Các nguyên tắc cơ bản của việc quy hoạch sử dụng đất

Các nguyên tắc cơ bản của việc quy hoạch sử dụng đất

Con người sinh ra, lớn lên nhờ vào đất và khi chết lại trở về với đất. Đất đai đóng vai trò quan trọng quyết định đối với sự sinh tồn của con người. Đất đai tham gia vào hầu hết quá trình sản xuất vật chất của xã hội. Do đó, việc sử dụng đất đai hợp lý, có hiệu quả, bảo vệ đất lâu bền cần phải có sự quy hoạch sử dụng đất phù hợp. Vậy các nguyên tắc cơ bản của việc quy hoạch sử dụng đất là gì? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi qua bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất là gì?

Nguyên tắc được hiểu là luận điểm gốc của học thuyết nào đó, tư tưởng chỉ đạo của quy tắc hoạt động hay là niềm tin, quan điểm đối với sự vật và chính quan điểm, niềm tin đó xác định quy tắc hành vi, đồng thời cũng có thể là nguyên lý cấu trúc hoạt động của bộ máy dụng cụ thiết bị nào đó.

Ngoài ra, nguyên tắc có thể là tư tưởng chủ đạo và định hướng cơ bản được thể hiện xuyên suốt toàn bộ hoặc một giai đoạn nhất định đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân theo.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật đất đai 2013 thì quy hoạch sử dụng đất là việc phân bố và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khi hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

Quy hoạch sử dụng đất là một hiện tượng kinh tế – xã hội có tính đặc thủ, đây là một hoạt động vừa mang tính khoa học, vừa mang tính pháp lý của một hệ thống các biện pháp kỹ thuật, kinh tế – xã hội được xử lý bằng các biện pháp phân tích, tổng hợp về sự phân bố địa lý của các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội để tổ chức lại việc sử dụng đất theo pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất hiện tại và tương lai của xã hội một cách tiết kiệm, khoa học và có hiệu quả cao nhất. Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất.

Như vậy, nguyên tắc quy hoạch sử dụng đấttư tưởng chủ đạo và định hướng cơ bản việc phân bố và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khi hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân theo.

2. Các nguyên tắc cơ bản của việc quy hoạch sử dụng đất hiện nay

Các quy luật phát triển kinh tế khách quan của phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa là yếu tố quyết định nội dung và phương pháp quy hoạch sử dụng đất. Nơi một cách khác, các quy luật đó đã điều khiển hoạt động của Nhà nước trong lĩnh vực phân phối và sử dụng tài nguyên đất. Quyền sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước là chủ thể đại diện là cơ sở để bố trí hợp lý các ngành tạo điều kiện để chuyên môn hóa sâu các vùng kinh tế và là một trong những điều kiện quan trọng nhất của bước quá độ từ nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu lên nền kinh tế sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Trong quá trình đó quy hoạch sử dụng đất đóng vai trò quan trọng. Thông qua quy hoạch Nhà nước thực hiện chức năng phân phối và phân phối lại quỹ đất nhằm đáp ứng nhu cầu về đất sử dụng cho các ngành, các chủ thể sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất còn là công cụ để nhà nước điều chỉnh các mối quan hệ đất đai, tiết lập thể chế quản lý, sử dụng tài nguyên đất, củng cố pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đặc trưng của quy hoạch sử dụng đất thể hiện qua 05 nguyên tắc cơ bản sau:

Một là tuân thủ nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại điện chủ sở hữu

Nguyên tắc này là cơ sở của mọi hoạt động và biện pháp có liên quan tới quyền sử dụng đất, là nguyên tắc quan trọng nhất trong hoạt động quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nó không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là một vấn đề chính trị quan trọng bởi đất đai đã được xã hội hóa thành sở hữu toàn dân Nhà nước là người có quyền đại diện toàn dân thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các hành vi xâm phạm đến quyển là lợi ích của các chủ thể sử dụng đất.

Khi quy hoạch dụng đất người ta đã lập nên đường ranh giới giữa các chủ thể sử dụng đất, giữa các loại đất, tức là đã xác định phạm vi quyền lợi giữa những người sử dụng đất với nhau. Người sử dụng đất chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu. Người sử dụng đất được mở rộng các quyền trong quá trình sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng cho thuê, thừa kế, thế chấp…, nhưng mọi thay đổi trong cơ cấu sử dụng đất phải được kịp thời phản ánh trong các tài liệu thích hợp để Nhà nước theo dõi, kiểm tra, giám sát.

Hai là sử dụng đất tiết kiệm, bảo vệ đất và bảo vệ thiên nhiên

Đất đai có một đặc tính quan trọng là nếu được sử dụng đúng và hợp lý thì chất lượng đất ngày càng tốt lên. Tính chất đặc biệt này của đất đòi hỏi chúng ta phải hết sức chú ý trong quá trình sử dụng đất. Một trong những vấn đề bảo vệ đất là ngăn ngừa và hạn chế quá trình xói mòn do gió và nước gây nên. Ngoài ra trong lĩnh vực bảo vệ đất, quy hoạch sử dụng đất không chỉ làm nhiệm vụ chống xói mòn mà còn phải chống quá trình ô nhiễm đất, suy thoái đất, bảo vệ các yếu tố của môi trường thiên nhiên.

Bảo vệ và cải tạo thăm thực vật, diện tích đất mặt nước cũng là nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch sử dụng đất. Để tránh lãng phí, khi cấp đất cho các nhu cầu phi nông nghiệp, trong các phương án quy hoạch sử dụng đất phải bố trí hợp lý các công trình nhà ở và phục vụ sản xuất với tinh thần hết sức tiết kiệm đất.

Ba là tổ chức phân bổ quỹ đất cho các ngành

Khi phân bổ quỹ đất cho các ngành, cần đảm bảo nguyên tắc tổ chức sử dụng tài nguyên đất vì lợi ích của nền kinh tế quốc dân nói chung và từng ngành nói riêng trong đó ưu tiên cho ngành nông nghiệp. Sự phát triển của các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng thủy điện, dầu khí… đều đòi hỏi phải có đất. Việc bố trí các khu công nghiệp, các tuyến đường giao thông vận tải, các khu khai thác khoáng sản và các công trình xây dựng lớn thường được dự kiến trước trong kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân dài hạn.

Nhưng trong các quy hoạch đó thường mới chỉ dự kiến vùng và địa điểm sẽ xây dựng còn vị trí cụ thể (bãi xây dựng) thì sẽ được xác định trong quá trình quy hoạch sử dụng đất dưới hình thức thành lập một đơn vị sử dụng đất phi nông nghiệp mới. Thực chất đó là việc lấy một khoảnh đất nào đó từ quỹ đất dự phòng của quốc gia hoặc từ quỹ đất nông nghiệp để bố trí cho một công trình phi nông nghiệp.

Khi giao đất cho các nhu cầu phi nông nghiệp, hầu như bao giờ cũng làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất của đơn vị bị mất đất. Do đó, khi xây dựng dự án giao đất cần lưu ý để hoạt động sản xuất của cơ sở đó không bị hoặc ít bị ảnh hưởng nhất. Những diện tích đất giao cho các nhu cầu phi nông nghiệp nên lấy từ đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả trong nông nghiệp.

Trong trường hợp việc giao đất cho nhu cầu phi nông nghiệp làm cho cơ cấu sử dụng đất bị thay đổi nhiều tổ chức lãnh thổ bên trong bị đảo lộn thì phải quy hoạch lại toàn phần hoặc từng bộ phận cho đơn vị sử dụng đất bị ảnh hưởng đó.

Trong trường hợp giao đất cho nhu cầu khai thác khoáng sản (vị trí của các khoảng đất này không thể thay đổi được) thì phải lường trước mọi hậu quả có thể xảy ra cho các đơn vị bị mất đất và từ đó đề xuất các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc giảm bớt ảnh hưởng xấu của nó.

Khi đánh giá về mặt kinh tế những hậu quả do việc thu hồi đất, giao đất gây ra phải tính đến các khoản chi phí và thiệt hại như sau: Giá trị nhà cửa, công trình có trên diện tích đất bị thu hồi; Những chi phí đầu tư trên đất chưa sử dụng hết của người sử dụng đất; Những chi phí để di chuyển dân cư; Chi phi để tháo gỡ nhà cửa, công trình và khôi phục lại ở địa điểm mới; Những thiệt hại của sản xuất và những phí tổn do phải quy hoạch mang lại.

Bốn là tạo ra những điều kiện tổ chức lãnh thổ hợp lý

Khi quy hoạch sử dụng đất cần tạo ra những điều kiện tổ chức lãnh thổ hợp lý để thực hiện những nhiệm vụ kế hoạch của Nhà nước, của riêng từng ngành. Quy hoạch sử dụng đất phải nhằm mục đích tạo ra những điều kiện về tổ chức lãnh thổ thúc đẩy các đơn vị sản xuất. Khi quy hoạch sử dụng đất, người ta dự kiến phương hướng sử dụng đất trong một thời gian dài. Tương lai phát triển các đơn vị sử dụng đất cũng là một trong những căn cứ để xây dựng các phương án trong quy hoạch.

Tóm lại, khi giải quyết mỗi nội dung của đồ án quy hoạch sử dụng đất phải căn cứ vào yêu cầu tổ chức hợp lý sản xuất. Chẳng hạn, khi tổ chức và bố trí sử dụng đất nông nghiệp và luân canh, trước hết cần dựa vào cơ cấu, quy mô và hưởng chuyên môn hóa của các ngành đã được xác định trước trong kế hoạch phát triển tương lai. Việc tổ chức sử dụng hợp lý đất đai phụ thuộc vào việc tổ chức sử dụng các tư liệu sản xuất khác và toàn bộ quá trình sản xuất nói chung. Bên cạnh đó, việc sử dụng đất có ảnh hưởng đến việc phát triển và bố trí các ngành nghề, đến việc tổ chức lao động và năng suất lao động đến hiệu quả sử dụng các tư liệu sản xuất. Như vậy, đất đai chỉ có thể được tổ chức sử dụng đúng và hợp lý nếu nó gắn bó với việc tổ chức các tư liệu sản xuất khác, với tổ chức lao động và quản lý đơn vị.

Năm là phù hợp với các điều kiện tự nhiên kinh tế, xã hội của từng vùng lãnh thổ

Mỗi vùng mỗi đơn vị sử dụng đất đều có những điểm khác biệt về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, nếu không tính đến điều đó thì không thể tổ chức sử dụng hợp lý đất đai.

Điều kiện tự nhiên như chất lượng đất, độ màu mỡ, phì nhiêu của đất sẽ được tính toán để phân bổ, quyết định mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, khi lựa chọn phương án sử dụng đất, các nhà quy hoạch còn phải tính đến hiệu quả kinh tế, các điều kiện xã hội để phương án mình lựa chọn có khả thi.

Tóm lại, khi xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất của cả nước, từng vùng từng đơn vị hành chính lãnh thể phải tính đến các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw đối với nội dung Các nguyên tắc cơ bản của việc quy hoạch sử dụng đất? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Xem thêm:

Rate this post