Chế độ pháp lý về quản lý và sử dụng đất khu kinh tế

Chế độ pháp lý về quản lý và sử dụng đất khu kinh tế

Theo Luật đất đai năm 2013 thì đất sử dụng cho khu kinh tế gồm đất để xây dựng khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Để hiểu rõ hơn về chế độ pháp lý về quản lí và sử dụng đất khu kinh tế, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

Nghị định 82/2018/NĐ-CP

Nghị định 43/2014/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Đất khu kinh tế là gì?

Theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế ngày 22/5/2018:

Khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh. Khu kinh tế quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP bao gồm khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu.

– Khu kinh tế ven biển là khu kinh tế hình thành ở khu vực ven biển và địa bàn lân cận khu vực ven biển, được thành lập theo các điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định này

– Khu kinh tế cửa khẩu là khu kinh tế hình thành ở khu vực biên giới đất liền và địa bàn lân cận khu vực biên giới đất liền có cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính và được thành lập theo các điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định này.

Đất sử dụng cho khu kinh tế là diện tích đất sử dụng cho các khu chức năng gồm khu phi thuế quan, khu bảo thuế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác phù hợp với đặc điểm của từng khu kinh tế nhằm tạo môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư (khoản 1 Điều 151 Luật đất đai 2013).

2. Các quy định về đất sử dụng cho khu kinh tế

Khu kinh tế chỉ có thể thành lập hoặc hoạt động có hiệu quả khi gắn liền với các cửa khẩu thương mại do giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và các nước có đường biên giới chung, đặc biệt phù hợp cho các hoạt động đầu tư và xuất khẩu.

Tại điều 151 Luật Đất đai 2013 đã quy định các nội dung về đất sử dụng cho khu kinh tế:

Thứ nhất, Đất sử dụng cho khu kinh tế bao gồm đất để xây dựng khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đất sử dụng cho khu kinh tế là diện tích đất sử dụng cho các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, khu bảo thuế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác phù hợp với đặc điểm của từng khu kinh tế nhằm tạo môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Thứ hai, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất cho Ban quản lý khu kinh tế để tổ chức xây dựng khu kinh tế theo kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt trong quy hoạch chi tiết xây dựng của khu kinh tế.

Thứ ba, Ban quản lý khu kinh tế có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi để giao cho mình trước khi giao lại đất, cho thuê đất. Ban quản lý khu kinh tế được giao lại đất có thu tiền sử dụng đất, giao lại đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người có nhu cầu sử dụng đất trong các khu chức năng của khu kinh tế theo quy định tại các Điều 54, 55 và 56 của Luật đất đai 2013. Thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế là không quá 70 năm.

Thứ tư, Người sử dụng đất trong khu kinh tế được đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, kết cấu hạ tầng, được sản xuất, kinh doanh, hoạt động dịch vụ và có các quyền, nghĩa vụ như sau:

+ Trường hợp được Ban quản lý khu kinh tế giao lại đất trong khu kinh tế thì có các quyền và nghĩa vụ như được Nhà nước giao đất theo quy định của Luật đất đai 2013.

+ Trường hợp được Ban quản lý khu kinh tế cho thuê đất trong khu kinh tế thì có các quyền và nghĩa vụ như được Nhà nước cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai 2013.

Thứ năm, Nhà nước khuyến khích đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế và khuyến khích sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế.

Thứ sáu, Chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong khu kinh tế được áp dụng đối với từng loại đất theo quy định của Luật đất đai 2013.

Thứ bảy, Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế đã được Nhà nước giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn còn lại của dự án, không phải chuyển sang thuê đất. Khi hết thời hạn thực hiện dự án, nếu có nhu cầu được Ban quản lý khu kinh tế xem xét cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai 2013.

Khu kinh tế được thành lập nhằm mục đích khuyến khích đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất các loại hàng hóa phục vụ cho hoạt động xuất khẩu. Vì mục đích đó nên Nhà Nước dành nhiều ưu đãi đối với nhà đầu tư và cho phép thực hiện một cơ chế quản lý đặc biệt đối với đất khu kinh tế. Nhà nước thực hiện quản lý đất khu kinh tế, thẩm quyền quản lý của Nhà nước về đất đai thuộc khu kinh tế được phân quyền lớn cho Ban quản lý khu kinh tế.

3. Trách nhiệm quản lý đất đai của Ban quản lý khu kinh tế

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì trách nhiệm quản lý đất đai của Ban quản lý khu kinh tế bao gồm:

Phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

– Quyết định mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không được thấp hơn giá đất trong Bảng giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; mức miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo từng dự án đối với trường hợp giao lại đất, cho thuê đất phù hợp với quy định của Chính phủ;

– Thu hồi đất đã giao lại, cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các Điểm a, b, c, d, e, g và i Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai 2013; người sử dụng đất chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai 2013; quản lý quỹ đất đã thu hồi;

– Quy định trình, thủ tục hành chính về đất đai tại khu kinh tế;

– Gửi quyết định giao lại đất, cho thuê đất, gia hạn sử dụng đất, trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất đến Văn phòng đăng ký đất đai để đăng ký vào hồ sơ địa chính, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

4. Thực trạng hiện nay

Tận dụng các lợi thế về điều kiện tự nhiên, về vị trí địa kinh tế, đất khu kinh tế được giao đóng vai trò là những đầu mối giao thương quốc tế, làm cầu nối với các thị trường khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì vẫn còn một số hạn chế, bất cập đáng chú ý như sau:

Một là công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chậm, chưa phù hợp về thời gian, nội dung với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Hai là tính liên kết trong các khu kinh tế chưa được chú trọng đúng mức, việc liên kết vùng và liên kết ngành thiếu quy hoạch chung, thiếu sự kết nối, thậm chí là có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các khu kinh tế… dẫn đến làm giảm hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho các khu kinh tế.

VD : Một số doanh nghiệp xin đất để đầu cơ, xin đất , cho thuê đất chỉ nhằm mục đích chuyển nhượng kiếm lời hoặc để đầu cơ đất đai có tính chất dài hạn mà không quan tâm đến đầu tư trên đất để đất trống nhiều năm

Ba là Chất lượng các đồ án quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, nhiều đồ án quy hoạch chi tiết có chất lượng thấp, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ trong sử dụng đất cũng như chưa đầy đủ căn cứ pháp lý; Vấn nạn ô nhiễm môi trường xảy ra trong diện rộng, ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống xã hội của người dân.

5. Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chế độ pháp lý về quản lý và sử dụng đất khu kinh tế

Một là, Nhà nước cần nghiên cứu xem xét để ban hành Luật Khu kinh tế, Khu công nghiệp để đảm bảo tính pháp lý cao, thống nhất và đồng bộ trong quản lý, điều hành và hoạt động của Khu kinh tế, Khu công nghiệp.

Hai là, Cần ban hành cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho các Khu kinh tế để triển khai đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, bảo đảm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho các Khu kinh tế. Đặc biệt, cần thường xuyên giám sát, kiểm tra để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và điều phối hoạt động giữa các Khu kinh tế.

Trên đây là tư vấn của Phamlaw về chế độ pháp lý về quản lý và sử dụng đất khu kinh tế, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn thực hiện dịch vụ pháp lý, vui lòng liên hệ Luật Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (1 bình chọn)