Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam
Từ khi Việt Nam tham gia vào tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) rót vốn vào Việt Nam dưới nhiều hình thức và các lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy, để tạo môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, pháp luật về doanh nghiệp luôn chú trọng xây dựng và không ngừng hoàn thiện, đặc biệt là các chế định liên quan đến NĐTNN. Vậy NĐTNN góp vốn vào Việt Nam gồm những nội dung gì? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.
Vậy nhà đầu tư nước ngoài là gì?
Theo khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”.
Hiện nay, NĐTNN được xác định theo tiêu chí: (i) quốc tịch (đối với cá nhân) ai không có quốc tịch Việt Nam thì được gọi là NĐTNN; (ii) nơi đăng ký thành lập là ở nước ngoài (đối với tổ chức).
Như vậy, NĐTNN được nhận diện một cách rõ ràng và đặc trưng so với các đối tượng khác. Về cơ bản, NĐTNN là đối tượng mang quốc tịch hoặc được thành lập tại nước ngoài khác với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn thuộc bộ phận của doanh nghiệp Việt Nam, chịu toàn bộ sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Trên thực tế, đây là hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn và việc làm rõ những đặc điểm của NĐTNN giúp việc áp dụng pháp luật để cụ thể và chính xác, tránh trường hợp áp dụng chồng chéo do hiểu sai về bản chất của đối tượng.
Theo quy định tại khoản 18 Luật Doanh nghiệp 2020, góp vốn được hiểu là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.
Từ khái niệm trên cho thấy rằng, NĐTNN có thể góp vốn đầu tư theo các hình thức sau:
- NĐTNN góp vốn thành lập tổ chức kinh tế mới;
- NĐTNN góp vốn, mua cổ phần, phần vổn góp trong doanh nghiệp Việt Nam;
- NĐTNN góp vốn thực hiện hợp đồng đầu tư kinh doanh.
Điều kiện để NĐTNN góp vốn vào công ty Việt Nam
- Đảm bảo điều kiện tiếp cận thị trường được quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020 về Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, NĐTNN được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐTNN gồm: Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐTNN quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối NĐTNN bao gồm:
+ Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của NĐTNN trong tổ chức kinh tế. NĐTNN được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế.
Trừ những trường hợp hạn chế về tỷ lệ sở hữu của NĐTNN theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư.
+ Hình thức đầu tư: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; thực hiện dự án đầu tư; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
+ Phạm vi hoạt động đầu tư
+ Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư: Nếu NĐTNN đã có đối tác tại Việt Nam thì cần làm rõ mối quan hệ hiện tại với đối tác, phương án thay đổi mối quan hệ với đối tác sau khi được cấp phép kinh doanh và phương án giải quyết mâu thuẫn hoặc tranh chấp có thể phát sinh với đối tác (nếu có).
- Điều kiện khác theo quy định theo Điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Một số lưu ý về NĐTNN góp vốn vào công ty Việt Nam.
- Một là, hoạt động góp vốn của NĐTNN gắn liền với việc di chuyển vốn đầu tư, tức là việc di chuyến tiền, công nghệ và các tài sản khác giữa các quốc gia, hệ quả là việc làm tăng lượng tài sản của nền kinh tế nước tiếp nhận đồng thời làm giảm lượng tài sản của nước đi đầu tư.
- Hai là, NĐTNN khi góp vốn đầu tư kinh doanh vào doanh nghiệp ở Việt Nam trong một số ngành nghề kinh doanh còn phải tuân thủ hạn mức về tỷ lệ góp vốn tối đa trong vốn điều lệ của doanh nghiệp. Căn cứ theo Điều 22 Luật Đầu tư 2020: “Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, NĐTNN phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.”. Quy định này một mặt nhằm giới hạn để kiếm soát các hoạt động của NĐTNN tại Việt Nam, đặc biệt là đổi với một số ngành nghề nhạy cảm có liên quan đến các yêu tố chính tri, an ninh quốc phòng…; mặt khác, bảo vệ sự phát triên của các doanh nghiệp trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa cao. Chủ yếu, khi NĐTNN đăng ký ngành nghể kinh doanh sẽ dựa trên những ngành, phân ngành dịch vụ được quy định tại Biều cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế về đầu tư khác.
Các hình thức góp vốn của NĐTNN vào công ty Việt Nam
Thứ nhất, NĐTNN được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
– Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
– Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
– Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc hai trường hợp quy trên
Thứ hai, NĐTNN mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
– Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
– Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
– Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
Bên cạnh việc thành lập tổ chức kinh tế mới để tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam, NĐTNN có thể lựa chọn việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động. Góp vốn trong trường hợp này được hiều là góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập, góp trực tiếp cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp huy động vốn điều lệ. Bằng cách này, tổng số vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ tăng lên, đồng thời ghi nhận thêm tên của nhà đầu tư vào danh sách thành viên hoặc cố đông của công ty.
Cách góp vốn thứ hai là NĐTNN góp vốn theo cách nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của thành viên, cổ đông công ty. Việc mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp đã được thành lập về cơ bản không làm thay đổi số vốn điều lệ đã đăng ký của công ty, nhưng sẽ thay đổi thành viên hoặc cổ đông trong danh sách trước đó.
Tài sản góp vốn của NĐTNN vào công ty Việt Nam được thể hiện bằng nhiều loại tài sản đa dang khác nhau theo quan niệm của pháp luật Việt Nam gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (Điều 105, Bộ luật Dân sự 2015). Tuy nhiên pháp luật có thể quy định cụ thể về tài sản góp vốn đối với từng trường hợp cụ thể. Theo khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Thủ tục đối với Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam
- Hồ sơ cần có:
+ Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà NĐTNN dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của NĐTNN sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
+ Bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/ hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
NĐTNN đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty 100% vốn Việt Nam | NĐTNN đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam |
– Nộp hồ sơ tại Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính – Hồ sơ hợp lệ thì Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do (Điều 26 Luật Đầu tư 2020) – Sau khi có chấp thuận của Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho NĐTNN góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục như sau: thay đổi cổ đông, thành viên trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư. | – Nộp hồ sơ tại Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính – Sau khi có chấp thuận của Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho NĐTNN góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Nếu công ty chưa tách Giấy chứng nhận đầu tư thành giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục tách và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, làm dấu pháp nhân mới tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư. – Sau khi tách giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan cấp phép đầu tư. |
Luật Phamlaw-Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam cập nhật tháng 3 năm 2022