Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai là dạng tranh chấp phổ biến, phức tạp nhất hiện nay. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Việc thực hiện đúng nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cả nước và ở từng địa phương. Để hiểu rõ hơn về nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai, dưới đây Luật Phamlaw sẽ hướng dẫn theo quy định pháp luật mới nhất để Quý khách hàng có thể tham khảo.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

Hiến pháp năm 2013

Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Giải quyết tranh chấp đất đai là gì?

Giải quyết tranh chấp đất đai là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tìm ra các giải pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật nhằm hồi phục lại các quyền lợi bị xâm hại đồng thời truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong pháp luật đất đai, việc xem xét giải quyết tranh chấp đất đai là một trong những biện pháp quan trọng để pháp luật đất đai phát huy được vai trò trong đời sống xã hội. Thông quan đó, Nhà nước điều chỉnh các quan hệ đất đai cho phù hợp với lợi ích của các quan hệ pháp luật liên quan nhằm đảm bảo sự ổn định xã hội.

2. Đặc điểm pháp luật của giải quyết tranh chấp đất đai

Thứ nhất, về chủ thể của tranh chấp đất đai:  là chủ thể có quyền quản lý và quyền sử dụng đất bao gồm: cá nhân, hộ gia đình, tổ chức. Quyền sử dụng đất của các chủ thể nêu trên được xác lập dựa trên quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc sự công nhận, cho phép chuyển nhượng  của Nhà nước đối với diện tích đất đang sử dụng. Và những chủ thể có liên quan đến những quyền này mới được đề nghị giải quyết tranh chấp

Thứ hai, về đối tượng của tranh chấp đất đai:  là quyền quản lý và quyền sử dụng đất đai. Đối tượng mà các chủ thể tranh chấp hướng tới là quyền được sử dụng và quản lý trên một phần đất cụ thể, chỉ khi đối tượng của tranh chấp là quyền sử dụng và quản lý đất đai thì mới được gọi là tranh chấp đất đai. Nội dung của tranh chấp đất đai rất đa dạng và phức tạp liên quan đến các vấn đề liên quan đến đất đai như diện tích, quyền sử dụng, mục đích sử dụng, các giao dịch dân sự liên quan.

Thứ ba, về hậu quả của tranh chấp đất đai: Tranh chấp đất đai phát sinh gây ra hậu quả về nhiều mặt như gây mất ổn định về chính trị và phá vỡ mối quan hệ xã hội, trật tự quản lý đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cá nhân, tổ chức, Nhà nước

Thứ tư, về hệ quả pháp lý của việc giải quyết tranh chấp đất đai: quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đất đai sẽ được làm rõ bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai

a) Nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước địa diện quản lý

Điều 53, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Tại Điều 4 Luật Đất đai 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”

Toàn bộ đất đai trên lãnh thổ Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chỉ là những người được Nhà nước giao đất sử dụng, nên đối tượng của mọi tranh chấp là quyền quản lý, quyền sử dụng đất. Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp đất đai, phải tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai mà Nhà nước là đại diện.

b) Nguyên tắc đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa

Khi giải quyết tranh chấp đất đai phải chú ý tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật đã quy định. Cơ quan các cấp cần phát hiện và giải quyết kịp thời các vi phạm pháp luật về đất đai, tránh tình trạng tranh chấp kéo dài gây mất ổn định xã hội và xâm hại đến quyền và lợi ích của các bên liên quan.

c) Giải quyết tranh chấp đất đai ở Việt Nam cần nắm vững quan điểm lấy dân làm gốc, bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất

Theo quy định của pháp luật, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên trong giải quyết tranh chấp cần đặt lợi ích của người dân làm gốc. Do đó, pháp luật cần tôn trọng các quyền của người sử dụng đất và tạo điều kiện để họ phát huy tối đa các quyền năng của mình.

d) Giải quyết tranh chấp đất đai phải nhằm mục đích ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất và từng bước cải thiện đời sống của mọi tầng lớp dân cư.

Thực tế, tranh chấp đất đai ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế nên việc giải quyết tranh chấp đất đai nhằm mục đích bình ổn các quan hệ xã hội.

e) Nguyên tắc khuyến khích thương lượng, tự hòa giải trong nội bộ nhân dân.

Luật Đất đai 2013 ra đời thừa nhận quyền năng của người sử dụng đất. Việc tôn trọng các quyền của người sử dụng đất và tạo điều kiện phát huy tối đa các quyền năng đó là nguyên tắc quan trọng của pháp luật đất đai. Tôn trọng quyền định đoạt của các chủ thể khi tham gia các quan hệ pháp luật đất đai là tôn trọng quyền tự do thỏa thuận, thương lượng trên cơ sở các quy định pháp luật. Do vậy, các bên được tự do lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp để đảm bảo lợi ích của mình.

4. Các hình thức giải quyết tranh chấp đất đai

– Tự hòa giải

– Hòa giải cơ sở

– Khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền

4.1. Hòa giải

Các bên tranh chấp tự hòa giải với nhau, nếu hòa giải không thành thì yêu cầu Ủy ban nhân cấp xã hòa giải.

Nếu thành: UBND cấp xã lập biên bản chứng nhận kết quả hòa giải. Nếu hòa giải mà làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất ban đầu thì UBND cấp xã phải gửi biên bản cho Phòng tài nguyên môi trường hoặc Sở tài nguyên môi trường để được thông qua và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai mới.

Nếu không thành: Đối với tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các bên yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết. Còn nếu không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai thì yêu cầu UBND có thẩm quyền giải quyết hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

4.2. Giải quyết tranh chấp

Tùy vào từng vụ việc mà sẽ do UBND cấp huyện hay UBND cấp tỉnh giải quyết:

UBND cấp huyện: Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

UBND cấp tỉnh: Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Như vậy, có 02 hình thức giải quyết tranh chấp đất đai:

Theo trình tự tố tụng dân sự: Khi người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền, thực hiện việc tạm ứng án phí và hoàn chỉnh hồ sơ, đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án sẽ tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

Theo trình tự hành chính: Trình tự này sẽ được áp dụng đối với những tranh chấp mà các đương sự không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định và lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND.

Trên đây tư vấn của Phamlaw đối với nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai, nếu có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

 

5/5 - (1 bình chọn)