Thủ tục công bố hợp quy tại Việt Nam
Như chúng ta đã biết, một sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng là một sản phẩm có chất lượng và uy tín trên thị trường. Nhưng làm thế nào để khách hàng có thể nhận biết sản phẩm có phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hay không phụ thuộc không nhỏ vào việc công bố hợp quy. Việc công bố hợp quy là một biện pháp quan trọng nhằm mang lại sự minh bạch, rõ ràng góp phần tạo tính khác quan và uy tín cho sản phẩm. Vậy thủ tục công bố hợp quy tại Việt Nam gồm những nội dung gì? Luật Phamlaw xin kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.
Công bố hợp quy là gì?
Công bố hợp quy theo căn cứ tại khoản 1 Điều 24 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 là việc người sản xuất thông báo sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 cũng quy định tại khoản 9 Điều 3 “Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng”.
Bên cạnh đó, quy chuẩn kỹ thuật được hiểu là những quy định mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật, yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường… trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; quyền lợi người tiêu dùng và những yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành để bắt buộc áp dụng.
Như vậy, công bố hợp quy là việc người sản xuất thông báo, công khai sản phẩm của mình phù hợp những quy định mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật mà sản phẩm, hàng hóa do mình tạo ra phải tuân thủ để đảm bảo tính an toàn cho người tiêu dùng.
Các sản phẩm, hàng hóa cần công bố hợp quy:
- Danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong Thông tư 01/2021/TT-BLĐTBXH;
- Danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ trong Thông tư 01/2009/TT-BKHCN
- Danh mục sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải trong Thông tư 41/2018/TT-BGTVT;
- Danh mục sản phẩm/ hàng hóa bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông trong Thông tư 11/2020/TT-BTTTT;
- Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương trong Thông tư số 29/2016/TT-BCT;
- Danh mục sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn được phụ trách bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong Thông tư 16/2021/TT-BNNPTNT;
- Danh mục sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải trong Thông tư 41/2018/TT-BGTVT.
Hồ sơ công bố hợp quy
Hồ sơ công bố hợp quy theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN thì:
Tổ chức, cá nhân công bố hợp quy lập hồ sơ công bố hợp quy và nộp trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện tới cơ quan chuyên ngành là cơ quan chuyên môn do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định, giao trách nhiệm. Thành phần hồ sơ được quy định như sau:
Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân (bên thứ nhất), hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:
a) Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2. CBHC/HQquy định tại Phụ lục III Thông tư số 28/2012/TT-BKHCNvà nội dung bổ sung quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư này);
b) Báo cáo kết quả tự đánh giábao gồm các thông tin sau:
– Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax;
– Tên sản phẩm, hàng hóa, nhà sản xuất;
– Số hiệu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
– Kết quả thử nghiệm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của tổ chức thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng;
– Kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
– Cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá.
Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba), hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:
a) Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2. CBHC/HQquy định tại Phụ lục III Thông tư số 28/2012/TT-BKHCNvà nội dung bổ sung quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư này);
b) Bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng kèm theo mẫu dấu hợp quy do tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp cho tổ chức, cá nhân.
Trình tự công bố hợp quy tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 02/3017/TT-BKHCN thì trình tự công bố hợp quy được tiến hành như sau:
- Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá
– Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ công bố hợp quy theo quy định tại Điều 14 Thông tư này cho cơ quan chuyên ngành để công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân;
– Sau khi nộp hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan chuyên ngành, tổ chức, cá nhân được phép lưu thông hàng hóa.
- Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận (sau đây viết tắt là tổ chức chứng nhận)
– Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ công bố hợp quy theo quy định tại Điều 14 Thông tư này cho cơ quan chuyên ngành để công bố hợp quy dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận;
– Sau khi có bản Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của cơ quan chuyên ngành, tổ chức, cá nhân được phép lưu thông hàng hóa.
- Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận được chỉ định
– Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ công bố hợp quy theo quy định tại Điều 14 Thông tư này kèm theo bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật của tổ chức chứng nhận được chỉ định cho cơ quan chuyên ngành để được cấp Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy;
– Sau khi có Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân được phép lưu thông hàng hóa.
- Cơ quan chuyên ngành quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này xử lý hồ sơ công bố hợp quy theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.
Xử lý hồ sơ công bố hợp quy
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN thì Xử lý hồ sơ công bố hợp quy được tiến hành như sau:
Hồ sơ công bố hợp quy gửi tới cơ quan chuyên ngành được xử lý như sau:
Đối với hồ sơ công bố hợp quy không đầy đủ theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản đề nghị bổ sung các loại giấy tờ theo quy định tới tổ chức, cá nhân công bố hợp quy. Sau thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan chuyên ngành gửi văn bản đề nghị mà hồ sơ công bố hợp quy không được bổ sung đầy đủ theo quy định, cơ quan chuyên ngành có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
Đối với hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này, trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ công bố hợp quy:
a) Trường hợp hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ và hợp lệ, cơ quan chuyên ngành ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (theo Mẫu 3. TBTNHS quy định tại Phụ lục IIIThông tư này).
Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hơp quy có giá trị theo giá trị của giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp hoặc có giá trị ba (03) năm kể từ ngày lãnh đạo tổ chức, cá nhân ký xác nhận báo cáo đánh giá hợp quy (đối với trường hợp tổ chức, cá nhân tự đánh giá hợp quy);
b) Trường hợp hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ nhưng không hợp lệ, cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy về lý do không tiếp nhận hồ sơ.
Lưu ý: Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp hoặc báo cáo đánh giá hợp quy trường hợp tổ chức, cá nhân tự đánh giá hợp quy là 03 năm kể từ ngày được cấp hoặc ngày ký xác nhận.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw đối với câu hỏi về “Thủ tục công bố hợp quy tại Việt Nam”. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.
> Xem thêm:
- Giấy phép lưu hành sản phẩm – quảng cáo sản phẩm
- Dịch vụ đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, công bố lưu hành sản phẩm
- Thủ tục công bố Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa
- Thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa