Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai

Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai là dạng tranh chấp phổ biến, phức tạp nhất hiện nay, do đó để giải quyết tranh chấp đất đai, cần phải xác định được các dạng tranh chấp đất đai phổ biến. Việc xác định chính xác dạng tranh chấp đất đai có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định chính xác việc đương sự có quyền khởi kiện tranh chấp tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự hay thủ tục tố tụng hành chính, tranh chấp thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân hay Ủy ban nhân dân, xác định thời hiệu khởi kiện, đồng thời là cơ sở để xác định trình tự, thủ tục và đường lối giải quyết tranh chấp. Để hiểu rõ hơn về mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Quý khách hàng có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

Nghị định 43/2014/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Tranh chấp đất đai là gì?

Theo quy định tại khoản 24, Điều 3, Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Trên thực tế, tranh chấp đất đai không chỉ là hiện tượng phổ biến mà trong đó còn hết sức đa dạng về chủ thể cũng như nội dung tranh chấp. Tuy nhiên, về cơ bản tranh chấp đất đai được chia thành ba dạng như sau:

Thứ nhất, tranh chấp về quyền sử dụng đất: là những tranh chấp giữa các bên với nhau về việc ai có quyền sử dụng hợp pháp đối với một mảnh đất nào đó. Trong dạng tranh chấp này chúng ta thường gặp các loại tranh chấp về ranh giới đất; tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong các quan hệ ly hôn, thừa kế; tranh chấp đòi lại đất (đất đã cho người khác mượn sử dụng mà không trả lại, hoặc tranh chấp giữa người dân tộc thiểu số với người đi xây dựng vùng kinh tế mới).

Thứ hai, tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất: dạng tranh chấp này thường xảy ra khi các chủ thể có những giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất như tranh chấp về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất hoặc các tranh chấp liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Thứ ba, tranh chấp về mục đích sử dụng đất:  đây là dạng tranh chấp ít gặp hơn, những tranh chấp này liên quan đến việc xác định mục đích sử dụng đất là gì. Thông thường những tranh chấp này cũng dễ có cơ sở để giải quyết vì trong quá trình phân bổ đất đai cho các chủ thể sử dụng, Nhà nước đã xác định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất. Tranh chấp chủ yếu do người sử dụng đất sử dụng sai mục đích so với khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

2. Thế nào là giải quyết tranh chấp đất đai?

Giải quyết tranh chấp đất đai là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tìm ra các giải pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật nhằm hồi phục lại các quyền lợi bị xâm hại đồng thời truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong pháp luật đất đai, việc xem xét giải quyết tranh chấp đất đai là một trong những biện pháp quan trọng để pháp luật đất đai phát huy được vai trò trong đời sống xã hội. Thông quan đó, Nhà nước điều chỉnh các quan hệ đất đai cho phù hợp với lợi ích của các quan hệ pháp luật liên quan nhằm đảm bảo sự ổn định xã hội.

3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Giải quyết tranh chấp đất đai là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên để tìm ra các giải pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật nhằm xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đất đai.

Theo Điều 203 Luật đất đai 2013, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như sau:

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

– Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

– Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật đất đai 2013;

+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

4. Mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai

Quý khách hàng có thể tham khảo và tải mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại đây:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

….., ngày…tháng…năm 20…

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

 

Kính gửi: Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn)…………………………………………………………………………………………………………

Họ và tên tôi là: ……………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

Sinh năm:………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

CMT số (thẻ căn cước số): ………………………………………………………………………………………………………………………………………..

Ngày cấp:…………………………………..nơi cấp:…………………………………………………………………………………………………………

Hộ khẩu thường trú:………………………………………………………………………………………………………………………………………………….

Nơi ở:………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Tôi viết đơn này đề nghị quý cơ quan giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai giữa gia đình tôi với gia đình của  ông (bà): …………………….. Nơi ở: ………………………………………………………………………………………………………………………………………..

Nội dung vụ việc tranh chấp đất đai như sau:

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….                      …………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

Cho đến nay, chúng tôi vẫn không thể hòa giải được với nhau để giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai đã được nêu bên trên. Vì vậy, gia đình tôi làm đơn này đề nghị Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn) …………. tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai giữa hai bên gia đình chúng tôi đối với thửa đất số…. ……Loại đất………………………hạng đất…………………….. địa chỉ ……………………………………………………………………………………

Yêu cầu cụ thể:

  • Yêu cầu cơ quan thẩm quyền tiến hành đo đạc lại diện tích và ranh giới thửa đất.
  • Lập biên bản hòa giải tranh chấp đất đai giữa hai bên gia đình chúng tôi.

Kính mong cơ quan có thẩm quyền xem xét đơn đề nghị và giải quyết sớm cho tôi.

Tôi xin cảm ơn!

Tài liệu có gửi kèm theo:

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

– …………………………………………

NGƯỜI LÀM ĐƠN ĐỀ NGHỊ

(ký và ghi họ tên)

5. Thực trạng giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay

Trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013, các quy định về giải quyết tranh chấp đất đai ít nhiều đã bộc lộ những điểm bất cập, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu sử dụng đất và làm tăng hiệu quả quản lý đất đai của các cơ quan nhà nước. Một số những tồn tại của công tác giải quyết tranh chấp đất đai trong giai đoạn hiện nay là: công tác hòa giải ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, việc hòa giải đạt hiệu quả chưa cao; hồ sơ địa chính về đất đai phục vụ giải quyết tranh chấp đất đai chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết tranh chấp đất đai còn yếu kém về năng lực, nhận thức pháp luật chưa thống nhất; nhiều quyết định giải quyết chưa thấu tình đạt lý, thời hạn giải quyết chưa đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật; hình thức văn bản giải quyết một số vụ việc chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết đã đã có hiệu lực pháp luật còn thiếu kiên quyết; việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo nhằm phục vụ tổng kết, rút kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp đất đai chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên; đồng thời đã chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong một số quy định về giải quyết tranh chấp đất đai của Luật Đất đai năm 2013.

Từ thực tế giải quyết tranh chấp đất đai cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình giải quyết tranh chấp, một trong những nguyên nhân đó phát sinh từ hoạt động quản lý đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khắc phục các nguyên nhân này là việc cần phải làm để hướng đến nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp cũng như hiệu quả công tác quản lý đất đai trong giai đoạn tới.

Có thể kể đến các nguyên nhân bao gồm:

Một là, do sự quản lý yếu kém kéo dài của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai trong việc lưu trữ, quản lý hồ sơ. Một số cơ quan để xảy ra tình trạng thất lạc hồ sơ về thửa đất, lưu trữ không đầy đủ tài liệu làm gián đoạn thông tin về quá trình sử dụng đất, thông tin trong hồ sơ về thửa đất bị thiếu và không chính xác (về kích thước, số đo, diện tích, hình thù thửa đất, tài sản trên đất) dẫn đến không cập nhật được di biến động về thửa đất.

Thực trạng này xuất phát từ quy định, cách làm không hợp lý của cơ quan quản lý về đất đai như: chậm hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, doanh nghiệp; có sự nhầm lẫn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giao đất không cụ thể trên thực địa, không rõ ranh giới, chồng lấn khi giao; không xác định được thành viên trong quá trình cấp giấy giấy chứng nhận cho hộ gia đình; yêu cầu bắt buộc ghi cả tên vợ hoặc chồng trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cá nhân; cung cấp thông tin cho đương sự, cơ quan giải quyết tranh chấp không kịp thời, thiếu chính xác dẫn đến hồ sơ về thửa đất không bảo đảm độ tin cậy, gây trở ngại rất lớn cho việc giải quyết nhanh và chính xác các vụ tranh chấp về đất đai.

Hai là, do chính sách pháp luật về đất đai thay đổi liên tục và nhanh chóng trong một thời gian dài, nhưng mỗi lần thay đổi không có các quy định của pháp luật minh định rõ các quan hệ đất đai hình thành trên thực tế trong các thời đoạn đó, tạo ra những điểm mờ trong quan hệ về đất đai, dẫn đến cách hiểu và vận dụng quy định pháp luật đất đai chưa đồng bộ, chưa thống nhất ở các cơ quan quản lý đất đai trên cả nước.

Ba là, cán bộ, nhân viên quản lý đất đai năng lực còn yếu kém. Với mức độ tranh chấp đất đai diễn ra ngày càng phổ biến, căng thẳng và phức tạp, có xu hướng tăng lên mạnh mẽ đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý chuyên môn cao mới có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu giải quyết tranh chấp..

Bốn là, Các văn bản pháp luật chưa được phổ cập rộng rãi tới người dân. Một xã hội phát triển là khi công dân có ý thức pháp luật tốt, tuân theo quy định và làm theo những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, không hiểu biết pháp luật, cụ thể là quy định pháp luật về đất đai rất dễ khiến người dân lầm tưởng về quyền lợi, lợi ích của mình đối với quyền sử dụng đất. Từ đó, họ vướng vào tranh chấp đất đai dù thực tế vấn đề đó có thể giải quyết đơn giản chỉ bằng sự hiểu biết pháp luật, hiểu về quyền cũng như nghĩa vụ của mình.

Trên đây là tư vấn của Phamlaw về mẫu đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Nếu bạn còn thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

3.5/5 - (2 bình chọn)