Xử phạt xây dựng trái phép trên đất công

XỬ PHẠT XÂY DỰNG TRÁI PHÉP TRÊN ĐẤT CÔNG THEO QUY ĐỊNH MỚI NHẤT

Xin chào các luật sư: Gia đình tôi có mảnh đất liền kề với nhà ông A. Ông A ngang nhiên xây dựng trái phép hàng rào chắn lên công trình giao thông của nhà nước, ngăn chặn phần lưu thông, di chuyển của gia đình tôi. Tôi muốn hỏi là hành vi xây dựng trái phép trên đất công sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành? Rất mong nhận được tư vấn của các luật sư

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau (câu trả lời chỉ mang tính tham khảo):

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Đất công là gì?

Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2013 quy định: Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác.

Như vậy, có thể hiểu đất sử dụng vào mục đích công cộng được coi là đất công. Đất công là đất do nhà nước quản lý, chỉ sử dụng vào mục đích công cộng như đường, công viên, vỉa hè, sông suối, đất xây dựng các công trình nhà nước, đất quốc phòng, đất an ninh, nghĩa trang, đất chưa sử dụng, các quỹ đất được nhà nước xác lập quản lý bằng văn bản. Đất công là đất thuộc quyền sở hữu nhà nước và không của bất cứ một cá nhân hay một tổ chức nào làm bất cứ việc gì trên mảnh đất đó trừ khi có văn bản hoặc quyết định của nhà nước.

Hành vi lấn chiếm đất công là việc người sử dụng đất tự ý chuyển dịch mốc giới/ranh giới mảnh đất sang phần diện tích đất công hoặc tự ý sử dụng đất công mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép. Hành vi lấn chiếm đất công cộng nói riêng và đất công nói chung diễn ra khá phổ biến ở cả khu vực nông thôn và thành thị.

2. Xử Lý Vi Phạm Xây Dựng Trên Đất Công

Vấn đề lấn chiếm đất công để sử dụng là vấn đề diễn ra khá phổ biến hiện nay, tuy nhiên về việc xử lý còn nhiều bất cập và chưa giải quyết được triệt để nên vấn đề này vẫn xảy ra ở nhiều nơi, do đó để khắc phục tình trạng lấn chiếm đất thì các cấp có thẩm quyền cần phải xử lý nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với hành vi lấn, chiếm đất công sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy từng mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi.

Căn cứ theo Điều 12 Luật đất đai 2013Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định để giải thích về hành vi lấn đất và chiếm đất như sau:

1. Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

2. Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;

b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;

c) Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);

d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 166 Luật Đất đai 2013: Người sử dụng đất có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai. Như vậy, trong trường hợp của bạn, khi phát hiện hành vi lấn chiếm đất thuộc lối đi chung, bạn có thể thực hiện thủ tục tố cáo các hành vi nói trên tại UBND cấp xã giải quyết. Hành vi lấn chiếm đất đai có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

3. Hành vi xây dựng trên đất công bị xử lý như thế nào?

Việc xử phạt lấn chiếm đất công được quy định tại Khoản 1, Khoản 5, Khoản 6 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP như sau:

– Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta.
  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta.
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta.
  • Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta.
  • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

– Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

– Trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong từ lĩnh vực như sau:

  • Trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt.
  • Trong lĩnh vực về hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở
  • Trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo
  • Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các lĩnh vực chuyên ngành khác.
  • Trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão.

Theo quy định xử phạt về lấn chiếm đất công thì người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn, chiếm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lấn chiếm đất của Nhà nước.

Trong trường hợp của bạn, gia đình ông A đã xây dựng trái phép lên công trình giao thông của nhà nước, ngăn chặn phần lưu thông, di chuyển của gia đình bạn. Dựa trên các căn cứ nêu trên thì đây được coi là hành vi lấn chiếm đất công. Hành vi này đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bạn và những người xung quanh về quyền được lưu thông, di chuyển. Về nguyên tắc, các công trình xây dựng trên phần đất lấn chiếm của ông A sẽ phải phá dỡ và trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Ngoài ra, ông A còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP dựa vào diện tích đất đã lấn chiếm.

Lưu ý về Thời hiệu xử phạt hành chính với hành vi lấn chiếm đất:

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 6 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai là 2 năm. Cũng theo Điều 65 của Luật này, khi đã hết thời hiệu xử phạt, cơ quan có thẩm quyền không được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn có thể ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Một số biện pháp khắc phục hậu quả có thể kể đến như:

– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm lấn, chiếm. UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm lấn, chiếm đất đai.

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

– Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định mà có được do hành vi lấn/chiếm.

– Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng/cho thuê đất không đúng quy định pháp luật; chấm dứt hợp đồng mua/bán/cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định…

Trên đây là một số thông tin được cung cấp bởi Luật Phamlaw về xử lý vi phạm xây dựng trên đất công. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Nếu Quý khách hàng muốn được hỗ trợ tư vấn về pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ Luật Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Xử phạt xây dựng trái phép trên đất công theo quy định mới nhất – Luật Phamlaw

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)