Các hạn chế đầu tư theo quy định pháp luật
1. Hạn chế về ngành nghề kinh doanh
Hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ các quy định cúa Pháp luật về đầu tư hiện hành. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam bảo lưu quyền quốc gia trong việc cấm hoặc hạn chế đầu tư vào một số lĩnh vực nhạy cảm.
Về cơ bản, nhà đầu tư có quyền tự chủ để tự quyết định và thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh, ngoài các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm: Kinh doanh các chất ma túy hoặc mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục cấm; kinh doanh mại dâm; mua bán người, mô, bộ phận cơ thể người; các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người và kinh doanh pháo nổ; Kinh doanh dịch vụ đòi nợ (khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020).
Việc hạn chế đầu tư cũng được thực hiện thông qua quy định về “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” vì lí do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư năm 2020). Phụ thuộc vào từng ngành, nghề cụ thể, các điều kiện đầu tư kinh doanh có thể được áp dụng theo một hoặc một số hình thức sau đây:
– Điều kiện về giấy phép (Ví dụ: Giấy phép hoạt động giáo dục hoặc giấy phép hoạt động điện lực…);
– Điều kiện về giấy chứng nhận đủ điều kiện (Ví dụ: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng ..);
– Điều kiện về chứng chỉ hành nghề (Ví dụ: Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng,….);
– Điều kiện về chứng nhận bảo đảm trách nhiệm nghề nghiệp (Ví dụ: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc đối với kiến trúc sư, luật sư, thẩm định giá…
– Điều kiện về văn bản xác nhận (Ví dụ: Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm…)
– Các hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật;
– Các điều kiện và nhà đầu tư phải đáp ứng mà không cần phải có các xác nhận, chấp thuận dưới hình thức văn bản nêu trên (Ví dụ: Điều kiện về suất đầu tư tối thiểu và cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục; điều kiện vốn pháp định và cơ cấu cổ đông trong các công ty chứng khoán quản lý quỹ; điều kiện về hạn chế số lượng thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tầu biển treo cờ Việt Nam thuộc sở hữu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải biển có vốn đầu tư nước ngoài, vv..)
Các điều kiện kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài được thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP gồm: Nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường trừ những ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Phụ lục I của Nghị định 31/2021/NĐ-CP; không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường theo quy định tại Mục A Phụ lục I của Nghị định này; Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ (sau đây gọi chung là pháp luật Việt Nam) không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước… hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn như trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể; Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất…Điều kiện về hình thức đầu tư (theo Điều 21 Luật đầu tư 2020).
Mặt khác, khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, các nhân khác không được ban hành quy định về đầu tư kinh doanh. Quy định này sẽ ngăn chặn việc các cơ quan khác ngoài quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội và Chính phủ ban hành các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh một cách tùy tiện và chồng chéo. Trong quá trình tư vấn đầu tư và thành lập doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi (các luật sư) phải rà soát các văn bản pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cần phải tham khảo ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đó trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài (khoản 7 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020).
Liên quan tới các điều kiện được áp dụng trên cơ sở các điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam tham gia, các điều kiện cơ bản được quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ trong các văn bản gia nhập WTO của Việt Nam. Các điều kiện ít hạn chế hơn dành cho nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước ASEAN được quy định trong hệ thống các văn bản của cộng đồng kinh tế ASEAN. Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước. Trường hợp đã lựa chọn một điều ước quốc tế thì nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của điều ước quốc tế đó. Trong quá trình cấp phép, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét việc đáp ứng các điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài.
Xem thêm: >>> Quy trình thủ tục cấp phép đầu tư
2. Hạn chế về tỷ lệ sở hữu vốn
Pháp luật về đầu tư hiện hành của Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong các công ty tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây (khoản 10 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP):
Hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư được áp dụng như sau:
– Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể;
– Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó;
– Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
– Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành trong lĩnh vực ngân hàng, tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại tại Việt Nam; trong lĩnh vực chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài theo Điều 139 Nghị định 155/2020/NĐ-CP đối với công ty đại chúng, tỷ lệ sở hữu vốn đối với nhà đầu tư nước là 50% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, theo biểu cam kết cụ thể về Thương mại dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cũng áp đặt hạn chế sở hữu nước ngoài trong một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh. Ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 51% vốn pháp định của công ty liên doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, dịch vụ phát hành phim và dịch vụ chiếu phim; và 49% đối với công ty liên doanh trong lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư vào các ngành, nghề khác nhau thì nhà đầu tư phải đáp ứng toàn bộ điều kiện đầu tư trong các ngành nghề đó, bao gồm cả việc đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá mức cao nhất trong các ngành, nghề (mà doanh nghiệp đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Do đó, trong quá trình tư vấn đầu tư và thành lập doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài, luật sư cần phải rà soát các quy định có liên quan của Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế đa phương và song phương nổi bật (Ví dụ, Biểu cam kết về dịch vụ trong các văn bản gia nhập WTO của Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc …) để xác định tỷ lệ hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài áp dụng cho các ngành, nghề kinh doanh dự kiến của doanh nghiệp.
3. Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện
Như đã trình bày, Việt Nam bảo lưu quyền quốc gia trong việc cấm hoặc hạn chế đầu tư vào một số lĩnh vực nhạy cảm. Tuy nhiên, các hạn chế này lại được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật chuyên ngành hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng hơn, các cơ quan có thẩm quyền đã và từng bước rà soát, tập hợp danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện dưới cả hình thức văn bản pháp luật và hệ thống cổng thông tin trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong việc xác định các hạn chế áp dụng đối với đầu tư.
Cụ thể, Quốc hội đã ban hành “Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” kèm theo Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020, liệt kê 227 ngành, nghề mà khi tiến hành đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực này, nhà đầu tư (bao gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) sẽ phải đáp ứng các điều kiện đặc thù được quy định cụ thể trong các luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Danh mục ngành nghề và điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài được đăng tải trên cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài được khái quát hóa thành các ngành lớn, mỗi ngành lớn lại được phân chia thành các phân ngành cụ thể hơn phù hợp với các hoạt động đầu tư, kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Một số phân ngành lớn như: Dịch vụ chuyên môn; Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan; Dịch vụ nghiên cứu và phát triển; Dịch vụ thông tin; Dịch vụ nghe nhìn…
Trong trường hợp các quy định về ngành, nghề và điều kiện về đầu tư, kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài có sự thay đổi theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư có liên quan, các danh mục nêu trên sẽ được điều chỉnh, cập nhật tương ứng. Trong quá trình nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư cần đối chiếu các danh mục đã được hệ thống hóa, cần nhờ các luật sư nước sở tại rà soát các quy định có liên quan trong các văn bản pháp luật và điều ước quốc tế về đầu tư để bảo bảo đảm không bỏ sót các điều kiện về đầu tư, kinh doanh áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trên đây là bài viết về Các hạn chế đầu tư theo quy định pháp luật. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.