Phân chia tài sản giữa hai người không kết hôn mà sống chung như vợ chồng

Tóm tắt câu hỏi: Phân chia tài sản giữa hai người không kết hôn mà sống chung như vợ chồng

Giải quyết quan hệ tài sản, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con trong trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng

Xin chào luật sư. Luật sư cho tôi hỏi một vấn đề như sau: Tôi và vợ tôi chỉ dọn về chung sống với nhau từ năm 2010 đến giờ, chúng tôi không có đăng ký kết hôn. Hiện tại chúng tôi có hai người con: bé trai (4 tuổi), bé gái (1 tuổi). Hai bên có một ngôi nhà ở đường Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội và một chiếc xe máy vision là tài sản chung. Vì tôi phát hiện vợ có quan hệ qua lại với một người đồng nghiệp cùng công ty. Vì nghĩ đến hai con nên tôi đã bỏ qua rất nhiều lần cho vợ nhưng vợ vẫn “ngựa quen đường cũ”. Mấy tháng nay vợ chồng tôi cãi nhau liên tục. Tôi nhận thấy không thể chung sống được nữa nên tôi muôn ly hôn với vợ. Luật sư cho tôi hỏi, giờ tôi ly hôn thì thủ tục thế nào? Tài sản chung và con cái thì sẽ giải quyết ra sao? Xin cảm ơn luật sư.

Người gửi: Phạm Văn Hùng (Hà Nội)

Phân chia tài sản giữa hai người không kết hôn mà sống chung như vợ chồng

Luật sư tư vấn:

Xin chào anh! Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi về cho công ty Luật Phạm Law. Đối với câu hỏi của anh công ty Luật Phạm Law xin được tư vấn như sau:

  1. Căn cứ pháp luật

– Bộ luật dân sự năm 2015

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

  1. Giải quyết quan hệ tài sản, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con trong trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng

Về vấn đề nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn mặc dù đủ điều kiện kết hôn được điều 14 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

“Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

  1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
  2. Trong trường hợpnam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.”

Vì anh chị chỉ sống chung với nhau mà không hề đăng ký kết hôn cho nên sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng, kéo theo đó anh chị sẽ không cần phải làm thủ tục ly hôn khi không muốn chung sống với nhau nữa.

Còn quyền, nghĩa vụ đối với con và tài sản giữa các bên sẽ được giải quyết như sau:

*Quyền và nghĩa vụ đối với con:

Việc anh chị không đăng ký kết hôn sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con cái. Quyền và nghĩa vụ của nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng đối con cái sẽ được giải quyết như trường hợp vợ chồng hợp pháp ly hôn. Theo đó, khoản 2, khoản 3 điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy:

Anh chị sẽ cùng nhau thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được thì:

+) Đối với bé trai (4 tuổi) sẽ được giao cho một bên trực tiếp nuôi, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Thông thường, Tòa án sẽ xem xét các điều kiện sau:

  • Điều kiện về vật chất: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ.
  • Điều kiện về tinh thần: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách, đạo đức, trình độ học vấn.. của cha mẹ.

+) Đối với bé gái 1 tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

* Quyền và nghĩa vụ đối với tài sản chung

Căn cứ điều 16 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

  1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
  2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp phápcủa phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”

Như vậy, đối với tài sản chung là ngôi nhà và chiếc xe máy vision hai bên có thể tự thỏa thuận chia tài sản. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì sẽ được giải quyết theo điều 219 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Điều 219. Chia tài sản thuộc sở hữu chung

  1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
  2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Phạm Law về vấn đề “Phân chia tài sản giữa hai người không kết hôn mà sống chung như vợ chồng“. Nếu có thắc mắc hoặc vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Phạm Law để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Trân trọng cảm ơn!

> Xem thêm:

 

5/5 - (2 bình chọn)