Quy trình, thủ tục đăng ký sáng chế quốc tế

Quy trình, thủ tục đăng ký sáng chế quốc tế

Với sự phát triển kinh tế- xã hội mạnh mẽ như hiện nay thì nhu cầu về kinh doanh ra nước ngoài cũng ngày càng nhiều. Điều đó cũng tạo thúc đẩy cho việc đăng ký sáng chế ra nước ngoài được nhiều hơn cũng như người nước ngoài đăng ký sáng chế tại Việt Nam. Nhận thấy được điều này, Luật Phamlaw xin tư vấn các quy định liên quan đến thủ tục này qua nội dung dưới đây.

Hiện nay có hai cách thức đăng ký sáng chế quốc tế:

I. Đăng ký sáng chế theo Đơn quốc gia (Theo Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu công nghiệp)

Đối với cách thức này, bất kỳ người nào nộp đơn đăng ký sáng chế tại một trong các nước thành viên của Liên minh thì sau đó khi nộp đơn đăng ký tại nước khác sẽ được hưởng quyền ưu tiên trong thời gian 12 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên.

Quy Trinh Thu Tuc Dang Ky Sang Che Quoc Te
Quy trình, thủ tục đăng ký sáng chế quốc tế

Chủ sở hữu sáng chế sẽ nộp Đơn quốc gia tại nước mà mình muốn đăng ký bảo hộ sáng chế, nếu trước đó đã đăng ký sáng chế tại một nước thành viên Công ước Paris thì sẽ được hưởng quyền ưu tiên trong vòng 12 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên.

Việc xử lý Đơn quốc gia sẽ tùy thuộc vào pháp luật nước mà nộp đơn đăng ký.

II. Đăng ký sáng chế theo Đơn quốc tế (Theo Hiệp ước hợp tác Patent- Hiệp ước PCT)

1. Đơn quốc tế về sáng chế

Đơn quốc tế về sáng chế bao gồm hai loại:

Thứ nhất. Đơn PCT có chỉ định hoặc có chọn Việt Nam: Đơn có yêu cầu bảo hộ tại Việt Nam, được nộp tại bất kỳ nước Thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam.

Thứ hai. Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam: Đơn được nộp tại Việt Nam, trong đó có yêu cầu bảo hộ tại bất kỳ nước thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam.

Cơ quan có thẩm quyền nhận Đơn quốc tế về sáng chế tại Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm sau:

– Nhận đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam.

– Thu phí gửi đơn quốc tế và thông báo các khoản lệ phí theo quy định để người nộp đơn chuyển cho Văn phòng quốc tế và Cơ quan tra cứu quốc tế theo quy định của Hiệp ước hợp tác về sáng chế – PCT.

– Kiểm tra các khoản lệ phí có được nộp đúng hạn hay không.

– Kiểm tra và xử lý đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam theo quy định của Hiệp ước.

– Xác định đối tượng yêu cầu bảo hộ: nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ của đơn thuộc diện bí mật quốc gia thì không tiến hành tiếp các công việc tiếp theo và các khoản lệ phí sẽ được hoàn trả cho người nộp đơn, trừ lệ phí gửi và lệ phí sao đơn quốc tế.

– Gửi một bản (bản hồ sơ) của đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam cho Văn phòng quốc tế và một bản (bản tra cứu) cho cơ quan tra cứu quốc tế.

– Gửi và nhận thư từ người nộp đơn và từ các cơ quan quốc tế.

Thành phần Đơn PCT có nguồn gốc tại Việt Nam bao gồm:

– Tờ khai đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam được làm bằng tiếng Anh (03 bản).

– Bản mô tả (02 bản, bao gồm cả hình vẽ, nếu có).

– Yêu cầu bảo hộ (02 bản).

– Các tài liệu có liên quan (nếu có): Giấy ủy quyền…

– Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Thành phần Đơn PCT có chỉ định Việt Nam bao gồm:

– 02 Tờ khai đăng ký sáng chế, làm theo Mẫu 01-SC quy định tại Phụ lục A của Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.

– Bản sao đơn quốc tế (trường hợp người nộp đơn yêu cầu vào giai đoạn quốc gia trước ngày công bố quốc tế).

– 01 Bản dịch ra tiếng Việt của bản mô tả và bản tóm tắt trong đơn quốc tế (bản công bố hoặc bản gốc nộp ban đầu, nếu đơn chưa được công bố và bản sửa đổi và bản giải thích phần sửa đổi, nếu đơn quốc tế có sửa đổi theo Điều 19 của Hiệp ước).

– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

– Giấy ủy quyền (trường hợp đơn nộp qua đại diện). Người nộp đơn có thể nộp giấy ủy quyền với thời hạn quy định tại điểm 27.7.a của Thông tư 16/2016/TT-BKHCN và thời hạn bổ sung giấy ủy quyền không tính vào thời hạn thẩm định đơn.

Thành phần Đơn PCT có chọn Việt Nam bao gồm:

– 02 Tờ khai đăng ký sáng chế, làm theo Mẫu 01-SC quy định tại Phụ lục A của Thông tư 16/2016/TT-BKHCN.

– 01 Bản dịch ra tiếng Việt của bản mô tả và bản tóm tắt trong đơn quốc tế (bản công bố hoặc bản gốc nộp ban đầu, nếu đơn chưa được công bố và bản sửa đổi và bản giải thích phần sửa đổi, nếu đơn quốc tế có sửa đổi theo Điều 19 và/hoặc Điều 34.2 (b) của Hiệp ước).

– 01 Bản dịch ra tiếng Việt của các phụ lục báo cáo thẩm định sơ bộ quốc tế (khi có yêu cầu thẩm định nội dung đơn).

– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

– Giấy ủy quyền (trường hợp đơn nộp qua đại diện). Người nộp đơn có thể nộp giấy ủy quyền với thời hạn quy định tại điểm 27.7.a của Thông tư này và thời hạn bổ sung giấy ủy quyền không tính vào thời hạn thẩm định đơn

2. Thủ tục đăng ký sáng chế quốc tế

Thủ tục đăng đối với từng loại đơn khác nhau lại khác nhau, cụ thể:

Đối với Đơn PCT có chỉ định Việt Nam và Đơn PCT có chọn Việt Nam, thủ tục đăng ký sáng chế quốc tế như sau:

Bước 1. Nộp đơn quốc tế

Chủ sở hữu sáng chế có thể trực tiếp hoặc Ủy quyền cho Đại diện Sở hữu công nghiệp nộp Đơn quốc tế tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc thông qua đường bưu điện.

Bước 2. Xử lý đơn quốc tế

Thời điểm bắt đầu xử lý đơn quốc tế có chỉ định Việt Nam hoặc có chọn Việt Nam ở giai đoạn quốc gia kể từ ngày đầu tiên của tháng thứ ba mươi hai kể từ ngày ưu tiên, nếu người nộp đơn không có văn bản yêu cầu vào giai đoạn quốc gia sớm hơn các thời hạn nêu trên.

Bước 3. Thẩm định đơn quốc tế

Sau khi vào giai đoạn quốc gia, đơn quốc tế được thẩm định hình thức và thẩm định nội dung theo thủ tục quy định đối với đơn đăng ký sáng chế thông thường. Nếu người nộp đơn có văn bản yêu cầu thẩm định đơn trước thời hạn và nộp phí theo quy định, đơn quốc tế sẽ được thẩm định trước thời hạn quy định tại điểm 27.7.b trên đây phù hợp với quy định tại Điều 23(2) của Hiệp ước.

Đối với Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam, thủ tục đăng ký quốc tế sáng chế như sau:

Bước 1. Nộp đơn quốc tế

Chử sở hữu sáng chế có thể nộp trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện đến Cục Sở hữu trí tuệ hay Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Bước 2. Tra cứu quốc tế

Đối với các đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam, các cơ quan tra cứu quốc tế và các cơ quan xét nghiệm sơ bộ quốc tế có thẩm quyền là các cơ quan sáng chế, cơ quan sở hữu công nghiệp hoặc sở hữu trí tuệ của Ôx-trây-li-a, Áo, Liên bang Nga, Thụy Điển, Hàn Quốc và Cơ quan Sáng chế châu Âu.

Bước 3. Công bố đơn

Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam được công bố trên Công báo của PCT (PCT Gazette).

Bước 4. Thẩm định sơ bộ đơn quốc tế

Mục đích: đưa ra ý kiến sơ bộ và không ràng buộc về sáng chế yêu cầu bảo hộ trong đơn có đáp ứng các yêu cầu bảo hộ hay không. Sau đó, Cơ quan thẩm định lập báo cáo thẩm định sơ bộ và gửi cho Văn phòng quốc tế.

Bước 5. Xử lý dơn quốc tế

Sau khi vào giai đoạn quốc gia, đơn quốc tế được thẩm định hình thức và thẩm định nội dung theo các thủ tục quy định đối với đơn đăng ký sáng chế thông thường tại quốc gia sở tại.

III. Căn cứ pháp lý

Luật Sở hưu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009. 2019.

Nghị định 103/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

Thông tư 01/2007/TT-BKHCN Hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP Ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

Thông tư 16/2016/TT-BKHCN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCTTvà Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN.

Trên đây là bài tư vấn “Quy trình, thủ tục đăng ký sáng chế quốc tế” theo quy định hiện nay. Trên thực tế, hồ sơ, quy trình, thủ tục Quý khách hàng sẽ có nhiều những vướng mắc, phát sinh, để hỗ trợ các vướng mắc đó, Quý khách liên hệ tổng đài 1900 của chúng tôi để được tư vấn. Hoặc hỗ trợ dịch vụ, Quý khách liên hệ hotline. Phamlaw luôn sẵn sàng phuc vụ.

Xem thêm: >>> Các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế

—————

Phòng thủ tục hành chính – Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)