Kiểm đếm tài sản khi không có mặt người bị thu hồi đất

Kiểm đếm tài sản khi không có mặt người bị thu hồi đất

Câu hỏi: Nhà tôi ở Gia Lộc, Hải Dương. Năm 2014, Nhà nước có dự án làm đường nên đã thông báo thu hồi đất của chúng tôi. Sau khi ra quyết định thu hồi đất, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng đã tiến hành kiểm đếm tài sản trên đất. Tôi không đồng ý cho kiểm đếm nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã ra Quyết định kiểm đếm bắt buộc. Ngày kiểm đếm tôi không có mặt nhưng cán bộ vẫn tiến hành kiểm đếm như bình thường, lập biên bản sau đó đưa ra phương án bồi thường cho gia đình tôi. Xin hỏi Luật sư, trong trường hợp tôi không có mặt tại thửa đất kiểm đếm mà tổ công tác giải phóng mặt bằng vẫn tiến hành kiểm đếm và ra biên bản làm việc như vậy có đúng không?

Kiểm đếm tài sản khi không có mặt người bị thu hồi đất
Kiểm đếm tài sản khi không có mặt người bị thu hồi đất

Trả lời: (câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Chào anh, với câu hỏi này Phamlaw xin được đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất có nhu cầu và mục đích chính đáng, khi cần thu hồi đất để phục vụ cho mục đích quốc phòng – an ninh, mục đích phát triển kinh tế… thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi. Đất đai có vai trò quan trọng trong ổn định đời sống, tiến hành các hoạt động sản xuất, phát triển xã hội, do đó, việc thu hồi đất phải được tiến hành theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ. Đối với trường hợp của anh, PHAMLAW xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Kiểm đếm được tiến hành nhằm mục đích xác định hiện trạng sử dụng đất, thống kê các tài sản có trên đất. Khi thực hiện kiểm đếm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải được thực hiện theo các bước sau:

  • Thông báo về việc kiểm đếm trong nội dung thông báo thu hồi đất;
  • Người có đất bị thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường.
  • Trường hợp người có đất bị thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra Quyết định kiểm đếm bắt buộc. Nếu người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức cưỡng chế thực hiện.

Việc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc được quy định tại điều 70 Luật đất đai 2013, cụ thể:

Thứ nhất, nguyên tắc cho việc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc:

–  Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;

–  Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.

Thứ hai, các điều kiện cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc:

  • Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định kiểm đếm bắt buộc sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
  • Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
  • Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc đã có hiệu lực thi hành;
  • Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành.

Trường hợp mà người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.

Thứ ba, trình tự, thủ tục thực hiện quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc được quy định như sau:

  • Tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế;
  • Trường hợp người bị cưỡng chế chấp hành quyết định cưỡng chế thì tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành và thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế.

Theo các quy định trên, thì khi có thông báo về việc kiểm đếm tài sản thì người có đất bị thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành việc kiểm đếm. Khi người có đất bị thu hồi không đồng ý thực hiện kiểm đếm mà cơ quan có thẩm quyền thực hiện đã thuyết phục, vận động thì sau 10 ngày kể từ ngày được vận động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp đã có quyết định kiểm đếm bắt buộc mà người có đất bị thu hồi vẫn không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế thực hiện. Các quy định của luật không nói rõ về sự có mặt của người bị thu hồi đất, nhưng người bị thu hồi đất có trách nhiệm phối hợp thực hiện kiểm đếm, đảm bảo việc kiểm đếm công khai, dân chủ, khách quan.

Đối với trường hợp của anh, do anh không phối hợp để thực hiện việc kiểm đếm nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã ra Quyết định kiểm đếm bắt buộc. Do anh không nói rõ là tổ công tác giải phóng mặt bằng kiểm đếm sau khi có Quyết định kiểm đếm bắt buộc hay cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc nên có thể xảy ra những trường hợp sau đây:

  • Trường hợp 1: Nếu tổ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện kiểm đếm ngay sau khi có Quyết định kiểm đếm bắt buộc thì đã vi phạm các quy định của pháp luật về quy trình thực hiện kiểm đếm.
  • Trường hợp 2: Nếu tổ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện kiểm đếm sau khi có Quyết định kiểm đếm bắt buộc, thông báo cho người có đất bị thu hồi biết và sau khi thực hiện việc niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, đáp ứng đủ các điều kiện để tiến hành cưỡng chế kiểm đếm thì dù anh không có mặt tại nơi kiểm đếm, việc tiến hành này là hợp pháp.

Trên đây là những ý kiến tư vấn của PHAMLAW về việc thực hiện kiểm đếm tài sản khi không có mặt người bị thu hồi đất. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn pháp lý chuyên sâu 1900 của PHAMLAW. Để được tư vấn các dịch vụ liên quan đến đất đai, Quý khách hàng vui lòng kết nói tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

——————————-

Bộ phận tư vấn pháp luật chuyên sâu – Phamlaw

  > Xem thêm:

 

 

Rate this post