Quy định pháp luật về công ty liên kết

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TY LIÊN KẾT

Công ty liên kết là gì?

Công ty liên kết là mô hình hoạt động khá hiệu quả và được ưa chuộng rất nhiều trên thị trường kinh doanh hiện nay, đặc biệt là khi tiến hành hợp tác với các đơn vị kinh doanh nước ngoài. Không chỉ đem lại hiệu quả về vốn và chi phí giữa các bên kinh doanh mà còn giúp tận dụng được nguồn lực của các bên nhằm đem lại sự phát triển đôi bên cùng có lợi trong công việc làm ăn kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để hiểu rõ hơn về khái niệm công ty liên kết, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020;

Nghị định 19/2014/NĐ-CP ban hành điều lệ mẫu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Công ty liên kết là gì?

Hiện nay có rất nhiều mô hình công ty hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau, một trong số đó là mô hình các công ty liên kết. Công ty liên kết được thành lập nhằm mục đích đem lại hiệu quả của chi phí và vốn của các bên liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh hai bên cùng có lợi. Hiện nay, pháp luật doanh nghiệp không có khái niệm nào về công ty liên kết mà chỉ có khái niệm, quy định về tổng công ty, tập đoàn kinh tế.

Tuy nhiên khái niệm về công ty liên kết được nhắc đến tại khoản 2 Điều 1 tại Điều lệ mẫu kèm theo Nghị định 19/2014/NĐ-CP quy định về ban hành điều lệ mẫu của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu như sau:

“Công ty liên kết” là doanh nghiệp mà Công ty nắm giữ cổ phần, vốn góp không chi phối theo quy định của pháp luật.

“Công ty tự nguyện tham gia liên kết” là doanh nghiệp không có cổ phần, vốn góp của Công ty nhưng tự nguyện trở thành thành viên liên kết trên cơ sở quan hệ gắn bó về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác với Công ty, chịu sự ràng buộc về quyền, nghĩa vụ với Công ty theo hợp đồng liên kết hoặc theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp đó với Công ty”

“Cổ phần, phần vốn góp không chi phối trong công ty liên kết là việc mà một công ty nắm giữ cổ phần hoặc phần vốn góp từ 50% tổng số vốn điều lệ, tổng số cổ phần của công ty trở xuống.”

Do đó thì công ty liên kết là mô hình liên kết do một hoặc nhiều công ty liên kết thực hiện hoạt động với nhau thông qua hình thức nắm giữ cổ phần hoặc vốn góp từ 50% trở xuống nhằm mục đích liên kết hoạt động kinh doanh phát sinh lợi nhuận.

2. Đặc điểm của công ty liên kết

Công ty liên kết có các đặc điểm sau:

Thứ nhất, Công ty liên kết do hai chủ thể trở lên có tư cách doanh nghiệp liên kết với nhau để thành lập nên. Việc liên kết được thực hiện thông qua hợp đồng liên kết, hợp đồng hợp tác, điều lệ công ty, biên bản đóng góp cổ phần, phần vốn góp hoặc các hình thức khác do các bên trong quan hệ liên kết thỏa thuận và ký kết cùng thực hiện.

Thứ hai, Các bên trong quan hệ liên kết đóng góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, có thể bằng hiện vật hoặc bằng giá trị sử dụng nhưng phải đảm bảo không có công ty nào nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để nắm giữ quyền chi phối và quyền kiểm soát.

Thứ ba, Công ty liên kết được thành lập nhằm mục đích thực hiện hoạt động kinh doanh chung nhằm mục đích nhất định thông qua sự thỏa thuận và nhất trí của các thành viên công ty.

Có thể nói, công ty liên kết chính là sự thỏa thuận giữa các công ty để thực hiện hoạt động kinh doanh chung, phát sinh lợi nhuận và chia lợi nhuận theo tỷ lệ sở hữu của mỗi công ty sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất của công ty liên kết so với các mô hình kinh doanh khác là tập đoàn kinh tế, tổng công ty chính từ tên gọi của công ty, đó là sự “liên kết”. Các công ty khi liên kết với nhau thì không có quyền chi phối về vốn hay về quản trị như các mô hình khác mà các bên bình đẳng và độc lập với nhau về tổ chức và hoạt động khi thực hiện hoạt động kinh doanh.

3. Nhận xét về mô hình công ty liên kết

Đa phần các công ty liên kết đều tồn tại dưới dạng: Trong đó ít nhất hai công ty khác nhau là công ty con của một công ty mẹ. Và có một chủ thể sở hữu cổ phần ít hơn phần lớn cổ phần của chủ thể còn lại. Có một số cách để các công ty có thể trở thành công ty liên kết. Một công ty có thể quyết định mua lại hoặc tiếp quản một công ty khác, hoặc công ty có thể quyết định tách hoàn toàn một phần hoạt động của mình thành một công ty liên kết mới. Trong cả hai trường hợp, công ty mẹ nói chung sẽ giữ cho hoạt động của các công ty liên kết tách biệt với nhau. Vì công ty mẹ có quyền sở hữu thiểu số, nên trách nhiệm của nó bị hạn chế và hai công ty sẽ có hai nhóm quản lý riêng biệt.

Mối quan hệ giữa công ty mẹ và các công ty con được xác định trên cơ sở Luật Doanh nghiệp năm 2020 và tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và pháp luật có liên quan, cụ thể:

Thứ nhất, Quan hệ giữa công ty mẹ với công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Trong mối quan hệ này, công ty mẹ là chủ nợ 100% vốn đối với công ty con. Công ty mẹ nắm quyền lực tối cao, các quyết định từ công ty mẹ được thực hiện trực tiếp mà không cần biểu quyết ngoài ra việc thực hiện quyền và nghĩa vụ khác của chủ sở hữu sẽ theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Điều lệ của công ty và các quy định của Chính phủ.

Thứ hai, Quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trong quan hệ này, công ty mẹ thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cổ đông, thành viên, bên góp vốn chi phối theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty thành viên. Công ty mẹ quản lý cổ phần, vốn góp chi phối ở công ty con thông qua đại diện của mình tại doanh nghiệp.

Công ty mẹ nắm bắt tình hình hoạt động của công ty con thông qua người đại diện của công ty mẹ tại công ty con. Thông qua người đại diện này, công ty mẹ sẽ tác động đến quyết định về Điều lệ công ty, cơ cấu tổ chức, chiến lược kinh doanh, nhân sự… của công ty con, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của tác động phải phụ thuộc vào sổ phiếu biểu quyết mà công ty mẹ nắm giữ. Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó. Người quản lý công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh trên cũng phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm. Trường hợp hoạt động kinh doanh này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng cho công ty con bị thiệt hại ( Theo quy định tại điều 196 Luật doanh nghiệp 2020).

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia và các tập đoàn kinh tế mạnh ở Việt Nam thường được tổ chức theo mô hình công ty mẹ và công ty con, nó như một khối liên hệ huyết thống liên kết các thành viên lại với nhau và thúc đẩy nhau phát triển, tạo nên thương hiệu có uy tín trong nền kinh tế thị trường. Để hoàn thiện pháp luật về mô hình này, nhà nước cần đề ra thêm nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển cũng như hạn chế được các rủi ro và lạm quyền của công ty mẹ đối với các công ty con.

Công ty liên kết là mô hình hoạt động kinh doanh phổ biến nhưng chưa được văn bản pháp luật ghi nhận cụ thể về các vấn đề pháp lý liên quan. Liên hệ ngay đến Luật Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được tư vấn cụ thể và chính xác hơn về vấn đề này.

Quy định pháp luật về công ty liên kết – Luật Phamlaw

> Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)