan, gặp trở ngại vì các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh… khiến cho người có quyền kháng cáo không thực hiện được quyền kháng cáo. Trong trường hợp này người làm đơn kháng cáo quá hạn phải có bản tường trình ghi rõ lý do kháng cáo quá hạn nộp đến Tòa án cấp sơ thẩm. Sau đó Tòa án cấp phúc thẩm sẽ tiến hành xem xét việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn.

3. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo; bổ sung chứng cứ mới

Người đã kháng cáo có thể thực hiện thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo theo Điều 218 Luật TTHC 2015, cụ thể:

Về thời điểm thực hiện thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo:

  • Thay đổi, bổ sung kháng cáo: thực hiện khi chưa hết thời hạn kháng cáo, trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc phiên tòa phúc thẩm.
  • Rút kháng cáo: thực hiện trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm.

Về hình thức thể hiện:

  • Đối với việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phải được lập thành văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho các đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo; thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo của đương sự.
  • Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Phạm vi thay đổi, bổ sung kháng cáo:

  • Trước khi hết thời hạn kháng cáo: người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu.
  • Sau khi hết thời hạn kháng cáo đến trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm: người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu.

Theo quan điểm của người viết, mặc dù pháp luật quy định việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trong giai đoạn phúc thẩm nhưng người có quyền kháng cáo nên cân nhắc thật kỹ việc có kháng cáo hay không để tránh tình trạng phải thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.

Song song với quyền kháng cáo và các quyền liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, người làm đơn kháng cáo có quyền bổ sung chứng cứ mới theo quy định tại Điều 219 Luật TTHC 2015: Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền bổ sung chứng cứ mới…”.

—————–

Lưu ý: Nội dung trên của chúng tôi chỉ mang tính tham khảo, nếu Quý bạn đọc có nhu cầu hỗ trợ hoặc muốn được tư vấn chuyên sâu trường hợp của bản thân vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu 1900 6284 để được tư vấn.

3.6/5 - (7 bình chọn)