Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng phương thức thương lượng

Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng phương thức thương lượng

Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, quan hệ lao động được hình thành trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà những thỏa thuận này đôi khi bị phá vỡ dẫn đến nhiều tranh chấp lao động. Hiện nay các tranh chấp lao động nói chung và tranh chấp lao động cá nhân nói riêng ngày càng gia tăng và phức tạp. Vì vậy, cần có những phương thức giải quyết hiệu quả để áp dụng vào từng vụ án lao động nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia vào quan hệ lao động. Trong đó, việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng thương lượng là một trong những phương thức mà các bên trong quan hệ lao động muốn hướng tới. Để hiểu rõ hơn về phương thức này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật lao động 2019

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Tranh chấp lao động là gì?

Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp giữa cá nhân người lao động và người sử dụng lao động về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động.

Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là hoạt động của các chủ thể tranh chấp hoặc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành giải quyết những xích mích, bất đồng trong quan hệ lao động nhằm đạt được lợi ích mong muốn của các bên.

2. Đặc điểm tranh chấp lao động cá nhân

Thứ nhất, Chủ thể trong tranh chấp lao động cá nhân chủ yếu là cá nhân người lao động và người sử dụng lao động.

Thứ hai, Nội dung tranh chấp lao động cá nhân luôn liên quan đến hợp đồng lao động bởi mục đích của NLĐ trong tranh chấp thường vì lợi ích cá nhân và thường phát sinh trong các trường hợp có sự vi phạm về hợp đồng lao động.

Thứ ba, tranh chấp lao động cá nhân thông thường không có tính tổ chức, quy mô phức tạp như tranh chấp lao động tập thể mà thường mang tính cá nhân, đơn lẻ.

3. Tại sao phải sử dụng phương thức thương lượng

Khi tham gia các quan hệ kinh tế, việc xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi. Các bên trong tranh chấp đều mong muốn tìm được biện pháp giải quyết tranh chấp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên là thấp nhất.

Trong thực tế, thương lượng chính là phương thức giải quyết được sử dụng rộng rãi nhất. Trong quá trình thương lượng, các bên sẽ bàn bạc, thảo luận các vấn đề liên quan tới vụ tranh chấp, đưa ra những phương án nhằm giải quyết vụ tranh chấp đó. Quyết định được đưa ra dựa trên nền tảng của sự thỏa thuận giữa chính các bên mà không phải là kết quả của một áp lực nào từ bên ngoài.

4. Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng phương thức thương lượng

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên tranh chấp đối thoại với nhau một cách trực tiếp nhằm đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 180 Bộ luật lao động 2019 về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động, thứ nhất đó là tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Bởi vậy, việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải được hai bên trực tiếp thương lượng nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội. Từ đó có thể thấy thương lượng là một biện pháp rất quan trọng – biện pháp đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Đây cũng là nguyên tắc mà pháp luật quy định khi tiến hành giải quyết tranh chấp lao động.

Quá trình thương lượng trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm các nội dung sau:

  • Các bên tranh chấp sẽ gặp nhau để thương lượng các vấn đề lao động đang mâu thuẫn.
  • Những người tham gia thương lượng sẽ thể hiện quan điểm, ý kiến của mình về cách giải quyết xung đột giữa họ và bên liên quan.
  • Trong quá trình thương lượng, các bên có quyền bình đẳng với nhau về mọi vấn đề. Không bên nào được áp đặt ý chí bên đối diện phải tuân theo quan điểm, ý kiến của mình.
  • Kết quả của quá trình thương lượng, một là sự đồng thuận của hai bên và khúc mắc được giải quyết, hai là vấn đề diễn biến không khả quan, không có tiếng nói chung
  • Nếu hai bên không giải quyết được mâu thuẫn, hai bên tranh chấp sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp khác để giải quyết tranh chấp.

5. Quy trình thương lượng

Trong thực tế giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, quy trình thương lượng gồm ba giai đoạn sau:

Bước 1: Chuẩn bị thương lượng

– Nhận diện một cách đầy đủ và toàn diện về cuộc tranh chấp

– Tìm hiểu về đối phương trong tranh chấp

– Xác định mục tiêu thương lượng

– Xác định thành phần tham gia

– Chuẩn bị nội dung thương lượng

– Xây dựng kế hoạch, chiến lược đàm phán

Bước 2: Tiến hành thương lượng

– Xác nhận và tìm hiểu vấn đề tranh chấp

+ Phân tích lời đề nghị của đối phương

+ Phản hồi lời đề nghị

+ Đề xuất biện pháp thay thế

+ Quan sát sự thay đổi

+ Nhượng bộ trong thương lượng

– Xây dựng và lựa chọn phương án chung để GQTC

Bước 3: Kết thúc thương lượng

TH1: Thương lượng thành công

Xác định thời điểm kết thúc thương lượng và lựa chọn cách thức kết thúc để hai bên có thể ký hợp đồng sửa đổi, bổ sung hoặc ra biên bản đồng ý.

TH2: Thương lượng không thành công

Xác định thời điểm kết thúc và cách xử lý bế tắc. Nếu hai bên không giải quyết được mâu thuẫn, hai bên tranh chấp sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp khác để giải quyết tranh chấp.

6. Ưu và nhược điểm của thương lượng giải quyết tranh chấp lao động

a. Ưu điểm

Thứ nhất, tạo ra khả năng hàn gắn, gìn giữ mối quan hệ lao động

Ngoại trừ tranh chấp về việc đòi quyền lợi khi bị sa thải (chấm dứt quan hệ lao động) thì phần lớn trong các tranh chấp lao động khác, các bên đều có mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ lao động đó, bởi việc cung – cầu lao động, tạo công ăn việc làm là vấn đề không đơn giản. Do đó, cho dù đặt mình vào một tranh chấp lao động thì người lao động luôn luôn mong muốn cải thiện tình trạng hơn là làm xấu đi tình trạng đó, và song song là ở phía người sử dụng lao động cũng gặp khó khăn đến hoạt động, tiến độ sản xuất kinh doanh,… cho nên đa phần sẽ ưu tiên gìn giữ mối quan hệ đó.

Thứ hai, tạo ra bầu không khí hòa bình trong giải quyết tranh chấp

Quá trình thương lượng diễn ra trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Một cuộc thương lượng thường bắt đầu bằng việc tôn trọng nhận lời đề nghị thương lượng của bên kia. Thương lượng là quá trình cùng thảo luận, bàn bạc, đàm phán, quyết định vấn đề tranh chấp nên các bên đều tìm cách kiềm chế những xung đột, tình cảm gây xung đột. Không khí hòa bình được tạo ra nhờ vào những mục tiêu chung và tinh thần, thái độ của mỗi bên trong hoàn cảnh cần thuyết phục lẫn nhau.

Thứ ba, có thể tránh được những xung đột tiếp theo

Việc các bên cùng có vấn đề quan tâm chung, vừa có tinh thần tương hỗ và sự cảm thông thì cho dù có chấm dứt tranh chấp lao động hay không, chắc chắn sẽ giải thiểu và ngăn ngừa được những xung đột mới.

Thứ tư, đảm bảo bí mật thông tin

Các bên trong tranh chấp lao động khi tham gia thương lượng có quyền quyết định thành phần tham gia. Thông thường, vì lí do đảm bảo bí mật thông tin, giữ gìn thanh danh, uy tín,… của cá nhân hoặc của doanh nghiệp mà các cuộc thương lượng rất ít khi có sự tham gia của người thứ ba. Điều đó cũng chính là một trong những điều kiện để họ có thể tạo ra những cơ hội hàn gắn và phát triển quan hệ lao động, hoặc tạo điều kiện do việc duy trì uy tín cá nhân, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường.

Thứ năm, giảm bớt chi phí và phiền hà đối với luật pháp

Một khi thương lượng thành công, các bên có thể cùng nhau thực hiện các thỏa thuận đã đạt được. Khi đó, các bên không cần phải thực hiện các biện pháp mang tính pháp lý khác như giải quyết Hòa giải lao động, giải quyết theo Trọng tài lao động hay cả một hệ thống tòa án phức tạp với những thủ tục không phải ai cũng dễ dàng quen thuộc, thông thạo. Có nhiều phiền toái đến từ những lần triệu tập tốn kém thời gian, chi phí, các công việc cần thực hiện trong từng biện pháp cụ thể… Vì vậy, nếu giải quyết dứt điểm tranh chấp lao động bằng thương lượng, các bên có thể giảm thiểu được những khó khăn, ách tắc đó.

b. Nhược điểm, hạn chế

Thứ nhất, không có sự tổ chức rõ ràng. Thương lượng không có chủ tọa, không có người điều khiển, không có chương trình nghị sự chung,… Các bên hoàn toàn là những chủ thể độc lập với nhau khi bước vào quá trình thương lượng. Việc đi đến thống nhất trong quan điểm hoàn toàn do ý chí hai bên mà không có một vị nào đứng ra phân xử, dẫn đến việc đạt kết quả khả quan chung thường là khó khăn.

Thứ hai, không có quy tắc, trình tự, thủ tục nhất định. Quá trình thương lượng giải quyết tranh chấp lao động thường không có quy tắc chung do pháp luật quy định. Các quy tắc sử dụng trong quá trình thương lượng do chính các bên tham gia thỏa thuận đặt ra. Điều này dễ dẫn đến sự bất đồng trong ý kiến nếu như một bên quá nâng cao quan điểm.

Thứ ba, chưa có cơ chế bảo đảm thi hành. Về cơ bản, các bên tự giác thi hành các thỏa thuận đã đạt được trong quá trình thương lượng. Trong trường hợp một trong các bên không tự nguyện thi hành thì bên kia có quyền sử dụng các cơ chế khác để giải quyết tranh chấp lao động đó như: cơ chế hòa giải, trọng tài hoặc xét xử tại tòa án nhân dân chứ không thể yêu cầu cơ quan nhà nước ra lệnh cưỡng chế thi hành các thỏa thuận từ thương lượng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng phương thức thương lượng, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)