Trưng dụng đất theo Luật đất đai 2013
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Trong một số trường hợp nhất định, nhà nước quy định trưng dụng đất để thực hiện mục đích của quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động trưng dụng đất rất dễ nhầm lẫn giữa hoạt động thu hồi đất của nhà nước. Vậy trưng dụng đất theo luật đất đai 2013 được quy định cụ thể như thế nào? Luật Phamlaw giới thiếu đến khách hàng bài viết dưới đây để khách hàng có cái nhìn chính xác về trưng dụng đất.
1. Trưng dụng đất là gì?
Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn hiện hành chưa có một quy định nào giải thích cụ thể hoạt động trưng dụng đất là gì.
Tuy nhiên, theo cách hiểu chung nhất, trưng dụng đất là biện pháp hành chính cho phép một cơ quan nhà nước trong một số trường hợp nhất định có thể tiến hành sử dụng quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, tổ chức trong một thời hạn nhất định mà không phải trả các khoản phí cho các chủ thể đó, trừ trường hợp gây hại tới đất được trưng dụng hoặc ảnh hưởng tới lợi ích của các chủ thể nêu trên thì cơ quan tiến hành trưng dụng đất mới phải thực hiện bồi thường thiệt hại.
Trưng dụng đất và thu hồi đất có sự khác nhau. Thu hồi đất là quyết định từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt quyền lợi của người sử dụng đất trên mảnh đất để phục vụ lợi ích của nhà nước, xã hội (có đền bù theo thỏa thuận khung giá đất nhà nước) hoặc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đất đai (không đền bù). Trong khi đó, nhà nước trưng dụng đất ở phạm vi thu hồi hẹp và chỉ tạm thời để phục vụ mục đích nào đó, nếu gây thiệt hại mới bồi thường.
2. Trường hợp nhà nước trưng dụng đất?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 và Khoản 1 Điều 72 Luật đất đai 2013, có thể thấy Nhà nước chỉ trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Như vậy, phạm vi trưng dụng đất hẹp hơn nhiều so với hoạt động thu hồi đất.
3. Thẩm quyền trưng dụng đất
Theo Điều 72 Luật đất đai 2013, đối tượng được thực hiện trưng dụng đất tùy vào từng trường hợp, bao gồm: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Bên cạnh đó, pháp luật quy định người có quyền trưng dụng đất không được ủy quyền, phần cấp thẩm quyền cho người khác thực hiện thay mình.
Người có thẩm quyền trưng dụng đất có trách nhiệm giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng đất trưng dụng đúng mục đích, hiệu quả; hoàn trả đất khi hết thời hạn trưng dụng; bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra.
4. So sánh thu hồi đất và trưng dụng đất
4.1. Giống nhau
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng thu hồi đất và trưng dụng đất đều là việc Nhà nước lấy lại đất mà người dân đang sử dụng, hai thủ tục này đều được quy định rất đầy đủ và chi tiết tại Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Tuy vậy hai thủ tục hành chính này luôn có sự khác biệt nhất định.
4.2. Khác nhau
Để phân biệt thu hồi đất và trưng dụng đất, chúng ta xét trên các tiêu chí sau:
4.2.1. Về mục đích, căn cứ thu hồi hoặc trưng dụng
– Nhà nước tiến hành thu hồi đất trong các trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Đất đai năm 2013 gồm: thu hồi đất theo nhu cầu của Nhà nước (bảo đảm an ninh, quốc phòng; phát triển kinh tế, xã hội…); thu hồi đương nhiên (do hết thời hạn sử dụng đất, do chủ sở hữu tự nguyện trả đất. do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người…); thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai (sử dụng đất trái pháp luật, lấn chiếm đất…)
– Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai (khoản 1 Điều 72 Luật đất đai 2013).
4.2.2. Về cách thức thực hiện
– Đối với thủ tục thu hồi đất: cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân huyện) ra quyết định hành chính bằng văn bản.
– Đối với thủ tục trưng dụng đất: Người có thẩm quyền ra quyết định hành chính (trong trường hợp này được xác định là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) bằng văn bản hoặc lời nói trong trường hợp khẩn cấp nhưng phải viết giấy xác nhận việc quyết định.
4.2.3. Về vấn đề đền bù
– Đối với thu hồi đất: Trừ trường hợp thu hồi đất do có sự vi phạm về pháp luật đất đai và thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người thì người bị thu hồi đất sẽ được Nhà nước bồi thường trên cơ sở khung giá nhà nước.
– Đối với trưng dụng đất: Người dân khi bị trưng dụng đất sẽ được đền bù, nếu trong quá trình trưng dụng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Hình thức của quyết định trưng dụng đất
Quyết định trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản; trường hợp khẩn cấp không thể ra quyết định bằng văn bản thì người có thẩm quyền được quyết định trưng dụng đất bằng lời nói nhưng phải viết giấy xác nhận việc quyết định trưng dụng đất ngay tại thời điểm trưng dụng.
Quyết định trưng dụng đất bằng lời nói phải tuân thủ quy định tại Điều 26 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Cụ thể:
Người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản được quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói.
Khi quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản phải viết giấy xác nhận việc trưng dụng tài sản ngay tại thời điểm trưng dụng.
Nội dung giấy xác nhận phải ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản; tên, địa chỉ của người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản; tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của từng tài sản trưng dụng; mục đích, thời hạn trưng dụng; tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng.
Chậm nhất là bốn mươi tám giờ, kể từ thời điểm quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, cơ quan của người đã quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng tài sản và gửi cho người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản một bản.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 67 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì nội dung của quyết định trưng dụng đất, văn bản xác nhận việc trưng dụng đất bao gồm:
– Họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người quyết định trưng dụng đất;
– Tên, địa chỉ của người có đất trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng đất trưng dụng;
– Tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của người được giao sử dụng đất trưng dụng;
– Mục đích, thời hạn trưng dụng đất;
– Vị trí, diện tích, loại đất, tài sản gắn liền với đất trưng dụng;
– Thời gian bàn giao đất trưng dụng.
Bên cạnh đó, hiệu lực của quyết định trưng dụng đất có hiệu lực thi hành kể từ thời điểm ban hành.
6. Thời hạn trưng dụng đất và gia hạn trưng dụng đất là bao lâu?
Theo quy định pháp luật hiện hành thời hạn trưng dụng đất là không quá 30 ngày kể từ khi quyết định trưng dụng có hiệu lực thi hành. Trường hợp trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì thời hạn trưng dụng được tính từ ngày ra quyết định đến không quá 30 ngày kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Trong trường hợp hết thời hạn trưng dụng đất mà mục đích của việc trưng dụng chưa hoàn thành thì được gia hạn nhưng không quá 30 ngày. Khách hàng cũng cần lưu ý rằng quyết định gia hạn trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản và gửi cho người có đất trưng dụng trước khi kết thúc thời hạn trưng dụng.
7. Hoàn trả đất trưng dụng cho người sử dụng đất
Việc hoàn trả đất trưng dụng cho người sử dụng đất khi hết thời hạn trưng dụng đất được thực hiện theo quy định sau đây:
– Người có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất ban hành quyết định hoàn trả đất trưng dụng và gửi cho người có đất bị trưng dụng;
– Trường hợp người có đất trưng dụng tự nguyện tặng cho Nhà nước thì làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
8. Bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra
Việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra thực hiện theo quy định sau đây:
– Người có đất trưng dụng được bồi thường thiệt hại trong trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại; trường hợp người có đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra;
– Trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán;
– Trường hợp người có đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng được ghi trong quyết định hoàn trả đất trưng dụng.
Mức thiệt hại thu nhập thực tế phải phù hợp với thu nhập do đất trưng dụng mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm trưng dụng đất.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đất trưng dụng thành lập Hội đồng để xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra trên cơ sở văn bản kê khai của người sử dụng đất và hồ sơ địa chính. Căn cứ vào mức bồi thường thiệt hại do Hội đồng xác định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định mức bồi thường.
– Tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được ngân sách nhà nước chi trả một lần, trực tiếp cho người có đất trưng dụng trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hoàn trả đất.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw đối với nội dung Trưng dụng đất theo Luật đất đai 2013? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.