Các trường hợp giải thể và điều kiện giải thể doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng Cục phó Tổng cục thống kê dẫn kết quả khảo sát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp cho biết: “khoảng 70% doanh nghiệp khẳng định nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp phải giải thể là do kinh doanh thua lỗ, 28% do thiếu vốn, gần 15% do không tiêu thụ được sản phẩm”. Như vậy, hầu hết các doanh nghiệp khi đã đến mức giải thể thì khả năng doanh nghiệp chi trả được tất cả các khoản nợ là rất thấp. Do đó, yêu cầu doanh nghiệp phải thanh toán tất cả các khoản nợ mới được giải thể là không phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp không thanh toán hết các khoản nợ nhưng giữa doanh nghiệp và chủ nợ thỏa thuận được về việc chuyển giao nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp thì hoàn toàn có thể được .
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp mới:
1. Các trường hợp giải thể doanh nghiệp
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 207 Luật doanh nghiệp năm 2020 về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:
“a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.”
Như vậy, chủ sở hữu công ty có thể quyết định giải thể doanh nghiệp hoặc bắt buộc phải thực hiện giải thể trong một số trường hợp mà doanh nghiệp không còn thoả mãn các điều kiện tồn tại theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh vi phạm pháp luật. Cụ thể:
– Các trường hợp công ty có quyền quyết định giải thể:
Trường hợp 1: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn
Khi thành lập công ty, các thành viên trong công ty đều hướng đến mục tiêu nhất định và hoạch định một thời hạn nhất định để hoàn thành mục tiêu đó. Thời hạn đó được ghi trong Điều lệ công ty. Việc quy định thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có thể do thỏa thuận của các thành viên, cổ đông sáng lập, hoặc do sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hết thời hạn hoạt động ghi trong quyết định thành lập mà các thành viên không xin gia hạn hoặc có xin gia hạn nhưng bị cơ quan có thẩm quyền từ chối thì công ty sẽ phải giải thể.
Trường hợp 2: Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần
Luật doanh nghiệp năm 2020 ghi nhận, chủ sở hữu doanh nghiệp vì những lý do khác nhau, chẳng hạn như lợi nhuận thấp, thua lỗ kéo dài, có mâu thuẫn nội bộ, không còn phù hợp với mục đích kinh doanh đề ra ban đầu,… và nhiều yếu tố khác mà không muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh thì họ hoàn toàn có quyền quyết định việc giải thể doanh nghiệp để thu hồi vốn hoặc chuyển sang kinh doanh những loại hình doanh nghiệp khác với những chủ thể khác. Đây là quyết định hoàn toàn mang tính tự nguyện và chủ động của chủ doanh nghiệp.
Tùy thuộc vào mỗi loại hình doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp có quyền quyết định bao gồm: chủ doanh nghiệp tư nhan đối với doanh nghiệp tư nhân, Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần,…
>> có thể bạn quan tâm: Hồ Sơ – Trình Tự – Thủ tục giải thể công ty trọn gói
– Các trường hợp công ty bắt buộc phải giải thể:
Trường hợp 1: Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình công ty
Một trong những điều kiện pháp lý để công ty có thể tồn tại là và hoạt động đó là công ty phải có số lượng thành viên tối thiểu. Đối với mỗi loại hình công ty, pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu là khác nhau: đối với công ty cổ phần thì phải có ít nhất ba cổ đông ( điểm b, khoản 1, Điều 111 Luật doanh nghiệp 2020), đối với công ty hợp danh thì phải có ít nhất hai thành viên hợp danh (điểm a, khoản 1, điều 177 Luật doanh nghiệp 2020),… Trong quá trình hoạt động vì một lý do nào đó mà có sự ra đi của một hoặc một số thành viên dẫn đến công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp đó, pháp luật không bắt buộc công ty phải giải thể ngay mà dành cho công ty một khoảng thời gian nhất định (06 tháng) để công ty kết nạp thêm thành viên hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Nếu quá thời hạn sáu tháng mà công ty không kết nạp thêm thành viên hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì công ty phải tiến hành thủ tục giải thể.
Trường hợp 2: Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Người quản lý có liên quan và công ty cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là căn cứ pháp lý ghi nhận sự ra đời, công nhận về mặt pháp lý sự xuất hiện của doanh nghiệp trên thị trường. Khi doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều đó có nghĩa là Nhà nước rút lại sự công nhận tư cách chủ thể kinh doanh đối với doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp bắt buộc phải tiến hành thủ tục giải thể.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 212 Luật doanh nghiệp 2020 về các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gồm:
“1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong các
trường hợp sau đây:
a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;
b) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 17 của Luật này thành lập;
c) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;
d) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
đ) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.”
2. Điều kiện giải thể doanh nghiệp
Khoản 2, Điều 207, Luật doanh nghiệp 2020 quy định điều kiện giải thể doanh nghiệp đó là:
“Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.”
Các quy định về giải thể doanh nghiệp không chỉ tạo cơ sở pháp lý để chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp, mà còn bảo vệ quyền lợi của những chủ thể có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của chủ nợ và người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt tồn tại. Do vậy, việc xác định rõ điều kiện để tiến hành giải thể doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Như vậy, dù là trường hợp tự nguyện giải thể hay bắt buộc giải thể thì doanh nghiệp cũng phải đáp ứng điều kiện này mới được giải thể, nếu không doanh nghiệp sẽ không thể chấm dứt hoạt động bằng thủ tục giải thể. Trên thực tế, việc đòi hỏi doanh nghiệp giải thể phải thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản là điều không hề đơn giản.
Trên đây là nội dung tư vấn hỗ trợ Quý khách về về Các trường hợp giải thể và điều kiện giải thể doanh nghiệp mới. Quý khách hàng có thể liên hệ dịch vụ qua 2 số hotline 097 393 8866; 091 611 0508, Phamlaw sẵn sàng hỗ trợ. Để được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu các chính sách pháp luật doanh nghiệp về giải thể doanh nghiệp, vui lòng kết nối tổng đài 1900 6284. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ.
– Căn cứ pháp lý:
Luật Doanh nghiệp năm 2020
——————–
Phòng tư vấn doanh nghiệp và đầu tư – Luật Phamlaw
> xem thêm: