So sánh việc chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đầu tư
Hỏi: Email: diamond-rose@…hỏi: Kính gửi Quý công ty luật Phamlaw, mong Quý công ty tư vấn cho tôi hiểu rõ hơn vềđầu tư trong nước với đầu tư nước ngoài, những khác biệt cơ bản về thủ tục, về việc chấp thuận chủ trương đầu tư để tôi hiểu rõ hơn và có phương án đầu tư tại Việt Nam cho phù hợp với pháp luật của Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Dự kiến tôi sẽ tiến hành triển khai các phương án đầu tư từ quý 1 và quý 2 năm 2017. Rất mong sớm nhận được phản hồi từ phía công ty.
Trân trọng cám ơn sự tư vấn hỗ trợ của Quý công ty.
Trả lời: (câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)
Với câu hỏi của Quý khách hàng, luật sư xin được tư vấn như sau:
Thứ nhất: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đầu tư.
Trước hết, khi muốn thực hiện hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp hoặc khi phát sinh nghĩa vụ thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp (bao gồm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài) phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ là khái niệm có tính chất quy ước. Doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp được sở hữu 100% bởi chủ sở hữu là nhà đầu tư trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp được sở hữu một phần hoặc toàn bộ bởi chủ sở hữu là nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước được xác định dựa trên các tiêu chí là quốc tịch, nơi thành lập và quyền kiểm soát. Để đơn giản hóa vấn đề cho nội dung được trình bầy tại phần này, bạn chỉ cần hiểu nhà đầu tư trong nước bao gồm: cá nhân có quốc tịch Việt Nam và tổ chức được thành lập tại Việt Nam trong đó nhà đầu tư nước ngoài nắm dưới 51% vốn điều lệ. Nhà đầu tư nước ngoài được hiểu bao gồm: ca nhân có quốc tịch nước ngoài; tổ chức thành lập ở nước ngoài và tổ chức thành lập ở Việt Nam trong đó nhà đầu tư nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
Việc thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư trong nước tương đối đơn giản hơn so với việc thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài. Khi thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước về cơ bản cần xin ba loại giấy phép là: Một là chấp thuận chủ trương đầu tư cấp cho nhà đầu tư trong nước (chỉ áp dụng đối với một số dự án quan trọng), hai là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh (chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong nghành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện). Trong khi đó, có bốn loại giấy phép áp dụng đối với việc thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài là: chấp thuận chủ trương đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài (chỉ áp dụng bắt buộc đối với các dự án quan trọng), hai là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài (áp dụng bắt buộc đối với mọi dự án), ba là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh (chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện).
Đối với câu hỏi về sự khác biệt cơ bản giữa thủ tục thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thì chúng tôi xin trả lời bạn rằng đó giấy chứng nhận đầu tư. Trong mọi trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới được phép thành lập doanh nghiệp. Đối với nhà đầu tư trong nước khi thành lập doanh nghiệp không buộc phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mặc dù nhà đầu tư trong nước có thể quyết định xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu muốn được ghi nhận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
Thứ hai: Chấp thuận chủ trương đầu tư
Chấp thuận chủ trương đầu tư áp dụng khi doanh nghiệp thực hiện: một là các dự án quan trọng có ảnh hưởng lớn đến xã hội hoặc môi trường, liên quan đến các nghành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc sử dụng nguồn vốn lớn, hai là các dự án sử dụng đất hoặc công nghệ hạn chế chuyển giao. Nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện các dự án thuộc trường hợp nêu trên đều có nghĩa vụ phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư.
Các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Quốc hội, Thủ tướng chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nhìn chung, các dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ quốc hội và thủ tướng chính phủ là các dự án qua trọng như sau:
- các dự án có ảnh hưởng lớn đến xã hội (ví dụ: dự án dẫn đến việc di dân từ 10.000 người trở lên ở miền núi và 20.000 người ở vùng miền khác);
- các dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường (ví dụ: dự án nhà máy điện hạt nhân và dự án sản xuất thuốc lá điếu, casino và sân golf);
- các dự án sử dụng nguồn vốn lớn (ví dụ: dự án có nguồn vốn từ 5.000 tỷ đồng trở lên)
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đối với những dự án có liên quan đến việc sử dụng đất (ví dụ: Dự án sử dụng đất không thông qua đấu thầu hoặc đấu giá hoặc cần thiết chuyển mục đích sử dụng đất) hoặc công nghệ hạn chế chuyển giao.
Thông qua việc chấp thuận chủ trương đầu tư (áp dụng đối với một số dự án quan trọng), cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép về mặt nguyên tắc việc nhà đầu tư (trong nước hoặc nước ngoài) được phép thực hiện dự án đầu tư thông qua doanh nghiệp do nhà đầu tư đó thành lập. Chấp thuận chủ trương đầu tư là cơ sở để cấp: thứ nhất là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập; thứ hai là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp mới do nhà đầu tư trong nước thành lập.
Trên đây là nội dung câu trả lời đối với câu hỏi “So sánh việc chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đầu tư”, nếu còn vướng mắc hoặc muốn hiểu rõ hơn về nội dung trong câu trả lời này hoặc muốn tìm hiểu thêm những quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, bạn vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu của chúng tôi để được hỗ trợ.
—————————
Phòng tư vấn pháp lý chuyên sâu- Phamlaw